Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Người cuối cùng của ban nhạc AVT đã ra đi

Ban nhạc AVT ra đời năm 1958 với 3 nghệ sĩ: Anh Hải, Vân Sơn và Tuấn Đăng (AVT lấy từ những mẫu tự đầu tiên trong tên của mỗi người, sau này Hoàng Hải thay Anh Linh, rồi Lữ Liên thay Hoàng Hải nhưng vẫn giữ cái tên AVT ban đầu).
Ban nhạc AVT (từ trái qua: Tuấn Đăng, Lữ Liên, Vân Sơn) - Ảnh: T.L

Ban nhạc AVT (từ trái qua: Tuấn Đăng, Lữ Liên, Vân Sơn) - Ảnh: T.L
Hình ảnh đặc biệt của AVT là lúc trình diễn họ đều mặc quốc phục với khăn đóng, áo dài và tự đàn lấy để hát. Những lời ca dí dỏm (do Lữ Liên và Phạm Duy Nhượng sáng tác), lối diễn hài hước rất có duyên của AVT đã mang lại cho công chúng những trận cười ý nhị…
Sau 1975, Vân Sơn bị tai nạn chết ở cầu Thị Nghè, nhạc sĩ Lữ Liên (cha ruột của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà và Lưu Bích) mất ngày 8.7.2012 tại Mỹ. Thành viên cuối cùng là Tuấn Đăng cũng vừa qua đời lúc 4 giờ sáng 6.4 tại tư gia (số 32/36/17 Ông Ích Khiêm, P.14, Q.11, TP.HCM) bởi căn bệnh ung thư vòm họng.
Nghệ sĩ Tuấn Đăng tên thật là Trần Minh Tuyên, sinh năm 1938. Được biết, trước khi qua đời, ông lâm vào hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, dù tuổi cao sức yếu vẫn phải đi kéo đàn violon ở nhiều tụ điểm để nuôi thân và vợ bị tâm thần. Họ sống trong căn nhà chật hẹp chỉ 12 m2.
Cách đây 5 tháng, ông bị ung thư vòm họng, không thể nâng cây đàn được nữa, “sống cầm hơi” nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè và những người hảo tâm.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Cuối tuần ngược thời gian nhìn lại “Việt Nam những năm 80”

Triển lãm ảnh “Việt Nam những năm 80” vào cuối tuần này sẽ làm sống dậy những khoảnh khắc đẹp gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người Việt Nam trong những năm 80 như tiếng "leng keng" của tàu điện vào ga, chợ hoa Hàng Lược hay cửa hàng tạp hóa xưa cũ. 


Cuối tuần ngược thời gian nhìn lại “Việt Nam những năm 80”
Hà Nội những năm 80 qua góc máy của nhà báo Michel Blanchard.
Triển lãm ảnh "Việt Nam những năm 80" của Michel Blanchard tại Hà Nội
Triển lãm ảnh của Michel Blanchard là cơ hội để những người tham gia hồi tưởng về một Việt Nam, đặc biệt là về những con phố Hà Nội 30 năm về trước với tiếng "leng keng" của tàu điện vào ga, chợ hoa Hàng Lược hay cửa hàng tạp hóa xưa cũ.
Là phóng viên của AFP từ năm 1976 đến năm 2006, đồng thời đảm nhiệm vị trí giám đốc văn phòng AFP tại Hà Nội từ 1981-1983 nên Michel Blanchard đã có cơ hội ghi lại những khoảnh khắc gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân Việt Nam trước đổi mới.
Triển lãm này đang diễn ra ở Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm từ ngày 8/4 đến 30/4, vào cửa miễn phí.
Hanoi, le tramway, jan 83

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Buổi phát thanh đầu tiên sau ngày giải phóng Đà Nẵng

Bà Nguyễn Thị Anh Trang ở P. Hòa Cường Bắc (Hải Châu-Đà Nẵng) nguyên là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, vinh dự là người được phát chương trình đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng sau khi thành phố mới giải phóng. Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi đã được nghe bà Trang kể lại câu chuyện rất nhiều ý nghĩa về buổi phát thanh đầu tiên ấy.
...Tôi vừa viết xong bài “Tiên Phước giải phóng” thì được triệu tập về Ban Tuyên huấn Khu 5 để nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, tôi cùng nhiều đồng nghiệp được lệnh hành quân gấp về Đà Nẵng nhằm tiếp quản các cơ sở thông tin của địch. 14 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, tôi có mặt tại một ngôi nhà bên bờ sông Hàn và được giao nhiệm vụ cùng với anh Kim Tuấn, anh Đoàn Bá Từ sang tiếp quản đài địch ở khu vực An Hải (Sơn Trà). Anh Kim Tuấn phụ trách chung, anh Đoàn Bá Từ đảm nhiệm phần tin tức, còn tôi làm phát thanh viên. Đồng chí Trương Công Huấn-Phó Ban tuyên huấn Khu 5 bảo chúng tôi phải chuẩn bị thật khẩn trương, phát sóng càng sớm càng tốt để đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế biết được thành phố Đà Nẵng-căn cứ quân sự lớn nhất của địch ở miền Trung đã được giải phóng. Tôi vừa mừng vừa lo và nghĩ rằng đây là diễm phúc có một không hai của đời mình, lòng thầm hứa sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt. Nhưng tôi cũng rất tự tin vì trước khi vào Nam, tôi đã được học nghiệp vụ phát thanh, cách lập chương trình phát thanh và đã trực tiếp giới thiệu chương trình dân ca, nhạc cổ Khu 5 trên Đài Phát thanh Giải phóng.
Bà Nguyễn Thị Anh Trang khi thành phố mới giải phóng.
Sáng ngày 30-3, chúng tôi đi ô-tô đến đài An Hải. Thật bất ngờ là nơi đây có 28 nhân viên của đài địch trước đó hân hoan chào đón chúng tôi và tỏ rõ thái độ thành thật phục vụ cho chính quyền mới. Anh Kim Tuấn quyết định sử dụng lại các nhân viên này, ai làm vị trí nào trước đây thì vẫn tiếp tục được làm việc như cũ, trừ những người biên tập. Tôi nhanh chóng làm quen với các nhân viên nữ. Họ là phát thanh viên, đánh máy, phục vụ, tuổi đời đều còn rất trẻ. Trong chốc lát, chúng tôi đã cảm thấy thân nhau như những người quen biết từ lâu. Chị em nói với tôi là đài mới xây dựng được 3 năm, máy móc đều rất tốt. Tôi xem kỹ thì quả đúng như vậy. Các  thiết bị đều còn mới, phòng bá âm khang trang, hệ thống làm lạnh rất hiện đại. Chúng tôi khẩn trương vào việc cùng với sự hăng hái, tình nguyện phục vụ của anh chị em trong đài cũ.
Để chuẩn bị cho buổi phát thanh đầu tiên, giọng nữ thì có tôi, còn giọng nam thì chúng tôi quyết định chọn anh Minh Luận của đài cũ, bởi anh có giọng đọc tốt. Tôi và anh Luận tập đọc nhiều lần để hai giọng thật ăn ý và không ai có thể phát hiện ra được giọng anh ở đài cũ. Anh Luận khá thông minh, nhạy bén, “nhập vai” rất tốt, giọng đọc nghe tưng bừng khí thế của người chiến thắng. Tôi chọn một đoạn trong bài hát “Giải phóng miền Nam” làm nhạc hiệu, viết lời xướng, lập chương trình phát thanh, trình anh Kim Tuấn duyệt. Chương trình có thời lượng 30 phút, gồm các nội dung: Nhạc hiệu, lời xướng, thông báo của Ban Quân quản thành phố, bài phóng sự “Thành Đà dậy sóng, chiến thắng lẫy lừng” của anh Kim Tuấn... và cuối cùng là phần tin tức.
8 giờ ngày 31-3, tôi và anh Luận vào phòng bá âm. Anh Kim Tuấn vào vị trí kiểm thính. Đèn tín hiệu thu bật sáng. Nhạc hiệu nổi lên. Khi đoạn nhạc vừa kết thúc, tôi đĩnh đạc đọc to: “Đây là Đài Phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng”. Anh Luận điệp lại lời xướng. Tôi dõng dạc đọc tin đầu tiên: “Mệnh lệnh số 1 của Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng ra mệnh lệnh xoá bỏ các cấp chính quyền ngụy, giải tán các đảng phái phản động, thành lập ủy ban cách mạng các phường. Ra lệnh giới nghiêm trong thành phố từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Ra lệnh các sỹ quan, binh lính và nhân viên ngụy quyền các cấp nộp ngay vũ khí và trình diện tại ủy ban cách mạng của phường”. Anh Luận đọc bài phóng sự. Tôi đọc danh sách Ban Quân quản thành phố. Cứ thế, tôi và anh thay nhau đọc tiếp các tin chiến thắng ở chiến trường Khu 5. Chương trình thu đúng 30 phút. Anh Kim Tuấn mở băng nghe lại. Toàn thể anh chị em trong đài tự động tập trung trước phòng bá âm, lắng nghe chương trình trong niềm hân hoan khôn xiết. Khi tôi đọc xong câu cuối cùng: “Chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đến đây là hết, thân ái chào đồng bào, đồng chí và các bạn”, mọi người ôm nhau mừng vui khôn xiết. Anh Kim Tuấn bắt tay tôi thật chặt. Tôi xúc động và vui sướng đến bật khóc.
Đúng 11 giờ ngày 31-3-1975, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đã phát sóng với công suất 50kW và được phát lại lúc 18 giờ cùng ngày. Âm thanh rất trong và rõ. Tôi thở phào mãn nguyện và cảm thấy vinh dự vô cùng khi nghĩ đến đồng bào, đồng chí khắp nơi nô nức đón nghe chương trình phát thanh đầu tiên từ thành phố Đà Nẵng vừa sạch bóng quân thù. Nghĩ đến sự phấn khởi của cha mẹ, chồng con ở Hà Nội khi nghe tiếng của tôi trên làn sóng phát thanh, lòng tôi càng ngập tràn niềm vui sướng, tự hào.
... 41 năm đã trôi qua, nữ phóng viên Anh Trang trẻ trung, năng nổ ngày nào, bây giờ tóc đã bạc nhưng hễ có ai nhắc đến buổi phát thanh đầu tiên trên quê hương giải phóng là bà Trang hào hứng kể lại chẳng sót một chi tiết nào. Bà cười phúc hậu, nói với chúng tôi rằng, đối với bà, đó là một kỷ niệm rất đẹp, không thể nào quên được.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Những bí mật cuộc đời Madam Nhu Trần Lệ Xuân (P1): "Đứa con gái bị hắt hủi trong dòng họ"

Trước khi trở thành vợ của cố vấn chính quyền miền nam Việt Nam Ngô Đình Nhu, Madam Nhu có tên khai sinh là Trần Lệ Xuân. Bà sinh tại Hà Nội, là con gái thứ hai của luật sư Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân (cháu ngoại của Hoàng đế Đồng Khánh). Được biết, mẹ của bà Trần Lệ Xuân đã sinh ra cô con gái đầu lòng Trần Lệ Chi năm 14 tuổi đồng thời rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi Trần Lệ Xuân ra đời do áp lực sinh con trai nối dõi tông đường.
Trần lệ xuân
Hai vợ chồng ông Chương và bà Nam Trân, thân phụ và thân mẫu của bà Trần Lệ Xuân.

Đứa con gái bị dòng họ hắt hủi
Trong tác phẩm của mình, tác giả Monique Brinson Demery đã cắt nghĩa rõ sự chi phối của truyền thống Khổng giáo Á Đông tới khát khao có con trai nối dõi của công chúa Nam Trân rằng để con trai có thể chăm sóc cha mẹ khi già yếu và thờ cúng tổ tiên. Theo đó, cô con dâu sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc sinh ra được người thừa tự đó và chỉ được giải thoát khỏi vai trò người hầu kẻ hạ trong gia đình và sống là chính mình khi đạt được mục đích.
Nhưng thật không may, đến khi chào đời thì bà Nam Trân lại chỉ đưa đến cho gia đình ông Chương thêm một cô con gái cho nên từ nhỏ bé Lệ Xuân và mẹ không được hưởng một phút giây nào của niềm hạnh phúc. Hai mẹ con gần như bị giam cầm trong căn phòng tối tăm không một sự giúp đỡ. Tất cả những người mà họ được gặp chỉ là thầy bói và thầy lang nếu có vấn đề gì xảy ra.
Trần lệ xuân
Bà Trần Lệ Xuân chụp ảnh cùng mẹ.
Sau đó ít lâu, ông Chương được đề bạt một công việc mới tại Cà Mau. Ông mang cả gia đình đi theo và bỏ lại chỉ một mình Lệ Xuân. Hành động này của ông được miêu tả như là tờ “biên lai ở phòng giữ đồ” để đảm bảo rằng ông sẽ quay trở lại với cha mẹ, hay nói cách khác đây là cử chỉ tượng trưng để làm cha mẹ ông hạnh phúc.
Vốn đã mang trong mình sự thiệt thòi khi sinh ra không đúng với ý nguyện gia đình, bà Lệ Xuân bị bỏ lại và trả qua tuổi thơ theo chân những người làm vườn và thỉnh thoảng còn phải chăm sóc đàn gia súc. Cha mẹ bà hoàn toàn không ngó ngàng gì tới Lệ Xuân cho đến trận ốm thập tử nhất sinh. Họ trở về.
Khi Lệ Xuân khỏe lại, cả gia đình ông Chương lại khăn gói đến an cư lạc nghiệp ở tận Bạc Liêu. Lúc này, mẹ của Lệ Xuân mới tròn 20 tuổi nhưng đã làm chủ cả một cơ ngơi rộng lớn và đóng vai trò là người quán xuyến tất cả mọi chuyện trong gia đình. Bà Chương tự quản lý nhà cửa mà không phải để ý đến con mắt dò xét của đằng nhà chồng.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ lúc này không còn những thú vui tiêu khiển hiện đại như thời còn ở Hà Nội mà thay vào đó là lối sống truyền thống đậm khuynh hướng Khổng giáo.
Trần lệ Xuân
Lệ Xuân đã từng bị cả gia đình bỏ lại quê hương và chỉ trở về khi bà ốm liệt giường, cận kể sinh tử.
Như đã đề cập ở phần trên, bà Trần Lệ Xuân được sinh ra không như sự mong đợi của gia đình nên là người có vị thế thấp nhất trong số các anh chị em. Bà đã kể về tuổi thơ của mình với sự bực bội và tức tối. Bà luôn bị bỏ qua nên chỉ khao khát điều duy nhất là được chú ý bằng cách khóc to hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Cùng là phận con gái nhưng các sách vở đều ghi lại rằng chị của bà là Trần Lệ Chi luôn được ưu ái hơn bà Lệ Xuân trong mọi việc của gia đình.
Bà Lệ Xuân thậm chí đã bị em trai sai bảo kể từ khi còn bé. Cậu ta luôn dùng những động lệnh để nói chuyện với chị như một kẻ bề trên như “Ngồi xuống” hay “Đứng dậy”. Bà cảm nhận thấy như thể việc trêu trọc đó như trò tiêu khiển mà cậu em thường xuyên dành cho mình. Đương nhiên, trong đó không hề có một chút tôn trọng nào cả. Điều đó khiến bà tức điên và thường xuyên nghĩ rằng mình không đáng bị như thế và quyền hành trong tay bà phải nhiều hơn mức độ như vậy.
Ba chị em bà Trần Lệ Xuân được dạy dỗ bởi một vị gia sư già và lúc lên 5 tuổi thì khăn gói vào học trường nội trú cùng với chị gái. Ngay từ khi còn nhỏ như vậy, Lệ Xuân đã sớm bộc lộ trí thông minh và tài ứng biến hiếm có của mình khi liên tục xếp ở vị trí cao trong lớp học. Điều ấy không khó để các thành viên khác trong gia đình nhận ra, đặc biệt là cậu em trai thường xuyên bắt nạt bà.
Trần lệ Chi
Chị gái của bà Trần Lệ Xuân, bà Trần Lệ Chi được ưu ái, chiều chuộng hơn em ruột của mình rất nhiều.
Trong cuốn sách cũng kể lại rằng cậu trai duy nhất trong gia đình mặc dù rất thích có bà chơi làm bạn nhưng lại không thể chịu nổi sự ghen tỵ và ganh đua mỗi khi Trần Lệ Xuân thể hiện sự chênh lệch về đẳng cấp “đầu óc” với cậu. Vẫn là những thói quen từ ngày nhỏ, chàng trai liên tục tìm cách gây sự và đỉnh cao nhất là một lần cậu giật phắt phắt cây bút lông từ tay Trần Lệ Xuân và ném thẳng vào đầu bà. Mực chảy đầy trên mặt, Lệ Xuân tới gặp mẹ để cho bà thấy con trai bà không ngoan ngoãn chút nào nhưng đáp lại lại chỉ là hình phạt cho cô con gái nhỏ vì dám làm xấu mặt người thừa tự trong gia đình.
Đó đương nhiên chỉ là một trong rất nhiều các ví dụ về sự thiệt thòi mà bà Trần Lệ Xuân phải chịu đựng trong suốt thời thơ ấu của mình.
Trần lệ xuân
Chân dung bà Trần Lệ Xuân trên báo Life.
Lời tiên đoán về cuộc đời danh vọng
Trong cuốn sách về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân, một trong những tình tiết độc giả khó có thể bỏ qua được đó là sự xuất hiện của nhân vật thầy bói trong gia đình quyền lực ấy. Theo truyền thống, khi một đứa trẻ ra đời, sẽ có một thầy bói đến xem tướng và xem giời sinh rồi phán về cuộc đời sau này của bé.
Khi nhìn thấy Lệ Xuân, thầy bói đã phải thốt lên rằng: “Thật là ngoài sức tưởng tượng! Ngôi sao chiếu mệnh của nó không thể nào tốt hơn”. Thêm vào đó, người này cũng đề cập đến mối quan hệ không mấy êm đẹp của Lệ Xuân với mẹ về sau này do sự ghen tỵ mà đấng sinh thành dành cho bà. Và lịch sử đã chứng minh cuộc đời đầy căng thẳng và ngờ vực mà Lệ Xuân đã phải trải qua với chính thân mẫu của mình.
Còn tiếp...


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Kỳ bí cổ vật Chăm

Sau bao thăng trầm, biến cố lịch sử, đến nay ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hậu duệ các vua Chăm vẫn lưu giữ nhiều cổ vật vô cùng quý hiếm của ông cha.
Đầu xuân 2016, trên đường về Phan Rang (Ninh Thuận), ông Đạo Văn Tùng - một người Chăm chính gốc nói với chúng tôi: “Tôi là hậu duệ gần đây nhất của một vị vua Chăm. Người Chăm chúng tôi ai cũng một lòng tôn kính các vị vua của mình, đến nay vẫn vậy thôi. Nó như một tín ngưỡng vậy”.
Không để khách hỏi han, ông Tùng giãi bày: “Ai trong chúng tôi cũng giữ lời thề giữ gìn một số báu vật còn lại của các vị vua, có đánh đổi bao nhiêu tiền cũng không được, dù là một chiếc bình vôi. Hậu duệ trực tiếp của vua Chăm nay còn rất ít, Ninh Thuận chừng năm người, Bình Thuận thì nhiều hơn chút ít”.
Ông Tùng bảo, thời xưa, người Chăm dòng dõi hoàng tộc tuyệt đối không truyền các bí mật ra ngoài, ngay cả chất liệu làm áo bào của vua, áo choàng của hoàng hậu. Tuy nhiên, khi các vị vua lần lượt qua đời, để tưởng nhớ họ, qua các kỳ lễ hội Katê (lễ hội độc đáo nhất của người Chăm vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, khoảng từ ngày 25/9 đến ngày 2/10 dương lịch), lớp hậu duệ bắt buộc phải mang báu vật ra làm lễ tưởng nhớ vua và cho mọi người chiêm ngưỡng. Ngay cả những người anh em là dân tộc Rắk Lây được sở hữu một số báu vật của vua Chăm (chủ yếu là long bào, xiêm y) cũng mang đến dự lễ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Đức Long dẫn chúng tôi đến xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận tìm gặp một hậu duệ hiếm hoi của triều vua Pô Klong Mơ H’Nai, đó là ông Lư Thái Thuổi. Ông Long đã nghiên cứu rất nhiều năm về nền văn hóa Chămpa, nhưng theo ông, vẫn chưa thấu tỏ bao nhiêu báu vật vua Chăm cũng như quan niệm giữ gìn chúng của những hậu duệ còn lại, vì họ luôn kín kẽ.
Đến nhà ông Thuổi khi trời nhá nhem tối. Đêm đó, ông Thuổi nói về những “sấm truyền” của dòng tộc, rằng, không thể để mất những chiếc mão vàng, nó là thứ thể hiện uy quyền, sự vững chãi của các triều đại Chăm. Dẫu có rơi đầu cũng không được để rách, để mất long bào, bởi đó là sức mạnh và sự thiêng liêng truyền dẫn từ đời này sang đời khác. Các thế hệ dòng dõi nhà vua nhất thiết phải thuộc làu các quy tắc trong tam cung, ngũ viện.
Bởi vậy, đến nay dẫu được ngã giá hàng trăm triệu đồng, ông Thuổi vẫn không bán bất cứ một kỷ vật nào của tổ tiên mình, kể cả chuyện lý giải cặn kẽ về bí mật từ những kỷ vật đó cho người khác nghe.
Ông Lư Thái Thuổi chỉ cho khách được diện kiến gần chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và chiếc mũ vàng của vua. Khi được hỏi dò các báu vật khác, ông Thuổi nói: “Không còn nhiều báu vật lắm. Là hậu duệ của vua, chúng tôi được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu này, chỉ khi có chính quyền địa phương dẫn khách đến mới cho xem hết”.
2 trong số những báu vật của vua Chăm ở Bình Thuận
Theo chân ông Đạo Văn Tùng, chúng tôi đến xã Phước Thái, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ông Tùng cho biết, ở đây có một kho báu của vua Pô Glong Garai, nhưng còn lại rất ít vì bị kẻ gian đánh cắp nhiều lần, nên hiện nay chỉ hậu duệ vua như ông mới biết cất giấu ở đâu. Vì thế mà phải chờ đến khuya đêm đó, ông Tùng mới nhờ một người cháu chở tôi ngoằn ngèo đi qua một quảng đường tối đến diện kiến các báu vật được giấu vô cùng kín đáo.
Đúng như ông Tùng nói, báu vật chỉ còn lại một chiếc ngai vua, mũ vua, áo choàng và vài vật dụng khác. Người dẫn đường bộc bạch: “Trong các lễ hội Katê, những báu vật này được đưa ra cũng bí mật lúc nửa đêm. Khi công chúng được diện kiến thì đã có nhiều người bảo vệ”.
Một nơi nữa còn cất giấu báu vật của vua Chăm là xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, có tên Chăm là Palei Thvon, đó là y phục của vua và hoàng hậu, vương miện bằng vàng, mâm thờ bằng bạc. Giới buôn đồ cổ đã đến đây nhiều lần, trả giá mỗi món hàng tỷ đồng.
Không biết có tín ngưỡng quá mức không nhưng hầu hết người Chăm đều cho rằng những hiện vật của các vị vua tạo nên sức mạnh cho họ khi gặp sóng gió trong cuộc đời. Kiều Pân Ta - giáo viên Trường Tiểu học Nhơn Sơn (huyện Bắc Bình) tâm sự: "Cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có một niềm tin rất lớn vào vua Pô Klông Garai và Pô Rôme. Lễ hội Katê chính là để suy tôn và tưởng nhớ đến hai vị vua này. Hai vị vua này đã trở thành thần linh đối với mỗi người Chăm". Theo Kiều Pân Ta, tương truyền, 2 vị vua Pô Klông Garai và Pô Rôme đã không quản gian khó, nguy hiểm, chiến đấu đến cùng với giặc giã và thú dữ để bảo vệ thần dân.

Trên đường đi tìm những người sở hữu báu vật các vương triều Chăm, Trần Hoàng - một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở TP.HCM mách nước cho chúng tôi, còn một vùng đất chứa nhiều cổ vật mà có thể cũng là kho báu của vua Chăm, đó là Phú Long, Phú Hài, phía tây TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Trần Hoàng khẳng định: “Chắc chắn ở Phú Long còn rất nhiều cổ vật, vì vùng đất này trước đây đều là của người Chăm”.
Nhiều người dân ở đây cho biết, cách đây mấy năm, bà Nguyễn Thị Bảy đào được 11 món đồ cổ, gồm 4 bức tượng hình người và 7 lá trầu bằng vàng lấp lánh kỳ lạ.
Ông Đại ở Phú Long, một người quản trang nói: “Tôi làm quản trang ở đây nhiều năm rồi. Lễ an táng của gười Chăm đơn giản nhưng kỳ bí, như gọi linh hồn về bảo vệ các đồ vật quý giá trong nhà, gọi hồn bảo vệ vùng đất của tổ tiên”. Rồi ông bảo chúng tôi nên đến nhà ông Trần Văn Cang - một người vùng này từng đào được nhiều cổ vật.
Kể về việc đào được cổ vật trong lòng đất, ông Cang bộc bạch: “Vàng thì chưa thấy nhưng đồ cổ thì nhiều. Mới đây, trong lúc làm rẫy tôi cuốc phải một cái bình tròn tròn. Đào sâu xuống thì phát hiện lỏn chỏn bình vôi. Một chiếc bình vẫn còn vôi trắng bên trong. Cán bộ bảo tàng và công an biết chuyện kéo đến, xem xong, một cán bộ bảo tàng khẳng định ngay là những bình vôi cổ, rất quý”.
Theo miêu tả của ông Cang, những bình vôi này được thiết kế kiểu có hoa văn nổi quanh miệng, phía dưới loe, rất giống hình dáng hũ đồng thời xưa. Khi dùng que sắt gõ vào thì tiếng kêu ngân lên giống như tiếng chuông đồng, rất lạ.
Cũng theo ông Cang, nhiều người dân ở đây thỉnh thoảng đi làm rẫy cuốc được đồ cổ là chuyện thường, bởi từng có dòng tộc Chăm xa xưa sống trên đất Phú Long, Phú Hài...


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Những con phố Hà Nội cách đây gần 40 năm, bạn có nhận ra không?

Những con phố Hà Nội cách đây gần 40 năm, bạn có nhận ra không?

Những hình ảnh về một Hà Nội cách đây gần 40 năm khiến nhiều người cảm thấy chút nao lòng, nhớ về ngày ấy, nhớ về những kỷ niệm xưa.

Hà Nội của những năm 79 - 80, với những con phố chỉ toàn tiếng chuông xe đạp, tiếng leng keng của tàu điện xen lẫn tiếng rao của những cô bán hàng rong, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng các bác các ông ngồi uống nước trò chuyện vang cả 1 con phố.
Hình ảnh của một Hà Nội bình dị, đẹp đến nao lòng ấy hẳn đã khắc sâu trong tâm trí những người thuộc thế hệ 6x, 7x, còn đối với các bạn trẻ bây giờ thì chắc có chút lạ lẫm.
Những tuyến phố trung tâm ngày ấy cũng chẳng đông đúc xe cộ như bây giờ. Những dòng người đạp xe cứ chầm chầm, lướt qua nhau, thậm chí họ còn đủ thời gian để vui vẻ cười đùa cùng nhau.
Còn bây giờ là những dòng người chuyển động hối hả, vội vã, không ngừng nghỉ trên các tuyến phố. Tắc đường giờ là "món đặc sản" không thể thiếu ở Hà Nội, còn cách đây 40 năm thì hẳn là hiếm gặp lắm.
Những con phố của Hà Nội ngày xưa, bạn nhận ra hết chứ?

Giờ trên phố tìm được khung cảnh sửa xe đạp như thế này không phải dễ, bởi người ta đi xe máy, ô tô nhiều lắm rồi.
Giờ trên phố tìm được khung cảnh sửa xe đạp như thế này không phải dễ, bởi người ta đi xe máy, ô tô nhiều lắm rồi.

Đoạn phố Hàng bài, Hàng Khay của năm 79.
Đoạn phố Hàng bài, Hàng Khay của năm 79.

Những đứa trẻ hàng xóm nô đùa cùng nhau.
Những đứa trẻ hàng xóm nô đùa cùng nhau.

Nhiều bạn trẻ chắc không nhận ra đâu! Đây chính là đường Ngô Quyền của gần 40 trước. Ngày ấy xe cộ vẫn còn thưa thớt lắm.
Nhiều bạn trẻ chắc không nhận ra đâu! Đây chính là đường Ngô Quyền của gần 40 trước. Ngày ấy xe cộ vẫn còn thưa thớt lắm.

Hình ảnh tàu điện trên đoạn đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Thái Học.
Hình ảnh tàu điện trên đoạn đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Thái Học.

Phố Tràng Tiền chứa đựng thật nhiều cảm xúc.
Phố Tràng Tiền chứa đựng thật nhiều cảm xúc.

Ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền.
Ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền.

Đây đúng là phố Hàng Ngang - Hàng Đào rồi.
Đây đúng là phố Hàng Ngang - Hàng Đào rồi.

Hình ảnh tàu điện ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hình ảnh tàu điện ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Có ai nhận ra không? Đây chính là khu vực gần bến xe Kim Mã.
Có ai nhận ra không? Đây chính là khu vực gần bến xe Kim Mã.

Những người bán hàng rong trên đường Nguyễn Khắc Cần.
Những người bán hàng rong trên đường Nguyễn Khắc Cần.

Ngã tư Hàng Giấy - Hàng Đậu.
Ngã tư Hàng Giấy - Hàng Đậu.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Lối xưa xe lửa... Mỹ


  Xe lửa Mỹ không phải do người Mỹ làm mà là xe lửa từ chợ Bến Thành (Sài Gòn) đi Mỹ Tho.
Lối xưa xe lửa... Mỹ
Đường xe lửa đi vào thơ ca
Lúc còn nhỏ tôi thường nghe má hát ru mấy đứa em bằng những câu ca dao: “Xe lửa chạy tới Tân An/Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào...”. Rồi lớn lên một chút, nghe lời một bài hát của Trúc Phương qua giọng ca sầu não của Thanh Thúy: “Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa người trai về ngàn” và chế thêm: “Cầm chắc 500 tôi hỏi người bao nhiêu đủ không?”…
Thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam kỳ là ông Le Myre de Vilers. Khi đến nhậm chức vào năm 1879, với ý đồ khai thác tài nguyên của thuộc địa một cách nhanh chóng và tiện lợi cũng như phát triển mạnh kinh tế cho Pháp, viên thống đốc này đã tích cực khởi động các chương trình xây dựng cơ sở hành chánh và hạ tầng ở Sài Gòn, trong đó có việc xây dựng các tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Mỹ Tho.
Đường “xe lửa Mỹ” được giao cho Công ty Société Générale des tramways à vapeur de Cochinchine (SGTVC) đảm nhiệm từ ngày 20.12.1880. Công ty có trụ sở ở Quai de l’Arroyo-Chinois (Bến Chương Dương, TP.HCM). Hãng xưởng, nơi chứa đầu máy và toa tàu của công ty, nằm kế ga Sài Gòn. Đường “xe lửa Mỹ” được khởi công từ năm 1881, khánh thành ngày 20.7.1885. Trạm xe lửa Sài Gòn, tức ga Sài Gòn đầu tiên (1885 - 1915) có vị trí ở đầu đường Rue de Canton (Hàm Nghi) gần sông Sài Gòn, đến năm 1915 thì dời đến ngay trung tâm, đầu công viên 23 Tháng 9 gần chợ Bến Thành ngày nay.
Lối xưa xe lửa... Mỹ - ảnh 1
Khánh thành đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 27.12.1881 - Ảnh: T.L
Đường “xe lửa Mỹ” đi qua các trạm như sau: Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Lâm, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho dài 70,9 km. Từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho có ba chuyến và ngược lại, mỗi chuyến mất hai tiếng. Chuyến đầu tiên 6 giờ 30 sáng khởi hành, đến Mỹ Tho lúc 8 giờ 30 sáng. Thật là tiện lợi vì lúc ấy từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây chỉ sử dụng đường thủy nên đường xe lửa này đã rút ngắn thời gian vận chuyển rất nhiều, không chỉ thuận lợi cho giao thông buôn bán mà còn cả phương diện tình cảm, yêu thương nữa: “Làm thơ Quốc ngữ, để chữ Lang Sa/10 giờ xe lửa lại gửi qua thăm mình”. Nhờ xe lửa mà: “Cầu Bình Điền xe lửa chạy nghiêng nghiêng/Em gặp anh trên thủy dưới thuyền”, sướng chưa! Lúc đó, không chỉ có hạng bình dân đi xe lửa mà văn nhân, nhà báo, các đại gia lúc đó như Hắc, Bạch Công tử thỉnh thoảng cũng đi cho biết với giá hạng nhứt là 4 đồng (piastre) và hạng hai là 3 đồng (một piastre tương đương với 2 francs 75). Sau này có nhà thơ (khuyết danh) nhớ về kỷ niệm đường “xe lửa Mỹ” với bài thơ:
Anh học trò Bến Tranh về đô thị/Lo sách đèn xây đấp mộng mai sau/Chuyến xe lửa, chuyển mình xa xứ Mỹ /Qua Trung Lương - cô gái mận Hồng Ðào/Toa chật hẹp làm ấm tình xứ sở/Bên cửa vuông mỗi đứa một khung trời/Rồi dạo đó hai người luôn gặp gỡ/Trai miệt vườn thương gái mận hồng tươi/Anh học trò đi về xe lửa Mỹ/Mộng đăng khoa liền với mộng trầu cau.
Đến năm 1958, đường xe lửa này ngưng hoạt động và ga Mỹ Tho chỉ còn “tàn tích” ở khu vực gần vườn hoa Lạc Hồng mặc dầu đã có thề thốt: “Mai sau xe lửa tan tành/Xe lam bể bánh anh mới đành bỏ em” (thơ Nguyễn Tấn Bi).
Đường xe lửa nối Sài Gòn - Chợ Lớn
Không như nhiều người lầm tưởng, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho không phải là đường xe lửa đầu tiên ở VN. Theo bài viết của các ông Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đức Hiệp thì đường xe lửa đầu tiên tại Đông Dương được khánh thành từ ngày 27.12.1881 nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn, từ cột cờ Thủ Ngữ đến đường Gaudot (Hải Thượng Lãn Ông) dài 5 km. Còn đường xe lửa giữa đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn mỗi 20 phút có một chuyến. Chuyến đầu tiên là 5 giờ 40 sáng và chuyến chót là 9 giờ 20 đêm. Các trạm là Sài Gòn, MacMahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Chợ Đũi và Chợ Lớn. Đường chạy chưa đến 6 km nhưng phải đi hơn 30 phút mới đến nơi. Hồi đó má tôi thường nói đi từ Sài Gòn vô Chợ Lớn bằng đường xe lửa giữa tốn năm cắc bạc có lẽ là đường xe lửa này đây, vì lúc đó còn một đường xe lửa mé sông chạy từ chợ Bến Thành lên tận Lái Thiêu chủ yếu là chở hàng hóa và trái cây. Phía trước và bên hông các toa xe điện xưa đều cho quảng cáo từ tiếng Việt, tiếng Hoa đến tiếng Pháp như: “thuốc xổ Nhành Mai”, hãng “hòm Tobia danh tiếng nhứt” và cả hương rượu “Camus”... Theo cụ Vương Hồng Sển thì vé hạng nhứt là một hào bạc, hành khách được ngồi băng dài có trải nệm bố trắng.
Có đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn này nên mới có câu thề nguyền quyết liệt liên quan đến chuyện tình yêu và tự tử của một cô gái: Gá duyên không đặng hội nầy/Em lên Chợ Lớn nằm đường rầy cho xe lửa cán chơi. Đâu phải chuyện tự tử bằng cách đâm đầu vô xe lửa bây giờ mới có.
Rồi đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer với kế hoạch xe lửa xuyên Việt đã được chính phủ Pháp chấp thuận xây dựng và lưu thông từng đoạn. Năm 1903 có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - Việt Trì, năm 1906 xong tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trong những năm này tuyến xe lửa xuyên Việt từ bắc vào nam cũng được thực hiện từng đoạn và năm 1933 xong tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh dài 112 km. Lúc đó, hành khách đi từ nơi này đến nơi khác nhanh như... xe lửa: Sáu giờ còn ở kinh đô/Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn; Bước lên xe lửa Biên Hòa/Tánh Linh anh tới đó chắc là xa em.
Như vậy, đường xe lửa xuyên Việt bắt đầu từ một chuyến xe lửa chạy bằng hơi nước vì không có điện và cái ga đầu tiên nằm ở khu vực chợ Cũ. Sau đó có lẽ thấy bất tiện, chính quyền dời ra gần chợ Bến Thành (khu công viên 23 Tháng 9 đường Phạm Ngũ Lão ngày nay). Lúc ấy chuyện ga xe lửa nằm ở đâu trong trung tâm Sài Gòn là chuyện nhỏ vì dân số chưa đến 500.000 người. Và bây giờ nếu ai muốn giữ lại truyền thống ga xe lửa thì nên quan tâm đến tòa nhà Bureau du Chemin de fer của Công ty Xe Lửa Đông Dương mạng phía nam (Chemin de fer de l’Indochine, CFI, réseau du sud) - một tòa nhà mà không người Sài Gòn nào khi đi qua bùng binh chợ Saigon lại không biết đến. Còn ai muốn giữ lại ga Hòa Hưng khi chỉ mới là ga trung tâm từ năm 1983, thì hãy nghe nhận xét của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: “Không đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, dấu ấn gì mà lại nằm trong khu vực chật hẹp, không nối được với đường xe buýt như ga Sài Gòn - xe lửa Mỹ ngày xưa”.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons