Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Thời sự của quá khứ

 Bên bàn cà phê vườn phía sau dinh Thống Nhất, một người bạn thường đi du lịch ba miền đưa ra nhận xét: Dù đã qua mấy cuộc thay đổi tên đường, Sài Gòn - TPHCM vẫn giữ lại được nhiều nhất những đường phố cũ mang tên “Tây”! Một nhận xét nhỏ mà khá bất ngờ.
Quả thật, chẳng biết có nhiều nhất hay không, nhưng tại khu trung tâm Sài Gòn hiện đang có bốn con đường giữ nguyên tên cũ, là tên của những người Pháp gắn với quá trình lịch sử mấy trăm năm nền văn hóa văn minh phương Tây tiếp xúc với xứ ta. Trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) giáp bùng binh chợ Bến Thành, song song với các con phố mang tên Nguyễn Thái Học, Ký Con, Phó Đức Chính, có đường Yersin, đường Calmette nối liền cầu Calmette, và dài nhất là đường Pasteur khởi đầu từ đại lộ Võ Văn Kiệt, chạy xuyên quận 1 - quận 3, qua đường Võ Thị Sáu đến gặp đường Trần Quốc Toản. Cả ba “ông Tây” được đặt tên đường này là những danh nhân gắn với Viện Pasteur nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vi sinh vật học. Hai bác sĩ Calmette và Yersin đến Đông Dương những năm cuối thế kỷ 19, ngoài việc tìm tòi các phương pháp trị bệnh mới, còn có công trợ giúp cho xứ ta phát triển về y tế, trồng trọt, chăn nuôi và cả du lịch. Riêng “ông Năm” Yersin còn được dân Nha Trang, Đà Lạt tôn thờ như một vị ân nhân. Rồi ở phía trước dinh Thống Nhất, nằm đối xứng qua trục đường Lê Duẩn với đường Hàn Thuyên - tên vị quan thượng thư thời nhà Trần có công phát triển và phổ biến chữ Nôm - là con đường mang tên Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa, người biên soạn, tổ chức in ấn cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (tên gốc: Dictionarium Annamiticum - Lusitanum - Latinum) xuất bản năm 1651. Công trình của ông đã chung đúc thành tựu của nhiều giáo sĩ phương Tây cùng thời, dựng mốc quan trọng cho quá trình sáng tạo, hoàn thiện và nâng cao hệ thống chữ Việt viết theo mẫu tự
Latinh, từ đó, nền “văn hóa Quốc ngữ” hình thành, phát triển cho đến ngày nay...
Điểm lại những tên đường theo lời anh bạn nói, cả nhóm cùng chịu rằng, có lẽ nên ghi nhận thêm một nét đẹp “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” của thành phố này! Nghĩa tình, hiểu theo nghĩa có thủy có chung, biết lưu giữ, ghi nhớ và tôn vinh công trạng của những người đi trước, không cố chấp phân biệt họ có hoàn toàn thuộc “phe ta” hay không. Và chính sự không cố chấp này cũng là một khía cạnh của văn minh, hiện đại, nó thể hiện một thái độ nghiêm túc cầu thị, một cách nhìn khoa học hơn, khách quan hơn trước những vấn đề hay nhân vật lịch sử vốn không đơn giản, từng gây nhiều tranh cãi.
“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/Phải đem ra tỉnh trước dân ta”... “Á Âu chung lại một lò/Đúc nên tư cách mới cho rằng người”. Ai đó nhắc lại mấy câu văn vần trong bài Chiêu hồn nước được phổ biến cách nay hơn một trăm năm, của các cụ trong phong trào Duy Tân. Xuất thân cửa Khổng, sân Trình, thấm nhuần tư tưởng Nho gia và tinh thần dân tộc, ghét thực dân Pháp, nhưng các cụ đã không dị ứng với văn hóa văn minh phía trời Âu, mà trái lại, tích cực cổ xúy việc tiếp thu nó qua phương tiện chữ Quốc ngữ. Ngẫm ra, một số vị thời nay vẫn thua các cụ, khi họ lầm lẫn hai khái niệm truyền thống và cổ truyền. Nếu cổ truyền là những giá trị vốn có từ xa xưa truyền lại, thì truyền thống được xây dựng, hình thành trên tiến trình đi tới. Truyền thống có thể lấp lánh vẻ đẹp cổ truyền, nhưng là cái cổ truyền được gạn đục khơi trong, nhào trộn nhuần nhuyễn cùng những giá trị mới, hiện đại của nhân loại, cùng “chung lại một lò” để giàu thêm bản sắc dân tộc.
Từ những giá trị vô hình, câu chuyện lan qua lối ứng xử còn “thiếu nghĩa tình” với các công trình kiến trúc - xây dựng thuộc phạm trù văn hóa vật thể. Mấy năm gần đây, không chỉ ở Sài Gòn hay Hà Nội mà ở một số đô thị địa phương khác cũng rộ lên dư luận “phá bỏ xây mới hay giữ lại tu bổ” những công trình cũ của thời thuộc địa. Đó là một tòa dinh thự, một ngôi trường, bệnh viện, hay một cây cầu... mang dấu tích quá khứ, gắn với cuộc sống và tâm hồn của nhiều thế hệ cư dân. Nếu chúng ta biết trân trọng giữ gìn chúng cho đời nay và cho mai sau, thì kỹ thuật hiện đại bây giờ không thiếu cách để tôn tạo, bảo tồn được cả công năng lẫn thẩm mỹ của chúng, với những phương án hoàn toàn khả thi. Một bạn kiến trúc sư khẳng định như thế, rồi anh kể thêm, trong chuyến du hành châu Âu năm trước, anh đã rất ngạc nhiên và thích thú với một công trình kiến trúc cổ bên đường đang được thi công cải tạo. Chính quyền thành phố bắt buộc nhà thầu phải dựng lên một tấm pa nô lớn che phía trước, trên đó là hình ảnh bằng kích thước và màu sắc đúng như mặt tiền ngôi nhà cũ. Cẩn trọng nhiêu khê như thế không phải vì họ “rảnh”, mà họ muốn giữ cho cảnh quan của dãy phố không bị hụt hẫng nham nhở trong thời gian thi công ngôi nhà, và trong mắt nhìn của người qua kẻ lại.
Bạn kiến trúc sư đưa tay chỉ sang tòa nhà trước kia mang tên “dinh Độc Lập”, có số phận may mắn hơn một hội trường nổi tiếng ngoài thủ đô. Nó được bảo tồn không chỉ vì các sự kiện lịch sử chính trị, mà trước hết, nó là sản phẩm sáng tạo góp vào truyền thống kiến trúc Việt Nam, hiện đại mà vẫn thích nghi tốt môi trường nhiệt đới, không xa rời tính dân tộc. Theo anh, trên đất nước ta còn nhiều công trình kiến trúc cũ tương tự, ở những tầm cỡ khác nhau. Chúng kể lại sinh động về một thời kỳ lịch sử dân tộc ta tiến bước dài cả về văn hóa, kinh tế, kỹ thuật... chứ không chỉ là vật chứng địa điểm có liên quan đến một sự kiện chính trị hay nhân vật chính trị nào. Chúng lại càng không phải là... tàn dư của chế độ thực dân đế quốc. Nghe đến đây, bạn du lịch nhắc nhớ chủ trương một thời, nhà chức trách cố công Việt hóa những tên gọi danh tiếng cũ. Sau 1954 ở Hà Nội, khách sạn Metropole đổi thành Thống Nhất, sau 1975 ở Sài Gòn thì khách sạn Majestic thành Cửu Long, Caravelle thành Độc Lập, Palace thành Hữu Nghị... Những sự “chuyển ngữ” cố chấp như thế đã hoàn toàn thất bại khi đất nước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập với thế giới. Kinh tế thị trường dần được khôi phục các giá trị và chứng tỏ tính quy luật gần như tuyệt đối của nó. Đến nỗi ngày nay, ở khắp các địa phương nổi tiếng về du lịch trên đất nước ta, thật khó tìm ra một dự án địa ốc mới nào đặt tên bằng tiếng Việt!
Sao UNESCO chưa công nhận Internet là một kỳ quan thế giới nhỉ? Một thành viên trong nhóm rời mắt khỏi màn hình điện thoại thông minh, cất lời hỏi và góp chuyện bằng mẩu thần thoại Hy Lạp về ông vua Midas, xứ Phrygie. Ông làm thần Apollo giận nên bị thần cho mọc hai cái tai lừa, phải đội chiếc mũ đặc biệt để che giấu đôi tai trước mắt thiên hạ. Nhưng làm sao giữ kín được với anh chàng thợ cạo (thợ hớt tóc ngày nay) của mình, ông bèn hăm dọa và buộc anh ta phải thề độc, dù có chết cũng không được tiết lộ. Chàng thợ cạo sợ oai vua, song cái niềm bí mật ôm mãi trong lòng khiến cho anh phát bệnh. Một đêm, anh nghĩ ra cách đào thật sâu một lỗ đất ngoài bãi vắng, ghé sát miệng vào mà hét to: “Vua Midas có lỗ tai lừa!”. Xong rồi anh cẩn thận lấp lại, nghe nhẹ cả lòng. Nào ngờ ít lâu sau, từ cái nơi chôn vùi sự thật ấy mọc lên một đám sậy, khi gió thổi, đám sậy cứ lào xào câu “Vua Midas có lỗ tai lừa...” đưa dần đến tai dân chúng. Câu chuyện có thể khiến nhiều facebookers hôm nay bật cười trước giải pháp ngộ nghĩnh của anh thợ cạo xứ Phrygie. Và họ thấy mình thật may mắn, thầm biết ơn chàng sinh viên Mark Zuckerberg của Đại học Harvard năm nào đã sáng tạo ra mạng xã hội, giúp cho vô vàn tiếng lao xao của các đám sậy trên khắp địa cầu được dễ dàng tỏa lan...
Bàn cà phê giải tán sau khi cạn nhão hết bình trà, để lại nhiều dư âm dư vị. Trong đám bạn có người chợt nhận ra hồi nãy chưa ai kịp phân tích, giữa hai thức uống phổ biến hàng đầu của văn hóa ẩm thực Việt Nam này, thứ nào đậm đà bản sắc hơn?


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons