Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Tết xưa - Tết nay



Từ giữa tháng Chạp, người dân đã chọn chặt những cây nứa, cây giang loại bánh tẻ để tước, chẻ lạt gói bánh chưng, bánh tét. Vào ngày cuối cùng của năm, cây nêu cũng được dựng lên trong sân hay trước cửa nhà để trừ tà đón lộc, thờ phụng thần linh, vong hồn tổ tiên và làm tiêu tan đi những điều xấu của năm cũ.
Thờ Táo Quân theo phong tục truyền thống Việt Nam. (Tranh Đông Hồ).
Về cây nêu, trong cuốn Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.
Ngày nay, thay vì cây nêu, nhiều gia đình đã thay bằng cây mai, cây đào, cây quất.
Không có tài liệu nghiên cứu lịch sử của Việt Nam nói rõ được Tết Năm Mới hay còn gọi là Tết Nguyên đán, Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, và ngắn gọn là: Tết… của Việt Nam khởi sự từ khi nào. Giả thuyết cho rằng, người Mường cổ, (là dân tộc gần gũi với người Kinh, xuất phát từ người Việt Mường cổ) ăn hai cái Tết, một hội. Tết sau khi gặt vụ Đông gọi là Tết Lúa Mới vào cuối tháng 10 theo lịch đoi (khoảng tháng 11 dương lịch ngày nay) và đến tháng Ba (tức tháng 4 dương lịch) khi xuống đồng cầy cấy thì mở Hội Xuống Đồng và Tết Đoi (tết lại), sau Tết Năm Mới (Tết Nguyên đán) hiện nay 15 ngày. 
Theo nhiều giả thuyết, Tết Năm Mới ngày nay bắt nguồn từ thời Lý. Cũng từ thời Lý, người Việt ảnh hưởng lịch theo mặt trăng (âm lịch) của người Hán, do thấy phù hợp cho việc làm nông nghiệp. Vì vậy, cũng từ thời đại này mà Tết Năm Mới theo như âm lịch - còn có tên gọi khác là nông lịch - ngày nay, ra đời.
Trong cuốn Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam (Nhã Nam & NXB Thế Giới phát hành) được ông Mario Sica tổng hợp biên soạn. 
Người ghi chép lại là ông Giovani Filippo De Marini, ông sinh năm 1608, đã sống làm việc tại Đàng Ngoài từ năm 1646 đến năm 1658. Theo ghi chép, trước ngày Tết năm mới 15 ngày, người dân mở phiên chợ bán những thứ tốt nhất. Thương nhân đổ về bán rất nhiều mặt hàng. Người nghèo khó nhất cũng đi mua sắm. Trên phố, trên sông có nhiều đạo tặc nên người mua kẻ bán đều tụ tập thành nhóm lớn, đem theo vũ khí để bảo vệ hàng hoá lẫn tính mạng.
Vào dịp năm mới, người bề dưới phải dâng vật phẩm cho bề trên. Dù là mang tính lễ nghĩa lịch sự nhưng cũng là lệ rất nghiêm ngặt. Các quan văn, quan võ tuỳ cấp bậc phải dâng lên nhà Vua nhiều lễ vật. Quan cấp dưới biếu quan cấp trên, học trò biếu thầy giáo, con cháu biếu quà cha chú… Đồng thời, những ông chủ hay các quan lại cũng phải chia lương thưởng cho cấp dưới để tất cả đều được đón năm mới trong niềm vui.
Lễ chùa đầu năm.
Còn trong cung đình, năm mới được đón chào bằng ba tiếng đại bác lớn. Tiếng đại bác vang khắp thành và khu vực xung quanh. Nhà Vua cởi long bào đã mặc từ năm ngoái để tắm rửa bằng nước lạnh rồi khoác lên tấm long bào mới. Vua được kiệu tới chính điện, nơi các quan và vương thân quốc thích chờ diện kiến. Nhà Vua sau khi nhận những lời chúc năm mới từ các hoàng tử, rồi lần lượt từng cấp bậc quan lại, sẽ về hậu cung để nhận quỳ lạy cầu chúc từ hoàng hậu, công chúa, phi tần.
Sáng sớm, Vua trở dậy, thiết triều để tiếp tục nhận những lời chúc phúc cung kính. Khi mặt trời lên, Vua mặc hoàng bào lộng lẫy ngồi trên kiệu vàng có năm mươi người khiêng ngồi nghiêm trang mắt chăm chăm nhìn vào một điểm, mở đầu cho đám rước lớn, đến nơi cúng tế Trời Đất. 
Ngày nay, Tết Năm Mới của nhân dân ta cũng vẫn bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng. (Một Chạp Giêng Hai là cách gọi theo lịch người Mường cổ). So với thời xưa, vẫn giữ được những phong tục truyền thống. Ngày 23 tháng Chạp khởi sự bắt đầu cho Tết Năm Mới là cúng Ông Công Ông Táo. Đây là tục lệ bắt nguồn từ Trung Quốc xưa.
Đến Việt Nam, thành ba vị thần Thổ Công: trông coi bếp lửa bát cơm manh áo gọi là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân; Thổ Địa: trông coi long mạch, đất đai, nhà cửa gọi là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, Thổ Kỳ: trông coi chợ búa tiền bạc gọi là: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần từ sự tích “một bà hai ông”, gọi nôm na là Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp. Đến ngày 23 tháng Chạp, ba vị Táo Quân cưỡi cá chép bay về Trời để trình báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế những việc đã xảy ra trong gia đình năm qua.
Từ ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết đã trở nên rộn ràng. Theo quan niệm đón Năm Mới thì mọi sự cần mới, người dân quét vôi lại nhà, sơn đồ đạc, sửa sang, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ. Quần áo mới cũng được may sắm để mặc vào những thời khắc đầu tiên của Năm Mới. 
Chợ phiên Tết được họp bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết 30 tháng Chạp, bán rất nhiều mặt hàng với các thể loại phong phú. Nhiều nhất vẫn là lá dong, lạt giang, đỗ xanh, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, rau xanh, măng khô mộc nhĩ nấm hương khô, trái cây, đồ vàng mã… 
Theo tục lệ, chợ sẽ nghỉ họp trong suốt hai ngày Tết, vì vậy người dân mua sắm nhiều hơn ngày thường để tích trữ và nấu những món ăn chính có thể để được qua ba ngày. Song song với chợ  Tết, chợ Hoa cũng được họp riêng. Chợ Hoa bắt đầu từ rất sớm, có thể bắt đầu vào mồng Một tháng Chạp và kết thúc vào trước đêm Giao thừa. 
Cây nêu dựng tại chùa Long Sơn, Nha Trang.
Sau những ngày Tết, nhân dân khắp đất nước tưng bừng lễ hội, nhân dân náo nức vui Xuân trảy hội, từ xưa đến nay thì hết tháng Giêng hay qua tháng Hai, mới vào được nhịp sinh hoạt bình thường.
Một điều quan trọng nữa, là người xông đất. Trước đây, sau cúng Giao thừa, gia chủ sẽ hồi hộp chờ ai sẽ đặt chân vào nhà trước tiên. Từ người (hay thậm chí là con vật) xông đất sẽ biết năm đó gia đình có bình an, nhiều tài lộc, may mắn hay không. 
Đến nay, các gia chủ chủ động chọn, nhờ người xông đất từ trước. Người xông đất mặc quần áo mới gọn gàng lịch sự, trên tay cầm cành lộc, đến xông đất gia chủ. Gia chủ cũng mặc quần áo đẹp đẽ tươm tất bày biện bánh kẹo hoa quả pha ấm chè nóng, nhiệt thành đón tiếp. Hai bên trao phong bao lì xì cho nhau và chúc những lời tốt đẹp. Trong 3 ngày Tết, chuyện cãi cọ, đổ vỡ, dằn hắt, giận hờn, nói những câu tiêu cực là điều hoàn toàn kiêng kị.
Phong tục của người Việt Nam là sau Giao thừa thường đi lễ chùa cầu an. Họ rất chú tâm về hướng xuất hành để đón tài, phúc, lộc. Đến đình, chùa, người dân thường xin quẻ đầu năm. Trước khi về nhà sẽ mua gói gạo muối, hái một cành lộc mang về để lên bàn thờ. 
Vào sáng mồng Một, người Việt thường không ra khỏi nhà, cùng nhau nấu bày cỗ cúng tân niên, ăn uống, chúc tụng nhau. Nếu vợ chồng trẻ đã tách khỏi đại gia đình, thì chiều mồng Một sẽ về phía bên nhà chồng, bên nội và họ hàng nhà chồng, bên nội để chúc Tết. Sang mồng Hai, sẽ là về nhà vợ và họ hàng bên ngoại chúc Tết. Với đàn ông chưa lập gia đình thì đến nhà bố mẹ vợ tương lai chúc Tết theo tục Đi Sêu. Còn sang mồng Ba,  học trò sang nhà thầy giáo chúc tụng. 
Ngày nay, việc chúc Tết họ hàng nội ngoại thầy cô anh em bạn bè đồng nghiệp hay đến nhà lãnh đạo được gói gọn trong hai ngày mồng Một và mồng Hai. 
Tục xưa đến mồng Bảy làm lễ hạ nêu hoá vàng hết Tết thì nay đến ngày mồng Ba hoặc Bốn người dân đã làm lễ hoá vàng. Ngoài ra, ảnh hưởng bởi văn minh phương Tây, nhiều gia đình trẻ không còn quan trọng thờ cúng lễ nghi nữa, họ thường đặt vé đi du lịch từ trước. Tết là thời gian cả gia đình nghỉ ngơi thư giãn khám phá một miền đất mới.
Tết ngày nay, dù có ít nhiều thay đổi tục lệ so với xa xưa, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt vẫn là thời khắc giao chuyển cái cũ để bước sang điều mới tốt lành, là những ngày đoàn tụ gia đình, là thời gian để quan tâm chăm sóc yêu thương đến mỗi thành viên, cũng là lúc bày tỏ sự biết ơn đối với các bậc bề trên… vì thế, Tết Năm Mới còn được gọi là Tết Đoàn viên.




 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons