Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Nữ lưu nước Việt - Kỳ 4: Người vợ kiên trinh của tướng Nguyễn Chánh

Vào Đảng năm 1930, đến nay còn sống, cuộc đời cụ Phạm Thị Trinh là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ.

Cụ Phạm Thị Trinh - Ảnh: Tuyết HoaCụ Phạm Thị Trinh - Ảnh: Tuyết Hoa
Cùng chồng làm việc lớn
Cụ Phạm Thị Trinh sinh tại xã Tịnh Minh, H.Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ kể: “Hồi mới 14 tuổi, đêm đêm canh gác cho các anh và đồng chí hội họp mà trong lòng tôi cứ ấm ức rằng, sao các anh không cho mình đi làm cách mạng cùng nhỉ? Đến khi 16 tuổi, tôi trực tiếp đi rải truyền đơn, dán áp phích chống Pháp và Nam triều, treo cờ đỏ búa liềm trong thôn, xóm. Ngày 19.1.1930, tôi cầm cờ chỉ huy cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng của Đảng tại địa phương với hơn 2.000 người tham gia tại H.Sơn Tịnh và đã giành thắng lợi. Từ đó, tôi càng hăng hái tham gia cách mạng”.
Cha mẹ tham gia phong trào Văn Thân, các anh trai đều thuộc lớp cách mạng lão thành là các ông Phạm Ngọc Trân (Sáu Trân), Trưởng ty công an đầu tiên của Quảng Ngãi năm 1945; Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang. Năm 1932, cụ Trinh cùng một số đồng chí bị địch bắt và tra tấn, dụ dỗ, hăm dọa. Biến nhà tù thành trường học, cụ Trinh đã tự học chữ, học lý luận cách mạng, học gương đấu tranh của các bậc đàn anh.
Khi Đội du kích Ba Tơ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa (3.1945), Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Phạm Thị Trinh đã trao thanh gươm cho chính trị viên Đội du kích Ba Tơ - Nguyễn Chánh - cũng chính là chồng cụ.
Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi thành công ngày 30.8.1945, cụ Trinh là phụ nữ duy nhất có mặt trên Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh của tỉnh mừng cách mạng thành công và ra mắt UBND cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Năm đó, người phụ nữ quê hương núi Ấn sông Trà mới 31 tuổi.
Sống trong sạch và lương thiện
102 tuổi đời, cụ Phạm Thị Trinh vẫn minh mẫn. Người mới gặp không thể nghĩ rằng cụ đã sống qua hai thế kỷ. Cụ Phạm Thị Trinh là gương mẫu mực không chỉ với những hy sinh và cống hiến lớn lao cho đất nước suốt chặng đường cách mạng, cụ còn là nơi neo đậu những tình cảm sắt son.
Hằng ngày cụ Trinh vẫn theo dõi thời sự qua đài, báo. Khi có bạn bè tới thăm, cụ hỏi tình hình trong nước, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư Đảng... Với 85 tuổi Đảng, cụ vẫn lo bảo vệ sự trong sạch của Đảng như chính con ngươi ở đôi mắt mình.
Chồng cụ Phạm Thị Trinh vốn là người bạn tù cùng nhau họa thơ - tướng Nguyễn Chánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng (khóa II), Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cụ ông lâm bệnh và mất năm 1957 khi mới 43 tuổi. Cụ bà tảo tần thay chồng nuôi dạy 6 người con thành người có ít nhiều đóng góp cho xã hội. 5 người con của hai cụ là cán bộ QĐND VN: thượng tá Nguyễn Chí Trực, trung tá Nguyễn Ngọc Sương, đại tá Nguyễn Anh Tường, công nhân QP Nguyễn Chí Dũng, cựu chiến binh Quân chủng Hải quân Nguyễn Chí Hòa.
Trong đời sống thường ngày, cụ sống đúng mực với mình. Những tiêu chuẩn không dành cho gia đình, cụ trả lại cho nhà nước. Cụ đã nhiều lần trả lại biệt thự 34 Lý Nam Đế, nhà trong khu tập thể 38 Trần Phú, nhà ở khu tập thể T.Ư Hội LHPN VN (Hà Nội)... Từ ngày nghỉ hưu, cụ chuyển hẳn ra khu vực ngoại thành, tăng gia sản xuất để tự lo cuộc sống. Dư âm của những năm tháng tù đày khiến sức khỏe của cụ bị ảnh hưởng nhiều, nhưng cụ đã tự khắc phục bằng cách tập dưỡng sinh. Thêm vào đó, cụ còn tham gia câu lạc bộ thơ để rèn luyện tinh thần và cả viết sách về lịch sử phụ nữ... Cụ kiệm lời, còn các con cứ nhìn vào tấm gương của mẹ để tự soi mình mà học theo.
Đông con, cụ Trinh dạy các con phương châm sống trong sạch và lương thiện ngay cả khi xã hội đang có nhiều phen chao đảo về giá trị: “Các con khó đến đâu, mẹ hỗ trợ đến đó. Còn khả năng chỉ có thế, thì không nên cố tìm một vị trí cao hơn. Như thế vừa khổ mình vừa khó cho tổ chức, lại tạo nên sự bất công trong xã hội”.
Tôi có may mắn được đôi lần gặp gỡ với con và cháu của cụ nên được biết rằng, cuối tuần nào con cháu cũng quây quần về bên ngôi nhà nhỏ của cụ Trinh khiêm nhường trong ngõ phố Khương Trung (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Bữa cơm đầm ấm càng khiến cụ Phạm Thị Trinh thêm nghị lực sống vui, sống khỏe cùng con cháu chắt.
Xin dẫn lời chia sẻ của PGS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh (ĐHQG Hà Nội), người con gái đầu của cụ Trinh: “Bà luôn là chỗ dựa tinh thần cho mấy anh chị em chúng tôi. Bà thay mặt cả ông quan tâm đến cuộc sống riêng tư, hạnh phúc cá nhân và nhất là sự phấn đấu trong sự nghiệp của từng đứa”.

              

Nữ lưu nước Việt - Kỳ 3: Người phụ nữ vàng của Tuần lễ vàng

“Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”. Đây là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người đã đóng góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng (1945): 109 lạng vàng cho ngân sách quốc gia.

Bà Vương Thị Lai (ngồi) và con cháu  
- Ảnh: tư liệu gia đình 
do GS Mai Thế Trạch cung cấpBà Vương Thị Lai (ngồi) và con cháu - Ảnh: tư liệu gia đình do GS Mai Thế Trạch cung cấp
Nhìn vào tấm ảnh bà Vương Thị Lai do con của bà là GS Mai Thế Trạch gửi, tôi nhủ thầm: một người phụ nữ áo nâu, khăn vấn, ăn trầu, góa bụa sớm, đã bước chân vào thương trường như thế nào để lập ra hiệu buôn lớn nức tiếng ở 27 phố Hàng Ngang, Hà Nội?
Ký ức về người mẹ
Trong ký ức của GS Mai Thế Trạch, đầu phố Hàng Ngang (tên thời Pháp thuộc là Rue des Cantonais) nối với Hàng Đường, cuối phố nối với Hàng Đào. Lòng đường rộng khoảng 6 - 8 m, ở giữa có đường tàu điện, hai làn đường còn lại vì thế khá hẹp; khi có tàu điện đi ngang thì xe ô tô lưu thông rất khó khăn. Tuy vậy, hai bên phố vẫn có vỉa hè khá rộng cho người đi bộ. Ngày trước tuyệt đối không được “vô tư” lấn chiếm vỉa hè như ngày nay. Mọi hành vi xâm phạm vỉa hè đều bị “cẩm” (đội xếp) phạt rất nặng.
Phố Hàng Ngang buôn bán mấy mặt hàng chính là vải, lụa; trà Tàu; hiệu thuốc đông y. Các hiệu vải tơ lụa, bên số lẻ thì có Trịnh Phúc Lợi số 7, Phát Đạt số 13, hiệu Lợi Quyền số 27 - người chủ ban đầu là ông Mai Bá Lân - chồng bà Vương Thị Lai, khi ông mất thì bà tiếp quản cửa hàng.
“Mẹ tôi cũng như mọi người phụ nữ VN bình thường khác”, GS Mai Thế Trạch chia sẻ. Với con cái trong nhà, cụ răn dạy, điều cần nhất là phải biết thương người. Thấy người nghèo khó, mình có điều kiện thì san sẻ, giúp đỡ, chứ không được khinh rẻ, hắt hủi. Trong nhà có người giúp việc thì coi như con cháu, chứ cụ không coi đó là kẻ hầu người hạ. Vì thế, người giúp việc và chủ nhà cùng ăn chung mâm cơm mỗi khi đến bữa, chứ không có sự phân biệt ăn riêng mâm.
Khi còn buôn bán, kinh tế khá giả, cụ vẫn giữ nếp sống giản dị, không ăn uống cao sang. Về sau này, qua cuộc cải tạo công thương nghiệp, đời sống có lúc khó khăn, gia đình phải bán từng cái đĩa, bát cổ, cụ vẫn giữ nền nếp giản dị như xưa.
GS Mai Thế Trạch chia sẻ: “Mẹ tôi chịu ảnh hưởng từ bà ngoại, cụ theo đạo thờ Mẫu, chăm đi lễ chùa, Hà Nội đi chùa Trấn Võ, xa hơn thì lễ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)... Mẹ tôi bao giờ cũng dạy con cái lấy nếp sống lấy điều nhân đức làm đầu. Với mọi người, dù họ hàng hay người xa lạ, nếu có điều kiện giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn, đều phải gắng hết sức”.
Một phụ nữ ái quốc
Chồng mất khi mới 28 tuổi, một tay cáng đáng việc cửa hiệu, một tay lo chăm 5 người con, nhưng bà Vương Thị Lai vẫn tìm hướng phát triển công việc kinh doanh. Nhận thấy buôn bán tơ lụa đang khởi sắc, bà đã lao động không biết mệt mỏi, gây dựng thành công cửa hàng tơ lụa Lợi Quyền ở nhà số 27 Hàng Ngang, nói như ngôn ngữ ngày nay là tạo uy tín thương hiệu riêng.
Ngay sau Cách mạng Tháng 8.1945, nhiều gia đình người Hàng Ngang cũ đã ủng hộ tài sản cho Chính phủ. Đặc biệt, vào ngày 17.9.1945, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chính phủ phát động Tuần lễ vàng. Nhân dân thủ đô đem dây chuyền, nhẫn cưới, hoa tai, vòng, xuyến... ủng hộ Chính phủ. Tổng kết Tuần lễ vàng, bà Vương Thị Lai tức Lợi Quyền, nhà số 27 phố Hàng Ngang, đã góp 109 lạng.
Hơn một tháng sau, ngày 10.11.1945, Hội Phụ nữ tổ chức Ngày Phụ nữ ủng hộ Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và mang theo tấm huy chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh, giữa có chữ V.M (Việt Minh - PV). Khai mạc ngày lễ, Hồ Chủ tịch đã tự tay gắn huy chương cho bà Vương Thị Lai. Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Chính phủ tặng cho một phụ nữ ái quốc, công dân của nước VN Dân chủ Cộng hòa. Đó cũng là tấm huy chương độc nhất vô nhị, vì đây là món quà của một Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi về biếu Hồ Chủ tịch. “Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh cho phụ nữ VN”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Sau Tuần lễ vàng, bà Vương Thị Lai tiếp tục lặng lẽ đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, gây Quỹ Ngân hàng Quốc gia VN, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành Hà Nội trong những ngày chuẩn bị và chiến đấu bảo vệ thủ đô cuối năm 1946. Có lúc bà còn gửi giúp quỹ kháng chiến hàng vạn đồng Đông Dương. Sau 1954, bà tiếp tục góp tiền ủng hộ xây dựng Nhà máy da Thụy Khê, nhà máy dệt khăn mặt. Bà còn ủng hộ cách mạng một khối tài sản khổng lồ. Đó là hai ngôi nhà 156A và 156B phố Quán Thánh, Hà Nội. Tổng diện tích hai ngôi nhà này là 1.105 m2. Và ngôi nhà số 1 phố Lê Hồng Phong (rộng 1.108 m2), hai lô đất ở Bến xe Kim Liên (rộng 1.035 m2).
Không chỉ ủng hộ bằng tiền bạc, tài sản, bà Vương Thị Lai còn có công sinh thành, nuôi dưỡng hai người con trai có những đóng góp trí tuệ cho đất nước. Người con trai cả là GS Mai Thế Trạch, du học Pháp về nước cống hiến tâm và tài trong ngành y, chuyên gia đầu ngành về nội khoa. Người con trai thứ hai là KTS Mai Thế Nguyên, người thiết kế Hoàng cung Na Uy.
Kiều Mai Sơn


              

Nữ lưu nước Việt - Kỳ 2: Đại sứ phu nhân đầu tiên làm công tác ngoại giao

Ít ai biết trong ngôi nhà ở khuất sau chợ Tân Định (TP.HCM) có một người phụ nữ từng góp phần làm nên nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. 

Bà Hà Giang ở tuổi 100 tại nhà riêng (TP.HCM) - Ảnh: Kiều Mai SơnBà Hà Giang ở tuổi 100 tại nhà riêng (TP.HCM) - Ảnh: Kiều Mai Sơn
Đó là bà Hà Giang - nguyên Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN, người phụ nữ đầu tiên ra nước ngoài làm công tác ngoại giao với vai trò Bí thư Đại sứ quán VN tại CHDCND Triều Tiên.
Người thầy khởi nguồn yêu nước
Bà Hà Giang cười hiền kể lại những kỷ niệm về miền Bắc, là quê hương của bà - làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và cũng là quê hương của ông - tướng quân Trần Xuân Độ (1894 - 1997), Chính ủy đầu tiên của Quân khu 7, Đại sứ VN tại Triều Tiên - ở xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Bà kể về Hà Nội, nơi bà gắn bó từ thuở 13 và đã có một thời tuổi trẻ sôi nổi học tập và hoạt động cách mạng. Ở Hà Nội có người bạn thuở thiếu thời là đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ - Bộ Công an. Hà Nội cũng là nơi bà sống nhiều năm tại ngôi nhà trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau nhượng lại cho một người bạn cũng là lãnh đạo đứng đầu Hội LHPN VN.
Tên thật của bà là Đặng Thị Thiềm, sau đi hoạt động cách mạng bà lấy bí danh Hà Giang, từ đó cái tên này đi theo bà suốt cuộc đời. Tính tuổi thật, bà đã 100, còn tuổi hồ sơ cũng đã 95. Tuổi cao, trí nhớ phần nào giảm sút, nhưng khi nhắc đến bạn bè cũ, những ký ức muộn trong bà lại trở về.
Bà sinh năm 1916 và là con thứ 6 (áp út) trong gia đình cử nhân Nho học. Sau khi học hết bậc tiểu học ở quê, bà lên Hà Nội sống với người anh thứ tư và học tiếp bậc trung học. Chính những giờ giảng của thầy Phan Thanh ở trường tư thục Thăng Long đã khơi gợi cho cô học trò thành Nam tinh thần yêu nước.
Theo lời bà kể lại, từ 70 năm về trước, đầu năm 1944, bà tham gia hoạt động trong nội thành Hà Nội, là thành viên trong một tổ Việt Minh gồm ba người. Hai người còn lại là bà Nguyễn Thị Bích Thuận và bà Bùi Thị Tình (sau này là vợ ông Trần Quang Bình, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện). Ba người đã được ông Hoàng Tùng, phụ trách Việt Minh ở Hà Nội, phân công công việc. Riêng bà nhận nhiệm vụ: Rải truyền đơn trên các đường phố, chuyên chở sách báo, vũ khí của Việt Minh từ Hà Nội về TP.Nam Định, tham gia cơ sở cách mạng trong công nhân nhà máy ô tô, trong giới học sinh, giới tiểu thương.
Tháng 8.1945, bà Hà Giang được cử làm người đại diện phụ nữ Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Được Bác Hồ giao nhiệm vụ
Giữa năm 1950, bà lập gia đình cùng ông Trần Xuân Độ tại Việt Bắc. Cưới xong các đồng chí lãnh đạo đề nghị: “Nếu Hà Giang không vào Nam thì cả hai vợ chồng công tác ngoài Bắc, tùy hai người quyết định”. Bà quyết định cùng ông vào Nam nhận nhiệm vụ.
Miền Bắc giải phóng, ông bà lại cùng tập kết ra Bắc. Năm 1956, Tổng bí thư Trường Chinh đề nghị ông Trần Xuân Độ sang CHDCND Triều Tiên làm đại sứ. Lúc đầu ông không nhận vì trình độ văn hóa thấp, ngoại ngữ lại không biết. Nghe ông Trường Chinh báo cáo, Hồ Chủ tịch cho mời ông Trần Xuân Độ đến Phủ Chủ tịch. Sau khi trò chuyện, Bác nói: “Từ trước đến giờ tôi có học làm Chủ tịch nước đâu. Nhưng Đảng và Nhà nước phân công thì phải làm. Tôi và chú Trường Chinh thay mặt Đảng và Nhà nước phân công chú Độ làm đại sứ”. Nghe Bác nói xong, ông Độ nhận lời.
Hồi đó chưa có chế độ cho vợ cùng chồng ra nước ngoài công tác. Biết bà Hà Giang là một trí thức theo kháng chiến, có trình độ văn hóa, nên Hồ Chủ tịch cho mời bà sang. Bác nói: “Trung ương định đưa đồng chí Trần Xuân Độ làm Đại sứ ở Triều Tiên, cô có thể đi cùng với đồng chí Độ được không?”.
Nhớ lại kỷ niệm với Bác, bà Hà Giang bồi hồi: “Tôi cũng có suy nghĩ: Mình không biết làm công tác ngoại giao như thế nào. Lúc bấy giờ các đồng chí đại sứ khác ít đưa vợ đi, hoặc nếu có đi thì cũng chỉ đi làm phu nhân thôi, chứ không có công tác gì ở sứ quán. Suy nghĩ xong tôi trả lời: “Thưa Bác, nếu Bác và Đảng quyết định thì cháu cũng sẵn sàng đi. Tuy không quen công tác ngoại giao, nhưng sang đó cháu học dần”. Bác cười: “Cô biết ngoại ngữ không?”. Thưa Bác, cháu bập bẹ biết tiếng Pháp thôi” (sự thực là bà đã tốt nghiệp bậc tú tài Trường Bưởi, một thành tích hiếm thấy ở phụ nữ thời đó). Bác bảo: “Thế thì cũng tốt. Thế này nhé, chú Độ làm đại sứ, cô làm phu nhân là một chuyện thôi, nhưng mà cái chính là công tác sứ quán giúp cho chú Độ. Cô đã có ngoại ngữ như thế là tốt lắm. Thôi thì đi nhé”. Tôi đáp: “Vâng, Bác phân công thì cháu cũng xin nhận”.
Nhờ đó, bà Hà Giang ngẫu nhiên trở thành Đại sứ phu nhân đầu tiên của VN ra nước ngoài cùng chồng làm công tác ngoại giao. Trước khi đi, Bác mời ông bà đại sứ đến ăn một bữa cơm giản dị, ấm cúng và thân mật tình cảm gia đình. Trong bữa ăn, Bác nói chuyện tình hình quốc tế, rồi dặn dò nhiệm vụ công.
Bà làm Bí thư thứ hai kiêm thư ký riêng của đại sứ; đồng thời anh em còn bầu bà phụ trách công tác nghiên cứu của sứ quán kiêm phụ trách Văn phòng sứ quán và làm Bí thư chi bộ cơ quan.
Ông bà đã công tác ở Triều Tiên 6 năm (1956 - 1962) thì kết thúc nhiệm vụ. Về nước, ông Trần Xuân Độ được cử làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Bộ Ngoại giao. Còn bà Hà Giang làm Phó chủ tịch Hội LHPN VN cho đến khi nghỉ hưu.

              

Nữ lưu nước Việt: Cụ bà đa thọ đa phúc

Bên cạnh những người phụ nữ anh hùng xông pha nơi mũi tên hòn đạn đã được lịch sử ghi nhận, còn rất nhiều người phụ nữ ở hậu phương đã có những đóng góp to lớn mà thầm lặng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (9.2015) - Ảnh: Linh TâmCụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (9.2015) - Ảnh: Linh Tâm
Năm nay, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ 102 tuổi nhưng cụ còn mẫn tiệp. Người đa thọ đa phúc là cụ, với một đại gia đình ngũ đại đồng đường gần 50 người sống quây quần, đầm ấm.
Tâm từ mẫu
Khi tôi hỏi cụ bí quyết để giữ gìn sức khỏe, sống trường thọ mà trí nhớ vẫn minh mẫn, cụ Hoàng Thị Minh Hồ nhẹ nhàng nói: “Bà chả có bí quyết gì đâu, có lẽ nhờ bà ăn ở nhân hậu”.
Người con gái làng Lủ (nay là P.Kim Giang, Hà Nội) sinh trưởng trong gia đình thương gia giàu có. Năm 1932 bà lập gia đình với thương gia Trịnh Văn Bô và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Năm 1936, người Pháp dọn nghĩa trang Hợp Thiện, hàng vạn hài cốt phải chuyển. Thành phố đi quyên tiểu sành, bà ủng hộ 100 chiếc. Năm 1937 hai huyện Đông Khê, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) bị ném bom, bà ủng hộ 2.000 tiền Đông Dương . Năm 1939 lụt, 2 huyện tỉnh Hưng Yên bị lụt, nhân dân mất cửa mất nhà, bà cũng ủng hộ 2.000 đồng (giá gạo 3 đồng/tạ).
“Ngày xưa làm từ thiện, lá lành đùm lá rách, tự tay người giúp đỡ phải đem đến cho các gia đình bất hạnh, chứ không phải như bây giờ cứ giao cho nhà nước”, cụ Minh Hồ kể.
Khi đưa mấy chục tấn gạo xuống Hưng Yên, Tổng đốc đứng đầu tỉnh là cụ Từ Đạm nhà ở phố Hàng Đào ra tiếp. Bà cùng các cụ hằng tâm hằng sản xuống đã thấy dân hai huyện ngồi chật ở cửa dinh, có danh sách nhà nào nhiều thì đong gạo nhiều, nhà nào ít thì đong gạo ít, còn tiền thì phát. Nghỉ trưa, Tổng đốc mời cơm các cụ các bà. Sau đó là 4 giờ rưỡi chiều lại ở Hưng Yên về Hà Nội, sau khi đã phát chẩn hết số gạo, chứ không giao khoán chính quyền địa phương.
Đến năm 1942 cháy bãi Nghĩa Dũng, bà ủng hộ 100 cái bánh chưng, nửa cân gạo phát ngay. Nạn đói năm 1945, bà mua 1.000 cái vé cháo phát cho người đói. Nhờ vậy, nhiều người thoát chết chỉ trong tấc gang. Với người thiệt phận, bà xuất tiền túi 270 đồng mua được 100 đôi chiếu, 100 đôi thừng để bó những xác chết.
Mùa đông năm 1956, đi sang Đình Bảng - Chợ Giầu, thấy mình thì áo bông áo len, mà trẻ con hơn một tuổi, có mỗi một manh áo, quần chẳng có, tái tê chịu rét, trở về bà mua mấy nghìn thước vải, để may chăn, rồi cán bông may áo.
Không để đoàn thể xấu mặt
Ít người biết rằng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ là một trong những người sáng lập Hội LHPN VN và Hội LHPN Hà Nội. Trong đó, 10 năm bà tham gia BCH T.Ư Hội, 24 năm tham gia BCH thành Hội.
Trước đó, thời kỳ 1944 - 1945, mà bà gọi là “còn trong bóng tối”, bà đã ủng hộ 15.000 Đông Dương (trị giá gần 40 lạng vàng) để ra tờ báo của nữ giới - ngày ấy gọi báo “Đàn bà”. Đấy là khi ông Khuất Duy Tiến đưa hai bà Tâm Kính và chị Nguyễn Thị Thảo (chủ bút) đến vận động bà quyên góp.
Câu chuyện bà ủng hộ nhà nước hơn 5.000 lạng vàng trong Cách mạng tháng Tám đã có hàng trăm bài báo viết từ nhiều năm nay. Có điều, giữa lúc độc lập còn quý hơn vàng thì bà tâm sự rằng chẳng tiếc của. Không chỉ góp tiền của, bà còn góp vào sự lịch thiệp kín đáo của người thủ đô.
Năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử bà Trịnh Đình Thảo và bà Nguyễn Đình Chi ra Hà Nội. Theo lời cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: Bà Trịnh Đình Thảo là nhà tư sản lớn; còn bà giáo Nguyễn Đình Chi là người trí thức ở Huế. Đất nước có chiến tranh, đoàn thể còn thiếu thốn, mọi sự tiếp đón ban đầu dự kiến rất sơ sài.
“Bà nghĩ là nếu không tiếp đón hai bà đại diện phụ nữ miền Nam lịch sự, trang trọng, thì mang tiếng phụ nữ thủ đô mà lùi xùi, như thế đoàn thể không đẹp mặt”, bà Minh Hồ kể.
Vậy là, bà đặt mua chè mạn sen, làm những thứ bánh cổ truyền dân tộc, các thứ bánh của người Hà Nội: bánh bao, bánh bẻ, bánh bò, bánh dày… cùng đồ uống phong vị quê hương tiếp đón.
Đoàn thể không đòi hỏi nhưng bà tự nhủ thầm, phụ nữ thủ đô thì phải lịch lãm, tiếp đón bạn từ miền Nam ra cũng phải thể hiện đúng cái sang của người Hà Nội cùng tình cảm gần gũi, thương yêu.
Qua những mẩu chuyện, tôi hiểu ra rằng, bà là người tế nhị, đoàn thể cần gì về kinh tế tài chính thì bà giúp đỡ, còn các nhiệm vụ chính trị đã có hai bà hội trưởng, hội phó. “Bà chỉ là một người hảo tâm, vậy thôi con ạ”!


              

Tam Giang giai thoại - Kỳ 3: Người giữ rú Chá và chuyện tình cô lái đò

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại ở vùng phá Tam Giang, nơi này được ví như một tấm bình phong bảo vệ cộng đồng trước thiên tai.

Ông Nguyễn Ngọc Đáp, người canh giữ rú 30 năm nay - Ảnh: Tuyết KhoaÔng Nguyễn Ngọc Đáp, người canh giữ rú 30 năm nay - Ảnh: Tuyết Khoa
Người giữ rú không lương
Cách trung tâm TP.Huế chừng 15 km, theo đường QL49 rẽ trái qua cầu Thảo Long, chúng tôi tìm về với rú Chá (làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Rú là rừng, chá là cây chá. Rú Chá là tên do người dân làng Thuận Hòa gọi từ thuở mới khai phá cho đến ngày nay. Với người dân, rú Chá không chỉ là bức bình phong bằng cây chá bảo vệ cộng đồng trước thiên tai mà còn là nơi linh thiêng của làng. Trên rú có ngôi miếu cổ thờ bà Đức Thánh Mẫu. Tương truyền, ngày xưa, trong một trận lụt lớn, bài vị của Đức Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén trôi về nằm ở đây. Dân làng thấy thế, bèn lập miếu thờ. Từ đó đến nay, dân làng vẫn tổ chức đám giỗ Đức Thánh Mẫu tại miếu vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đáp, ngôi nhà duy nhất trên rú Chá. Ngôi nhà nằm bên rừng chá. Lối vào nhà nhỏ chỉ đủ một người đi. Cảnh vật đẹp tựa tranh vẽ. Ông Đáp năm nay 71 tuổi. Ông sống cùng vợ. 10 đứa con của ông hiện đang sống trong làng. Mọi người gọi ông là người quản rú hay người giữ rú, một người giữ rú không lương. Gắn bó với rú Chá gần như suốt cuộc đời và đã sống trên rú 30 năm, ông Đáp cho biết sẽ sống đến hết cuộc đời ở nơi đây. Theo người dân, ngày trước có một số người đi làm nghề ghé vào rú Chá chặt cây. Nhưng từ ngày có ông Đáp sống ở đây, không ai dám vì ông luôn túc trực, canh giữ rú. Con đường vào rú ngày xưa ngập nước phải lội nhưng dân làng đã tự đắp đường cao hơn bằng đất. Con đường ấy, hằng ngày ông Đáp vẫn đi quanh rú bằng chiếc xe đạp cũ. Mọi ngõ ngách trong rú không chỗ nào ông Đáp không biết.
Theo ông Đáp, ngày xưa, phía sau miếu thờ Đức Thánh Mẫu là đình làng Thuận Hòa. Ở đây có một căn hầm bí mật của chiến sĩ cách mạng. Người dân trong làng thường mang thức ăn, nước uống ra rú nuôi cán bộ. Về sau, giặc phát hiện nên đã ra sức tìm cách tiêu diệt. Không ít cây chá bị bom đạn quật ngã. Giặc buộc dân làng dời đình vào làng. Vì thế, bây giờ đình làng chỉ còn phế tích. Tuy nhiên, dân làng vẫn còn giữ lại miếu thờ Đức Thánh Mẫu. Ngôi miếu được nhiều lần tu sửa nên khá khang trang.
Cô lái đò trên bến Ca Cút
Dẫn chúng tôi ra bến đò Ca Cút xưa, ông Võ Văn Ứng, Trưởng làng Vân Quật Đông (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà), cho biết Ca Cút là bến đò nối hai làng Vĩnh Trị (xã Hải Dương) và làng Vân Quật Đông (xã Hương Phong). Bến đã có hàng trăm năm nay và chỉ chấm dứt hoạt động vào năm 2010 khi có cây cầu Tam Giang bắc ngang, nối hai bờ. Tuy cầu có tên là Tam Giang, nhưng hầu hết người dân nơi đây đều gọi là cầu Ca Cút, bởi cái tên này đã gắn liền với người dân vùng này hàng trăm năm nay.
Theo ông Ứng, Ca Cút có nghĩa là xa vắng, ca kêu gà gáy, để chỉ sự mênh mông, buồn thảm nơi đây. Ngày xưa, dân cư ít, phá rộng, xung quanh chỉ có sóng nước mênh mông, không thấy người. Mỗi khi gọi đò rất khó, chính vì thế nên người xứ Huế mới có câu thành ngữ “Kêu như kêu đò Ca Cút”.
Gắn liền với bến đò Ca Cút là câu chuyện về cô lái đò mang màu sắc hư ảo, ly kỳ, huyễn hoặc nhưng lại phản ánh phần nào cuộc sống bấp bênh trước sóng nước Tam Giang. Ngày xưa, ở bến này có cô gái đò tuổi độ đôi mươi hằng ngày lái đò đưa khách sang phá. Một hôm, một chàng trai xứ Thanh vào vùng này tìm cha mẹ. Cha mẹ chàng bỏ xứ vào phá Tam Giang làm nghề đánh cá kiếm sống. Qua nhiều ngày, chàng vẫn không tìm được cha mẹ mình. Nỗi lòng chàng trai được cô lái đò thấu hiểu và sẻ chia. Hai người đem lòng thương nhau. Sau đó, chàng không trở về quê mà ở lại se duyên kết vợ chồng với cô lái đò. Ngày ngày, cô vẫn lái đò, chàng trai thì đánh bắt cá trên phá. Cứ thế, thời gian trôi qua cùng hạnh phúc lứa đôi.
Vào một hôm mưa gió bão bùng, khi cô gái đã neo đậu đò và trở về nhà thì người chồng vẫn chưa về. Nhìn ra phá, màn đêm bao trùm với những cơn gió rít gào. Cô lái đò tựa cửa đợi đến sáng nhưng chồng vẫn không về. Người trong làng nói rằng người chồng đã bị sóng dữ đánh chìm nhưng cô lái đò không tin, ngày ngày vẫn lái đò và đợi chồng trong héo hon.
Cũng trong một đêm mưa to gió lớn, cô lái đò vẫn tựa cửa chờ chồng. Xa xa, cô thấy chàng đang bủa lưới kéo cá, liền vội vàng đi về phía phá. Cô đi mãi, đến khi mất hút trong màn đêm. Từ đó, người dân không thấy cô lái đò đâu nữa. Ban đêm chỉ nghe tiếng kêu của một loài chim lạ và dân làng đặt tên là Ca Cút. Người ta nói, chim lạ ấy chính là cô lái đò năm xưa bay khắp phá tìm chồng.
Ông Lê Cặp, trưởng làng Vĩnh Trị, kể: “Bến Ca Cút không chỉ là bến đò của làng tui mà người dân vùng này cũng tập trung đi ở đây. Mỗi lần đi lên dinh (lên TP.Huế - PV) phải qua đò đi sớm. Đến chiều lo về sớm kẻo trễ đò. Thời chiến tranh, bến đò này cũng là nơi chở các chiến sĩ cách mạng”.


              

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons