Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 5: 40 năm vá áo mưa 'tàu ngầm'

Gần 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Sỹ (55 tuổi) lặng lẽ bám vỉa hè đường Bạch Đằng (ven sông Hoài, TP.Hội An, Quảng Nam) chắt bóp mưu sinh với cái nghề nghe tên rất lạ: vá áo mưa.

Mấy chục năm qua, ông Sỹ thầm lặng mưu sinh với nghề vá áo mưa - Ảnh: Hoàng SơnMấy chục năm qua, ông Sỹ thầm lặng mưu sinh với nghề vá áo mưa - Ảnh: Hoàng Sơn
Nghề của người nghèo

Nghe qua, đủ biết vá áo mưa là công việc phụ thuộc vào “bệnh của trời”. Thế nên, trời có mưa thì nghề của ông Sỹ mới tồn tại. Những ngày hè đổ lửa, ông Sỹ vẫn có việc làm nhờ những trận mưa dông. Nhưng thường thì từ cuối tháng 9 trở đi, miền Trung và cả phố cổ Hội An bắt đầu chuyển mùa thì ông mới bày hẳn tấm biển “vá áo mưa tàu ngầm” ra đường. Ông chép miệng: “Nghề này có thời rất thịnh. Vì hồi đó đời sống còn khó, để sắm cái áo mưa có thể dễ dàng nhưng cứ rách và bỏ đi như bây giờ thì chỉ có nhà giàu mới dám thôi. Tui sớm vào đời, nhà nghèo lại không nghề nghiệp nên tìm tới nghề để kiếm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình”. 15 tuổi, ông Sỹ đã ra bến thuyền, chợ búa hành nghề bốc vác. Thế rồi, trong những lần trời mưa, không làm việc được, ông Sỹ lân la những tiệm sửa, vá áo mưa để trú chân rồi nghề ngấm vào máu khi nào không hay.

Ông kể, cứ mỗi lần nhìn chiếc dùi sắt nóng đỏ của người thợ chà lui chà tới cho đến khi chiếc dùi nguội dần, cầm tấm áo mưa lên xem thấy “vết thương” liền hẳn khiến ông rất thích. “Tại sao họ làm được như thế nhỉ”, ông Sỹ tự hỏi rồi mày mò tập làm. Làm riết thành quen, ông Sỹ tự tin sắm đồ nghề rồi ra vỉa hè “kiếm cơm”. 

Hội An khoảng gần 40 năm về trước, người dân chủ yếu dùng áo mưa cánh dơi. Hồi đó, để có được tấm áo đi mưa như thế nhiều người rất quý. Cho nên, cứ rách, thủng chỗ nào người ta liền tìm đến ông để vá lại. Dù tiền công vá một cái áo mưa chỉ vài trăm đồng thế nhưng được cái đông khách nên mỗi ngày ông Sỹ cũng giắt lưng kha khá tiền. Sau này, tiền công lên giá 1.000 đồng/lỗ rồi lên đến 2.000 đồng/lỗ như bây giờ nhưng ông Sỹ có “nguyên tắc” không lấy quá 10.000 đồng/áo mưa. Ông giải thích: “Nghề vá áo mưa không như vá cái săm xe đạp, không phải cứ vá lỗ rồi đem nhân thành tiền công mà được. Có cái áo mưa vá đến hơn 10 lỗ, nếu tui lấy tiền công 20.000 đồng thì người ta đâu tìm đến mình nữa. Nên có vá nhiều hơn thì tui cũng chỉ lấy 10.000 đồng/áo mưa thôi...”. Cách đây chừng chục năm, ở phố cổ có vài người theo nghề. Nhưng vì tuổi già và vì thu nhập bèo bọt nên thợ rơi rụng dần. 

Áo mưa chắc như chiếc… tàu ngầm

Tháng 12 ở phố cổ, trời rả rích mưa. Trong mấy chiếc ô cỡ lớn ghép lại thành tiệm, ông Sỹ cẩn thận nheo mắt nhìn từng lỗ thủng để tìm cách vá áo mưa. Ông nhẹ nhàng rút dùi sắt đã nung nóng trong lò than ra gí vào đống sáp (sáp nến) đổ sẵn trên mặt bàn để làm trơn bề mặt dùi. Đống nến bốc khói mù mịt, ông gật đầu ra vẻ dùi đã vừa nhiệt độ. Trên chiếc bàn có kê sẵn một tấm sắt, bề mặt có cắt những hình thoi chi chít, ông Sỹ đã bỏ gọn gàng chiếc áo mưa có lỗ thủng vào. Ông lót một miếng áo mưa đồng loại vào lỗ thủng rồi đặt thêm miếng “giấy gương” lên trên. Tiếp đó, ông Sỹ cầm dùi đang nóng tỉ mẩn chà nhẹ trên tấm “giấy gương” cho đến khi miếng vá bám chặt áo mưa. Đoạn bỏ lại chiếc dùi vào lò than, ông Sỹ cười: “Nghề đơn giản thế thôi. Ban đầu chỉ tìm cách vá sao cho hợp lý rồi chà dùi cho đến khi miếng dán vá hẳn lỗ thủng là xong”.

Nói nghe có vẻ dễ dàng nhưng đã không ít lần, ông Sỹ phải vã mồ hôi hột khi gặp những chiếc áo mưa… quá rách hoặc những chiếc mà chất liệu ông chưa thấy bao giờ thấy. Trong đó, ông “ớn” nhất là vá phải chiếc áo mưa được làm từ cao su. “Vì dùi thì nóng mà cao su thì nở. Cứ chà dùi lên là nó nở tung tóe, không biết đâu mà lần. Trong nghề, tui đã từng làm vui lòng nhiều vị khách khó tính nhưng cũng không ít người bắt đền lại cái mới vì lỡ làm hư cái áo mưa mà họ thích”, ông Sỹ kể: “Vui nhất là sau nhiều năm trong nghề, tui đã nghĩ ra cách vá loại áo mưa bộ (loại có cả quần lẫn áo). Đây là loại khó nhất vì chất liệu có cả vải dễ cháy”. 

Hằng ngày, khi không có khách, ông Sỹ thường lang thang đi tìm áo mưa các loại người ta vứt bỏ. Ông rửa sạch, để khô ráo dành làm vật liệu “lấy nó vá nó”. Cứ mỗi mùa mưa đến, tấm biển “vá áo mưa tàu ngầm” lại thu hút bao ánh nhìn của người đi đường. Nhiều người lần đầu bắt gặp, lạ vì ngày nay chỉ cần 5.000 đồng là có cái áo mưa tiện lợi mà vẫn còn người hành nghề vá áo mưa. Lần thứ 3, thứ 4 khi đi ngang tiệm vẫn thấy lạ và thắc mắc sao lại là “tàu ngầm”. “Chiếc tàu ngầm bị thủng, nước tràn vô thì người chết hết. Chiếc áo mưa bị thủng, nước tràn vô sẽ làm người mặc bị ốm. Tui vá áo mưa để đi mưa chắc như chiếc tàu ngầm”, ông Sỹ cười xòa lý giải tếu táo rặt chất Quảng. Cũng chính tấm biểu hiệu do ông tự vẽ đó đã thu hút biết bao du khách trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách nước ngoài khi thấy ông làm nghề vá áo mưa đã dừng chân, chụp ảnh rồi “mang” cả ông lẫn hình ảnh của phố cổ ra nhiều nơi trên thế giới.

Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 4: Nhớ phố qua từng nét vẽ

Ngang qua rạp Hội An, người dân và du khách ấn tượng khi thấy tấm bảng hiệu viết tên phim sắp chiếu theo phong cách cổ điển, giản dị nhưng đầy nghệ thuật. Phố cổ vào những năm 1960, các tấm biển như thế được treo nhiều nơi.

Người giữ hồn phố Hoài: Nhớ phố qua từng nét vẽ
Cụ Trần Giáp Quyền từng nổi danh một thời tại phố cổ Hội An - Ảnh: Hoàng Sơn 
Vẽ tranh truyền thần cho vua
  
BÁN TRANH TRUYỀN THẦN 7 TRIỆU ĐỒNG
Trong sự nghiệp vẽ tranh truyền thần của mình, cụ Mỹ Hội nhớ nhất là lần bán bức ảnh Ông lão với hình ảnh một cụ già quắc thước, đẹp lão cho một vị khách người Pháp với giá 7 triệu đồng. Hồi ấy, số tiền đó là một tài sản rất lớn. Sau này, cụ còn bán rất nhiều tranh cho khách Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Khi về già, mắt mờ tay run, cụ không vẽ tranh được nữa nhưng “máu nghề” vẫn chảy trong huyết quản. Cụ thường bày giấy, cọ, mực tàu để viết thư pháp.
Lấy hai bút danh với hai nơi hành nghề khác nhau nhưng nhắc đến cái tên Trịnh Cán và Mỹ Hội, người am hiểu nghệ thuật truyền thần ở Huế và Hội An vào những năm 1950, 1960 đều biết đó là cụ Trần Giáp Quyền (88 tuổi, trú tại đường Trần Phú, TP.Hội An) - người đầu tiên mở tiệm vẽ tranh truyền thần, vẽ bảng hiệu tại phố cổ.
Cụ Quyền bước chân vào nghệ thuật từ năm 1942 nhờ sự chỉ dạy và truyền thụ của hai người anh rể. Năm 1950, cụ cùng người anh rể mở tiệm vẽ tranh với bút danh Trịnh Cán tại đất cố đô.
“Năm 1956, vua Bảo Đại từ Đà Lạt về Huế. Ông bảo tôi vẽ bức tranh truyền thần cỡ lớn cho đại gia đình. Tôi cũng vẽ một bức cho Đức Từ cung. Hồi đó, sau khi xem tranh xong, vua Bảo Đại rất ưng ý và cho tôi nhiều lời khen”, cụ Quyền kể. Cụ Quyền cũng từng vẽ một bức tranh truyền thần cho vua Thành Thái trong một lần vị vua này trở về Huế sau thời gian dài bị lưu đày. Cũng có lần, cụ Quyền phóng to bức ảnh Nam Phương Hoàng hậu cùng hai người con bằng cọ vẽ. Nhưng đáng nhớ nhất là lần cụ vẽ viên trung tướng người Pháp. “Tôi được mời đến vẽ tranh truyền thần cho ông ta, cũng khá căng thẳng. Thế nhưng khi tôi về đến nhà, viên tướng đã cho lính đến mời đi ăn tiệc tại khách sạn Morin (Huế) vì tranh quá đẹp”, cụ Quyền nhớ lại.
10 năm ở Huế, đến năm 1960, cụ Quyền đưa vợ con về Hội An sinh sống và lập tiệm vẽ tranh truyền thần với bút danh Mỹ Hội. Rồi cụ Quyền chuyển sang vẽ bảng hiệu. Để tạo được uy tín với nhà buôn tại Hội An, bảng hiệu của họ không phải đơn giản chỉ là chữ Quốc ngữ. Nhiều nhà buôn người Hoa còn đòi hỏi song ngữ Việt - Hoa để tấm bảng vừa sinh động vừa thu hút khách. Cũng nhờ giỏi chữ Hán khi còn trẻ nên chuyện vẽ bảng hiệu song ngữ không thể làm khó cụ.
Tấm bảng hiệu ở rạp Hội An
Trong ký ức cụ Quyền, Hội An vào những năm 1970 là thời kỳ hưng thịnh của nghề buôn thổ sản. Đó là những năm tháng cụ miệt mài vẽ bảng hiệu và đi treo cho tiệm buôn các mặt hàng đó. Một thời gian sau, cụ Quyền tiếp tục dấn thân vào nghề vẽ poster, pa nô cho rạp chiếu phim.
Những bộ phim có poster nhỏ xíu bằng bàn tay như: Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Cuốn theo chiều gió… đều do một tay cụ pha màu, phóng to để treo lên quảng cáo. Nói đến đây, bao nhiêu cảm xúc xưa cũ lại ùa về, mắt cụ Quyền rưng rưng: “Thế hệ chúng tôi khi nhìn những tấm poster đó lòng lại thấy rạo rực lạ lắm. Vì thiếu thốn địa điểm giải trí nên cứ nghĩ đến cảnh được đi xem phim là vui như trẻ con”.
Thi thoảng dạo qua phố, gặp những bức tranh hơi cũ một tí, cụ Quyền lại nhớ đến những bức tranh tốc họa mà ngày xưa cụ đã vẽ bằng than chì. Rồi ngang qua rạp Hội An, thấy những nét chữ ngày xưa cụ dùng để vẽ bảng hiệu được một người có nghề họa lên, lòng cụ lại nao nao nhớ phố xưa. Người già sống bằng ký ức đã đành, người trẻ mỗi lần đi qua rạp phim, khi thấy những dòng chữ vẽ tựa đề đó mà chân bước không rời.
Ở Hội An bây giờ còn không nhiều người có thể vẽ một cách “có hồn” những nét chữ như thế. Có lẽ sau thế hệ như cụ Quyền, người vẽ lên những nét chữ bay bướm đó chỉ còn số ít như anh Trịnh Mỹ (cán bộ Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam). Anh là người hơn 20 năm qua gắn bó với công việc họa tựa phim lên tấm biển treo trước rạp Hội An.
“Nếu đưa lên máy in ra bạt thì mọi thứ trở nên đơn giản. Nhưng do đặc thù là khu vực A phố cổ, cần hạn chế in theo lối hiện đại nên nhiều năm qua, tôi là người trực tiếp làm công việc vẽ tên phim”, anh Mỹ nói. Để thực hiện một bảng hiệu đẹp đòi hỏi phải có năng khiếu và niềm đam mê thực thụ. Tùy tựa phim mà mỗi biển hiệu được anh Mỹ chọn những loại chữ khác nhau, miễn sao đảm bảo tính thẩm mỹ. “Mỗi lần tôi vẽ lên bảng tên một bộ phim mới, nhiều du khách trong và ngoài nước lại đứng bên cạnh để xem. Họ thích thú và đưa máy ảnh lên chụp lưu niệm vài tấm. Có lẽ không riêng gì miền Trung mà cả nước chỉ còn rạp Hội An giữ được tấm biển vẽ tựa. Làm công việc này, tôi cũng thấy hạnh phúc vì thêm chút sức mọn để phố cổ thêm cổ và đẹp hơn”, anh Mỹ cho biết.

Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 3: 'Nữ hoàng' bánh mì

Đó là biệt hiệu du khách quốc tế dành cho cụ bà Nguyễn Thị Lộc (78 tuổi, ở TP.Hội An, Quảng Nam) sau khi được thưởng thức món bánh mì do cụ chế biến.


“Madam Khanh” cẩn thận bỏ nhân vào bánh mì bán cho khách - Ảnh: Hoàng Sơn“Madam Khanh” cẩn thận bỏ nhân vào bánh mì bán cho khách - Ảnh: Hoàng Sơn
“Bánh mì ngon nhất thế giới”

Không phô trương cũng không sang trọng nhưng “Madam Khanh - The Banh mi Queen” (115 Trần Cao Vân, TP.Hội An) được rất nhiều du khách quốc tế tìm đến thưởng thức. Quán nằm dưới mái hiên nhỏ hẹp, chỉ đủ để kê hai chiếc bàn, một tủ đựng nhân bánh sát mép vỉa hè, nhưng chỉ cần nếm một lần, du khách tứ phương không thể nào quên. Bằng chứng là trong tủ kính nơi cụ bà “Madam Khanh” đứng chiên trứng mỗi ngày có đến cả trăm tờ giấy viết tay ca ngợi, cảm ơn cụ đã cho họ ăn ổ bánh mì “ngon chưa từng thấy”. Cụ Lộc cho biết: “Madam Khanh và The Banh mi Queen đều do khách quốc tế đặt cho tiệm bánh, chứ buôn bán bình thường mà đi nhận danh hiệu “nữ hoàng bánh mì”, tui ngại lắm. Chữ Khanh là lấy theo tên của chồng tui, tên Khánh”. Trên diễn đàn du lịch nổi tiếng TripAdvisor, hàng trăm du khách ghé tiệm Madam Khanh cũng không tiếc lời khen về ổ bánh mì của cụ Lộc. Trong số hàng trăm nhà hàng, tiệm ăn uống tại phố cổ Hội An, The Banh mi Queen được khách du lịch xếp hạng thứ 7.

Bước vào quán, cảm nhận đầu tiên chính là sự thân thiện nhờ nụ cười của chủ quán. Với khách trong nước thì cụ “mời ngồi” còn với khách nước ngoài cụ nói ngay: “Sit down please”. Nhưng điều để những vị khách du lịch, vốn không phải ai cũng dễ tính tìm đến tiệm của cụ chính là chất lượng của chiếc bánh. Du khách Gary (đến từ Sydney, Úc) sau khi ăn ổ bánh mì tại The Banh mi Queen đã để lại những dòng chữ: “Nhiều người nói rằng đây là bánh mì ngon nhất trong phố cổ. Sai! Đây là bánh mì ngon nhất, hơn bất cứ loại nào trên thế giới”. Trong tủ kính đặt trang trọng những tờ giấy viết tay còn có rất nhiều lời khen ngợi của những du khách đến từ các nước như: Pháp, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Một vị khách để lại lời nhận xét về cụ Lộc: “Quý bà đáng yêu và tốt bụng mà tôi từng gặp ở VN”. Có du khách khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa. Đó là ổ bánh mì ngon nhất mà tôi đã từng nếm thử. Dịch vụ đáng yêu và thân thiện. Và chắc rằng bạn sẽ có một tách trà tươi và ngon sau khi ăn”. Du khách khắp nơi trên thế giới tìm đến tiệm cũng vì ổ bánh mì có giá phải chăng, thậm chí rẻ hơn nhiều nơi tại phố cổ. “Chỉ đơn giản là Madam Khanh làm bánh mì kẹp ngon nhất trên thế giới, giá cả cũng tốt nhất. Gia đình chúng tôi 4 người ăn ở đây chỉ hết 120.000 đồng, một mức giá tuyệt vời. Chúng tôi sẽ trở lại!”, một du khách Anh viết trên TripAdvisor.

“Danh tiếng có màng chi, chỉ cần làm cho Hội An thêm đẹp”

Chiếc bánh mì của “Madam Khanh” thoạt nhìn khó có thể nhận ra sự khác biệt. Thế nhưng, chỉ cần ăn hai miếng đầu tiên, thực khách có thể cảm nhận được vị dai của thân bánh, vị thơm ngon của nhân thịt, chả, trứng gà ốp la... Cụ Lộc cho biết, bánh mì cụ chọn là loại cỡ lớn, đảm bảo dai, giòn, thơm. Tùy theo nhu cầu của khách mà trong mỗi ổ, cụ Lộc bỏ nhân khác nhau, có đến cả chục loại nhân để chọn. Nhưng nhân “nền” phải có là mayonnaise được làm từ lòng đỏ trứng gà, pate gan và kim chi do chính tay cụ cắt tỉa, ngâm. Vì phải làm nhiều loại nhân nên để có hàng bán cho ngày hôm sau, cụ Lộc phải dậy từ rất sớm chuẩn bị. Trung bình mỗi ngày, The Banh mi Queen bán ra khoảng 100 ổ, mỗi ổ 20.000 đồng. Ai yêu cầu làm ít nhân thì cụ lấy giá chỉ 10.000 đồng.
 Một bức thư ngộ nghĩnh do một du khách Nhật Bản gửi tặng “nữ hoàng” bánh mìMột bức thư ngộ nghĩnh do một du khách Nhật Bản gửi tặng “nữ hoàng” bánh mì
Nhờ ổ bánh mì chất lượng, hợp vệ sinh, nhờ sự thân thiện mà nhiều du khách đến tiệm một lần là nhớ mãi. Cũng vì thế mà một vị khách người Úc khi đến ăn bánh mì đã lặng lẽ chụp hình “Madam Khanh” đang nâng niu từng ổ bánh. Sau đó vị khách này in hình cụ lên tờ rơi để phát cho những du khách nước mình đến Hội An. Cũng do vậy, trong số hàng ngàn khách đến tiệm, người Úc luôn chiếm số lượng lớn. Cụ Lộc cũng là người được nhiều đài truyền hình nước ngoài tìm đến làm phim về món bánh mì nổi tiếng khắp phố cổ. Lại có chuyện nữ du khách nước ngoài xin bà “học nghề” rồi về nước để làm cho gia đình ăn.

Những bức thư tay, những cuộc điện thoại mang mã vùng quốc tế của du khách vẫn đều đặn đến với bà. Dưới tán cây, ngày ngày, cụ bà ở tuổi bát tuần ấy lấy nghề bán bánh mì làm thú vui tuổi già. “Bán được ổ bánh mì mà khách Tây bảo “good” hoặc “excillent” là tui thấy hạnh phúc vô cùng. Tui già rồi, danh tiếng có màng chi, chỉ cần làm gì đó cho Hội An thêm đẹp, thêm ấm lòng du khách là tui rất vui”, cụ Lộc tâm sự.

Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 2: Gánh xí mà qua 2 thế kỷ

Người dân phố cổ Hội An và du khách hẳn sẽ khó quên hình ảnh một người đàn ông trên vai đòn gánh nhẵn thín, hai thùng nhôm hai đầu đã xỉn màu ngày ngày qua từng con phố, từng hẻm nhỏ. Ông đi bán xí mà, không một tiếng rao.
 
Cụ Ngô Thiểu bên gánh xí mà khi còn khỏe
Cụ Ngô Thiểu bên gánh xí mà khi còn khỏe - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu gia đình
Bát xí mà ngon nhất phố cổ
Người ta nể ông bởi ông kiên trì theo nghề tưởng chỉ dành riêng cho phụ nữ suốt 60 năm qua, phục ông vì sức lao động bền bỉ, và quý mến, nhớ đến ông vì bát xí mà của ông được khách ẩm thực khen ngon nhất phố cổ.
Trong tâm trí của nhiều thế hệ người Hội An vẫn nguyên vẹn bóng dáng gầy gò của ông Ngô Thiểu (94 tuổi) quẩy gánh chậm rãi, với tiếng bước chân nghe thân thương đến lạ. Nhiều người giờ đã thành ông thành bà, từng ăn bát xí mà do chính tay ông nấu và nay những đứa cháu của họ vẫn tiếp tục ham mê món quà vặt ấy. Ông chính thức “nghỉ hưu” cách đây 2 năm. Gánh xí mà giờ đây được ông đặt trang trọng trong tủ kính cũng ngấp nghé cái tuổi “60 năm cuộc đời”. Người cũ, nghề cũ như phố cổ, trầm mặc mấy trăm năm qua.
Khi còn khỏe, mỗi ngày ông Thiểu dậy từ lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị nồi xí mà đem bán. Ông cẩn thận nghiền từng chút mè đen, xay, giã nhuyễn để lấy nước cốt từ các loại lá rau má, bồ ngót, lá mơ... Ông đem ninh nhừ mè đen với bột khoai, nước cốt cùng đường bát ngọt thanh. Nồi xí mà bốc khói nghi ngút, thơm nức. Ông nếm thử lần nữa rồi cho tiếp một thứ thuốc bắc là bí quyết gia truyền vào nồi. Ông lấy đôi gióng, một đầu đặt nồi xí mà, một đầu đặt thêm bát, bình nước chè rồi ra khỏi nhà, đến chợ rất sớm. Trên đôi gánh toòng teng, ông Thiểu thong dong quẩy bước qua các con phố. Đi lặng lẽ chỉ nghe tiếng dép nhưng ai cũng biết: cứ 6 giờ sáng ông sẽ đi ngang qua con phố này, đến 8 giờ ông sẽ đến phố kia. Và phải ra đúng thời điểm vì chỉ sau 11 giờ, nồi xí mà đã hết sạch. Người phố cổ cũng quen nhịp sống đó. Có lúc ông chưa kịp tới, họ đứng chờ để mua làm quà cho con.
Và mấy chục năm qua ông lấy xí mà làm “cần câu cơm” nuôi sống gia đình. Hồi trước, một bát cỡ bằng nắm tay đúng y 1.000 đồng. Mỗi ngày một nồi, hết sớm thì về sớm. Đến lúc sức khỏe yếu dần, ông không bán dạo nữa mà lui về vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ. Sau này, nhiều người dân phố cổ biết ông ngồi ở góc đường, họ vẫn tìm đến để mua. Khi ông không tìm đến khách, món xí mà đã đưa khách tìm đến ông, cũng là cái “thương hiệu”, cái tình khó cắt nghĩa.
Nối nghiệp vì Hội An
Căn nhà của gia đình ông Thiểu nằm đối diện với giếng cổ Bá Lễ ngàn năm. Tiếp tôi, bà Ngô Thị Thị (54 tuổi, con gái thứ hai của ông) cho biết bà được cha truyền nghề và hiện vẫn lấy nước giếng Bá Lễ để nấu xí mà cho khách. “Cha tui một đời lam lũ, gánh xí mà đi khắp Hội An để bán cho người ta. Nhờ gánh xí mà mà cha đã nuôi ba đứa con khôn lớn thành đạt. Tui vốn là giáo viên và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nối nghề cha. Thế mà tui lại gánh nồi xí mà ra đường vì thương một đời ông tâm huyết với nghề, với Hội An”, bà Thị trải lòng. Nghề bán xí mà đến với bà Thị năm bà 52 tuổi. Năm đó, vì sức đã yếu nên ông Thiểu nghỉ hẳn ở nhà dưỡng lão. Đã có lúc ông lo lắng nghề thất truyền, bồn chồn vì vỉa hè sẽ vắng bóng đôi gánh xí quanh quẩn phố cổ suốt 60 năm qua. Biết con gái nối nghiệp cha, ông Thiểu mừng ra mặt.
Bà Thị bảo, hiện một bát xí mà giá 6.000 đồng nên bà vào nghề không phải và không để làm giàu từ nghề này. Vả lại lương hưu của bà cũng đủ để sống nhàn nhã. Nhưng bà vẫn quyết tâm theo nghề dù vất vả, cố gắng dậy sớm từ lúc 3 giờ sáng, bán đến trưa. Hơn hết, mùi hương xí mà thuở bé đã đánh thức đam mê nghề, khiến bà tiếp đôi gánh của cha ra phố. “Gánh xí mà của cha tui giờ không chỉ của gia đình, của Hội An mà còn được thế giới biết đến. Đến Hội An, nhiều người vẫn tìm đến gánh xí mà chỉ để một lần thưởng thức. Hình ảnh gánh xí mà của cha tui cũng góp sức đưa Hội An ra thế giới. Có nghĩ như thế nên tui không đành bỏ nghề, bởi bỏ nghề thì một phần văn hóa Hội An bị mất đi”, bà Thị nói.
Bây giờ, thỉnh thoảng có đoàn làm phim tìm về tận nhà để hỏi ông Thiểu cách làm xí mà ngày xưa. Bà Thị không giấu được niềm tự hào khi kể rằng có rất nhiều đoàn phim quốc tế đến tìm gặp cha bà. Nhiều người tìm về phố xưa, không thấy bóng “ông xí mà” đâu nữa, họ t

Người giữ hồn phố Hoài: Gánh Hội An ra thế giới

Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) không chỉ có những mái nhà cổ xưa, rêu phong mà còn có những con người bình dị mưu sinh trong lòng phố cổ. Thiếu vắng họ, phố như thiếu mất phần “hồn”.

Người giữ hồn phố Hoài: Gánh Hội An ra thế giới - ảnh 1Cụ Đường cùng vợ bên tấm giấy chứng nhận do Tổ chức Kỷ lục VN trao vào đầu tháng 12 vừa qua
- Ảnh: Hoàng Sơn
Chỉ một ngày không thấy bóng dáng cụ già gánh nước ấy, nhiều người tại phố cổ Hội An chắc hẳn sẽ bồn chồn tự hỏi “không lẽ hôm nay cụ ấy ốm”.
Người gánh thuê kỷ lục

Cụ Nguyễn Đường (83 tuổi, trú tại hẻm 30 đường Phan Chu Trinh) được Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng xác lập kỷ lục “Người gánh nước giếng thuê trong thời gian dài nhất tại VN” vào đầu tháng 12 vừa qua. Gánh nước là nghề để cụ nuôi sống cả gia đình hàng chục năm qua. “Tui chỉ nhớ khi không làm nghề bốc vác dưới bến sông Hoài thì tui về nhà phụ vợ gánh nước giếng Bá Lễ. Thời gian chậm trôi, nghề gánh nước giếng dễ lắm cũng bằng tuổi đời con trai tôi, 50 tuổi rồi”, cụ Đường móm mém nhắc lại.

Cụ Đường gặp vợ là cụ bà Nguyễn Thị Mỹ (85 tuổi) tại Sài Gòn rồi nên duyên vợ chồng. Ngày đầu lập nghiệp ở Hội An, không mảnh đất cắm dùi, vợ chồng cụ Đường khổ sở làm đủ nghề, sống vạ vật nhiều nơi tại phố cổ. “Hồi đó chồng tui thường ra bến sông, ai thuê gì làm đó. Cũng nhờ có sức khỏe lại thật thà nên nhiều người ưng thuê ông bốc vác. Riêng tui thì hằng ngày ra giếng Bá Lễ đầu hẻm để gánh nước thuê cho người ta. Mà duyên nghề cũng kỳ lạ lắm. Hồi đó, tui thấy người ta rất thích uống nước giếng Bá Lễ. Nhiều người ở xa cả cây số cũng lặn lội quang gánh đi lấy nước về. Thế rồi, tui mở lời gánh thuê kiếm ít đồng. Họ gật đầu và tui vào nghề từ đó”, cụ Mỹ kể.

Tùy độ dài quãng đường mà tiền công của cụ cũng chênh lệch ít nhiều. Từ mấy hào đến mấy đồng cho một đôi nước. Sau những ngày giải phóng đất nước, giá mỗi đôi nước tăng lên từ 100 đồng đến 300 đồng, rồi lên 10.000 đồng như bây giờ. Hồi đó, còn ít người theo nghề nên có ngày hai vợ chồng cụ gánh đến cả trăm đôi nước, kiếm được tiền làm căn nhà nhỏ, mua ti vi để xem. Những nhà hàng, khách sạn, quán cà phê... trở thành khách hàng quen thuộc của vợ chồng cụ nhờ “món hàng” nước giếng Bá Lễ. Hằng ngày, đôi vợ chồng với quang gánh và cặp thùng nhôm cứ chậm rãi đi qua từng ngóc ngách, mang thứ nước đặc sản đến từng căn nhà, từng quán cao lầu, mì Quảng...

Có nước máy vẫn thuê gánh nước

Vừa kéo chiếc gàu từ dưới giếng lên, cụ Đường bảo tôi vốc một ngụm nước uống thử xem. Với tôi, người lần đầu uống nước múc từ giếng thì thấy có vị ngọt ngon, mát lành. Người hàng xóm của cụ Đường cho biết mấy mươi năm qua bà đã thuê cụ Đường gánh nước để cả gia đình cùng uống dù nước máy được kéo về tận nhà. “Pha ấm trà với nước giếng Bá Lễ thì hương vị của trà không những không bị mất đi mà còn thêm đậm đà. Nước giếng Bá Lễ ngọt ngon, theo tôi là do không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn”, người này nhận định.
Người giữ hồn phố Hoài: Gánh Hội An ra thế giới - ảnh 2Cuộc đời cụ Đường gắn liền với hình ảnh di tích giếng Bá Lễ
Nhiều tài liệu chép rằng, di tích giếng Bá Lễ do người Chăm đào mà thành, có niên đại khoảng 1.000 năm. Giếng sâu khoảng hơn 10 m. Đứng bên thành có thể thấy vách giếng được ốp gạch theo dạng hình vuông, rêu phong phủ đầy. Không ai nhớ chính xác giếng có tên gì, chỉ biết rằng khoảng hơn 100 năm về trước vào thời Pháp thuộc, một người phụ nữ giàu có trong vùng bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương để tu bổ. Ghi ơn bà, người dân lấy tên bà đặt cho giếng đến ngày nay. Cụ Đường cho biết, vào mùa hè dù có nắng hạn bao nhiêu, giếng Bá Lễ cũng không trơ đáy. “Khi nước lưng chừng, tụi tui múc hết để giếng cạn hẳn. Sau đó, dùng thang và dây thừng lần xuống giếng để vét bùn đất lắng đọng, bỏ muối sống rồi leo lên. Cỡ khoảng 1 ngày thì giếng lại cho nước”, cụ Đường nói.

Người dân trong hẻm 30 Phan Chu Trinh không lạ lẫm gì với hình ảnh một số người tay cầm máy ảnh, máy quay theo gánh nước của cụ Đường. Đôi thùng nước ngày ngày bên giếng cổ Bá Lễ đã được báo chí trong nước và quốc tế nhiều lần nhắc đến. Căn nhà nhỏ hẹp của cụ, nhiều bức ảnh do các nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế lẫn khách du lịch chụp hai vợ chồng treo kín tường. Nhiều người bảo rằng, chính nhờ cụ mà di tích giếng cổ Bá Lễ như được “sống lại” có lẽ không ngoa. Đôi vai chai sần và đôi chân rắn rỏi ấy đã gánh nước giếng Bá Lễ, “gánh” hình ảnh Hội An đi xuyên thế kỷ.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons