Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Cuộc hôn nhân của hai công chúa nổi tiếng nhất thời Trần

  

Hình tượng công chúa An Tư. Ảnh: Viettoon.

Hình tượng công chúa An Tư.

GS Phạm Đức Dương, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, cho biết: Xét theo vai vế, công chúa An Tư chính là bà trẻ của công chúa Huyền Trân. An Tư là con gái út của vua Trần Thái Tông và là em gái của vua Trần Thánh Tông.

Hoa sen tịnh đế

Cuộc đời của An Tư công chúa chỉ được sử Việt chép lại ngắn gọn trong một số tư liệu. Thậm chí, cho đến nay, các nhà nghiên cứu còn chưa tìm ra lời giải về năm sinh, năm mất của nàng.

Theo một số câu chuyện dân gian, công chúa An Tư có tư chất “hoa sen tịnh đế”, hay còn gọi là “tịnh đế liên” (tức một cuống nở hai bông hoa, thể hiện sự quý hiếm thuần khiết).

Giữa thời đất nước đao thương, nét đẹp ấy càng khiến nhiều người ngưỡng mộ và biểu thị ý muốn tôn thờ. Vậy nên dân gian mới ví: “An Tư đẹp nhất trời Nam”, và khẳng định nàng là cô gái đẹp nhất trong những cô gái đẹp.

Trong bối cảnh nước nhà đang phải đối mặt với nạn binh đao, nàng đã từ bỏ thân phận đài các, từ bỏ niềm tự hào là đôi bàn tay như ngọc tạc thành mà dệt thoi, may áo thêu cờ cho tướng sĩ.

Năm 1279, sau khi đánh bại nhà Tống, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, quân Mông Cổ mở cuộc chiến thôn tính với quy mô rộng rầm rộ. Khắp nơi, vó ngựa và chiến thuyền Nguyên Mông tiến lên như vũ bão.

Nhật Bản và Đại Việt, Chiêm Thành đều nằm trong tầm ngắm. Trong đó, Đại Việt được xem là cuộc chiến phục thù của kẻ chinh phục thế giới sau thất bại lần thứ nhất năm 1258.

Con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, thống lĩnh toàn bộ lực lượng viễn chinh. Quân Nguyên Mông nhanh chóng chiếm được Chiêm Thành, tạo gọng kìm bao vây Đại Việt. Trước sức mạnh của giặc, Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng.

Tuy nhiên cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân nhà Trần trên các mặt trận. Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông đánh tới Gia Lâm, vây hãm Thăng Long.

Thế giặc quá mạnh, thư hòa lại không được chấp nhận, chưa bao giờ quân đội nhà Trần cần có thời gian để củng cố lực lượng như lúc này. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải dùng đến kế sách cuối cùng: Đưa An Tư công chúa cho Thoát Hoan để thư nạn cho nước. 

Dấn thân vì nước


Rất ít tư liệu cũng như văn bia nói về kết cục công chúa An Tư.

Trong lúc đất nước gặp cảnh nước sôi lửa bỏng, An Tư công chúa đau đáu nỗi niềm. Nhưng nàng tiếc không thể noi gương cầm gươm xông trận như các anh em của mình. Đại Việt sử ký toàn thư ghi ngắn gọn: “Vua Trần sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy”.

Việt sử tiêu án cũng ghi: “Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa (tức An Tư) cho chúng, để thư nạn cho nước”.

Khi công chúa An Tư được đưa sang doanh trại của Thoát Hoan, quân Nguyên Mông chấp nhận lời cầu hòa của nhà Trần. Đây là khoảng thời gian vàng ngọc để Đại Việt chuẩn bị củng cố lực lượng.

Không có tài liệu chính thống nào ghi chép thêm về cuộc đời và kết cục của An Tư sau khi nàng được tiến cống cho Thoát Hoan. Chỉ có sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc Trắc - một thuộc hạ của Trần Ích Tắc và Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong chép rằng: “Trước Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”.

Khi quân nhà Trần phản công, quân Nguyên Mông đại bại. Sau chiến thắng, triều đình nhà Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Từ đó, không ai rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.

Còn trong tiểu thuyết An Tư công chúa, khi Thoát Hoan tháo chạy về Bắc, quân ta chiến thắng, triều đình mở tiệc khao quân. Tiếc thay người mà công chúa thương yêu là Chiêu Thành Vương đã anh dũng tử trận. Quá đau buồn và cảm thấy mình đã bội thề, An Tư đã quyên sinh nơi bến vắng.

GS Phạm Đức Dương cho rằng, nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Trong chiến công chung đó, người ta ghi nhận sự đóng góp hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.

Vẻ đẹp “hai châu”


Tranh minh họa công chúa Huyền Trân với biểu tượng Chiêm Thành là tháp Chàm.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Nam cho biết, mặc dù công chúa Huyền Trân là nhân vật lịch sử quan trọng, được lịch sử ghi chép khá tỉ mẩn. Tuy nhiên, đến nay vẫn không rõ tên thật, cũng như năm sinh, năm mất. Một số tư liệu không chính thống ghi Huyền Trân công chúa hạ sinh vào năm 1289. Mẹ của nàng có thể là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu hoặc Tuyên Từ hoàng hậu.

Huyền Trân là con gái duy nhất của vua Trần Nhân Tông, nàng lại được sinh ra vào thời điểm đất nước chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba. Chính vì vậy chỉ có thể dùng từ “nâng sợ vỡ ngậm sợ tan” để hình dung sự yêu thương của Trần Nhân Tông đối với con gái.

Dân gian vẫn lưu truyền về sắc đẹp của công chúa Huyền Trân, rằng: Khuôn mặt tú lệ đẹp tựa thiên tiên, mày liễu mắt hạnh, mũi ngọc môi đào, hai gò má trong trắng ửng hồng, mái tóc tựa nước suối đại ngàn buông hai bờ vai thon nhỏ. Sắc đẹp “băng cơ ngọc cốt” của Huyền Trân vượt ra cả Đại Việt, mà người đương thời gọi là sắc đẹp “hai châu”.

Sự việc bắt đầu từ năm Tân Sửu (1301), Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông ngoạn lãm vương quốc Chiêm Thành gần 9 tháng, được vua Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Cảm tấm thịnh tình, trước khi về nước vua Trần Nhân Tông hứa gả Huyền Trân cho Chế Mân.

Nhiều nhà sử học cho rằng, việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân mang động cơ chính trị sâu sắc. Mục đích chính đó là chinh phục hai châu Ô và Rý nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Các tư liệu chép lại cho rằng, công chúa Ngọc Hân rất thông minh nên rất được lòng người thầy phụ đạo là Trần Khắc Chung. Ngày ngày đối mặt với một trang quốc sắc thiên hương, hẳn vị tướng anh võ cũng đã động lòng.

Trần Khắc Chung cũng thường xuyên được Trần Anh Tông sai bảo vệ công chúa lên am Ngọa Vân trên núi Yên Tử để thăm vua cha Trần Nhân Tông. Có thể trong những chuyến đi này, tình ý hai bên mới bắt đầu nảy nở.

Trên con đường theo Chế Mân sang nước Chiêm, công chúa Huyền Trân đã dừng lại ở cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình (thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế ngày nay) để bái vọng tổ tiên.

Sử cũ ghi lại dân chúng quanh vùng xót thương phận hồng nhan vì đất nước nên đổi tên cửa Tư Hiền thành cửa Tư Dung. Nhưng cũng có thể, cái tên Tư Dung là do chính Trần Khắc Chung đặt. Bởi Tư Dung nghĩa là thương nhớ dung nhan, ngụ ý chỉ Huyền Trân công chúa.

Oan tình 700 năm


Đền thờ Huyền Trân công chúa tại Huế.

Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân vào tháng 2/1305. Tháng 5/1307, Chế Mân qua đời. Lúc này, Huyền Trân đang mang thai thái tử mà sau này đặt tên là Chế Đa Đa. Sứ giả nước Chiêm đã cho người sang báo tin về lễ tang cũng như thông báo về việc hoàng hậu của họ (tức Huyền Trân công chúa) sẽ tuẫn táng theo chồng. Trần Anh Tông xót thương em gái nên đã bàn kế sách giải cứu.

Sử cũ chép lại: “Lúc này, võ tướng Trần Khắc Chung đứng ra giữa triều xin lĩnh trọng trách sẽ lên đường vào Nam đưa công chúa hồi quốc. Ông đã xin mang theo 5.000 quân sĩ, lương thảo cùng một số chiến thuyền lớn để vượt biển”.

Rất nhiều câu chuyện đã được thêu dệt lên sau khi Huyền Trân được giải cứu. Trong đó đáng chú ý nhất là việc công chúa đã tư thông với Trần Khắc Chung. Tuy nhiên, qua hơn 700 năm nhiều nghiên cứu lịch sử đã giải nỗi hàm oan cho công chúa.

Trần Khắc Chung tiến vào Chiêm Thành, đã mật báo trước với công chúa kế hoạch giải cứu. Theo đó giàn hỏa thiêu của vua Chế Mân dựng sát bờ biển được cho là ở Thị Nại (Quy Nhơn), và không cho người khác quấy rầy.

Lợi dụng sơ hở, Trần Khắc Chung cùng các tướng lĩnh đã liều mình chiến đấu với quân Chiêm, cướp lấy công chúa và bảo vệ nàng xuống thuyền rồi nhanh chóng ra Bắc. Tháo chạy khỏi Chiêm Thành, đoàn thuyền của Trần Khắc Chung từ Bình Định ra Thăng Hoa, vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) rồi theo đường sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ (Đà Nẵng).

Từ đó, họ đi bằng đường bộ đến Xuân Sơn Hoa Ô, tức làng chài Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam (TP Đà Nẵng bây giờ). Tại đây, đoàn người nán lại để tìm cách vượt Ải Vân ra thành Hóa Châu của Đại Việt. Ngày nay, ở Nam Ô vẫn còn một ngôi miếu cổ thờ vọng công chúa Huyền Trân.


Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Những dấu mốc “hộ khẩu” trong lịch sử Việt Nam

 Hộ khẩu là biện pháp các nhà cai trị phong kiến Trung Quốc đặt ra để kiểm kê số hộ, số dân, phục vụ việc điều hành vĩ mô. Thời còn bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, chúng đã có các biện pháp thống kê nhân khẩu nước ta khá chi tiết.

heo sách “Tiền Hán thư” trong tổng tập sử Trung Quốc, thì thời Hán, hai quận Giao Chỉ - Cửu Chân, tức toàn bộ vùng đồng bằng miền Bắc nước ta cuối thế kỷ thứ nhất đã được thống kê có 912.450 người. Sau này, các triều đại phong kiến Việt Nam  cũng sử dụng các biện pháp thống kê dân số từ rất sớm, tuy nhiên, mục đích ban đầu chủ yếu là để triệu tập binh lính.

Quản lý “đại hoàng nam”

Ngay từ thời Lý, sử sách nước ta để lại cho biết, các vua Lý đã quy định đặt các hạng dân thành đại hoàng nam, tức người từ 18 đến 60 tuổi, là độ tuổi sung sức, có khả năng lao động và tham gia quân đội. Từ 15 đến 18 tuổi, được gọi là tiểu hoàng nam.

“Đại Việt sử ký toàn thư”, “Bản kỷ - Kỷ nhà Lý” chép sự kiện vào đời Vua Lý Thái Tông, năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Đạo năm thứ 2 (1043): “Tháng 2, vua ngự ở điện Thiên Khánh, xuống chiếu cho các quan chức cứ 3 người cùng đảm bảo cho 1 người, nếu có ai chứa giấu đại nam thì 3 người bị tội cả”.

Thời phong kiến, Trung Quốc đã có các biện pháp thống kê nhân khẩu nước ta khá chi tiết. Ảnh: L.G

Việc quản lý đại hoàng nam được các vua triều Lý rất coi trọng. Cũng ngay trong Minh Đạo thứ 2 này, vào tháng 8, Vua Lý Thái Tông lại xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc.

Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 8 (1083) mùa xuân, “Toàn thư” cho biết Vua Lý Thái Tông đích thân thân duyệt các hoàng nam trong nước, định làm 3 bậc khác nhau.

Sang đến đời Vua Lý Nhân Tông, năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 9 (1118), vào tháng Giêng, nhà vua cũng  xuống chiếu chọn hoàng nam trong dân chúng và binh lính.

Để giám sát số lượng hoàng nam, lực lượng sản xuất và bảo vệ chủ yếu của đất nước, Vua Lý Thần Tông vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 5 (1137) xuống chiếu rằng: “Trong ngoài kinh thành, cứ 3 nhà làm 1 bảo, để giám sát các quan chức đô coi triều ban không được đem con mình cho người khác nuôi làm con để nhờ cậy nhà quyền thế. Kẻ nào không có quan ấm mà can phạm thì bắt giữ tâu lên. Người 1 bảo mà không giám sát nhau thì cùng một tội với can phạm”.

Đặc biệt, việc quản lý hộ khẩu, nhân khẩu ở thời Lý cũng đem theo những quyết định rất nhân văn. Như ở thời Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 7 (1146), tháng 8, vua xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội.

Vào cuối triều Lý, vào thời Lý Cao Tông, khi giặc cướp nổi lên như ong, nhà vua “xuống chiếu chọn các đinh nam, người nào khỏe mạnh, sung vào quân ngũ, sai quan các lộ thống quản để bắt giặc cướp”.

Sổ hộ khẩu đi vào sử

Chuyện thống kê hộ khẩu ở nước ta được chính sử ghi chép, có lẽ bắt đầu từ thời nhà Trần. Đó là sự kiện năm Mậu Tý, niên hiệu Kiến Trung năm thứ 4 (1228), đời Vua Trần Thái Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Xác định số đinh tỉnh Thanh Hóa. Lệ cũ, hằng năm vào đầu mùa xuân, xã quan (từ lúc đó đổi là xã trưởng) khai báo nhân khẩu gọi là đơn sổ, rồi căn cứ vào sổ, kê rõ các loại tông thất, văn quan văn giai, võ quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, già yếu, tàn tật, phụ tịch, xiêu tán... Người có quan tước, con cháu được tập ấm mới được ra làm quan, người giàu có khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân đội, đời đời làm lính.

Đến mùa xuân năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), Vua Trần Thái Tông tiến hành một loạt thay đổi hành chính, trong đó có việc chia nước làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã.

Ảnh: L.G

Vua Trần Thái Tông đồng thời cũng cho làm đơn số hộ khẩu. Đây là lần đầu tiên, chữ “hộ khẩu” xuất hiện trong chính sử nước ta. “Toàn thư” giải thích: Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1-2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3-4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.

Theo một số sách lịch sử, địa chí để lại đến nay, thì vào đời Trần, thế kỷ 13, nước ta có 1,9 triệu đại hoàng nam và 2,1 triệu tiểu hoàng nam.

Năm 1285, sau khi chiến thắng cuộc chiến xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên, vào mùa đông, tháng 10, Vua Trần Nhân Tông xuống chiếu “định hộ khẩu trong nước”. “Toàn thư” viết rằng, triều thần can gián vua là dân vừa qua lao khổ của chiến tranh, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Tuy nhiên, Vua Trần Nhân Tông giải thích: "Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét tình trạng hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?". Nghe vua nói thế, quần thần đều khâm phục.

Khi quân Minh xâm lược nước ta vào thế kỷ 15, bộ máy cai trị của chúng tiến hành thống kê dân số của nước ta khá chi tiết. Bộ sử nhà Minh là “Minh sử” cho biết, năm 1408, quân Minh thống kê dân số nước ta, kết quả có 3.120.000 người Kinh và 2.087.500 người các dân tộc thiểu số, mà chúng gọi là người Man.

Phép tuyển duyệt dân số thời Lê

Theo bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do các sử quan triều Nguyễn dựa vào các tài liệu trước đó biên chép, thì vào thời Lê, từ đời Vua Lê Thánh Tông đến thời Lê Thần Tông đều liên tiếp làm sổ hộ, 3 năm một lần tiểu tạo, 6 năm một lần đại tu. Theo cách làm này, triều đình phái quan đi duyệt tuyển dân đinh, hạ lệnh cho các xã thôn kê khai hộ chính đinh và hộ trú ngụ.

Nhà sử học Phan Huy Chú, trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, giải thích về quy chế thời Lê: Dân đinh được chia thành các hạng như sau: Hạng tráng (khỏe mạnh), hạng quân (tham gia quân đội), hạng lão (trên 60 tuổi), hạng cố (người không có sản nghiệp, phải đi làm thuê), hạng cùng (đàn ông không có vợ, đàn bà góa chồng, trẻ mồ côi, người trơ trọi một mình, những người này không nương tựa vào đâu được). Các hạng lão nhiêu, đốc tật, biệt tinh (người được miễn trừ giao dịch) và phiêu lưu thì để ngoài sổ; dân đinh đến tuổi trưởng thành thì biên tên vào sổ; người ngụ cư thì biên vào sổ phụ.

Triều đình nhà Lê quy định mỗi xã phải làm 4 bản sổ đinh; 1 bản dâng lên triều đình, 1 bản nộp Bộ Hộ, 1 bản đệ ti Thừa chính ở trấn và 1 bản để nộp ở huyện. Phàm những việc đánh thuế, tuyển lính đều căn cứ vào sổ này mà thực hiện. Đến những năm niên hiệu Cảnh Trị (thời Vua Lê Huyền Tông), triều đình thấy việc duyệt tuyển phiền phức, có ý chán nản, mới sai các quan chia nhau đi khám thực, thông tính nhân đinh điền sản các xã rồi liệu lượng quân bổ suất số, lập làm phép “bình lệ”, từ sau người sinh ra không tính, người chết đi không trừ.

Tháng 5-1773, chúa Trịnh Sâm hạ lệnh các đại thần bàn định phép làm sổ. Chúa nói với triều thần: “Nhà nước lúc bắt đầu trung hưng, chiếu theo phép cũ, 3 năm một lần làm sổ hộ; năm Cảnh Trị, mới lập ra phép bình lệ không tính số đinh tăng lên hay sút đi, phép ấy thi hành hơn 50 năm, phần nhiều sai suyễn; năm Bảo Thái (đời Vua Lê Dụ Tông) tiếp tục làm sổ cũng chỉ dựa theo ngạch cũ, rồi sau không kế tiếp sửa lại, đến nay lại đã hơn 50 năm rồi. Bây giờ nên cân nhắc phép đời trước, châm chước việc ngày nay, tham khảo mọi mặt định thành điều lệ, xét thực số nhân đinh, sửa đổi lại sổ hộ, cho phép dân được tự liệu lượng nhân khẩu mà chịu số hộ, để cho đủ ngạch trong sổ”.

Sau đó, chúa giao cho Bồi tụng Lê Quý Đôn phụ trách việc thống kê. Tuy nhiên, bộ “Cương mục”, viết: “Quý Đôn kê cứu tra xét quá nghiêm khắc, nhân dân đều nghiến răng căm hờn, họ làm thư nặc danh dán ở cửa phủ chúa Trịnh xin bãi bỏ Quý Đôn đi mà dùng Hoàng Ngũ Phúc, lời lẽ trong thư rất là tha thiết. Do đó, chúa Trịnh Sâm thay đổi mệnh lệnh, cho Ngũ Phúc cùng Quý Đôn đều giữ công việc đôn đốc làm sổ. Ngũ Phúc xin thi hành theo điều lệ đời Cảnh Trị, đại để có nơi tăng, có nơi giảm, có nơi bình bổ vẫn như cũ. Số dân đinh hơi kém với ngạch đinh năm Bảo Thái, dân cũng cho là thuận tiện”.

Sang đến thời nhà Nguyễn, việc thống kê hộ khẩu đã được ghi chép chu đáo. Theo bộ quốc sử “Đại Nam thực lục, chính biên” của triều Nguyễn, số đinh năm Minh Mạng thứ nhất (1820) là 620.240 người. Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), dân số nước ta là 719.510 người có trong sổ hộ khẩu, so với năm Gia Long thứ 18 (1819), đã tăng thêm 106.589 người.

Thống kê của Bộ Binh, cuối thời Vua Minh Mạng, toàn bộ lực lượng quân đội và quan lại của triều đình là 204.220 người. 

Nhị vị Thành hoàng làng Đình Phú Khê

 Nhị vị Thành hoàng làng Đình Phú Khê

 Về xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) hôm nay, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện thú vị về nhị vị Thành hoàng làng, gắn với ngôi đình cổ làng Phú Khê. Tương truyền rằng thời bấy giờ có người đàn ông họ Chu ở Quảng Đức (Trung Hoa) lấy vợ cùng quê người họ Hoàng. Nhà ông Chu của cải giàu có, làm nghề buôn bán đi lại bằng thuyền bè. Vợ chồng ông lấy nhau được khoảng 4 năm thì vợ ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Vào năm đó khi ông đã ngoài 30 tuổi, vận nước Trung Hoa lúc này ngập chìm trong cảnh đao binh khói lửa... Người họ Chu đã phải tìm đường sang nước Nam nương thân nơi đất khách quê người. Đến vùng đất Sơn Nam, ông thấy nơi đây đất đai màu mỡ, liền bỏ tiền ra mua lại để làm ăn sinh sống và “tối lửa tắt đèn” bên người dân bản ấp.  

Đình Phú Khêvà câu chuyện về nhị vị Thành hoàng làng

Cổng tam quan đình Phú Khê (xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa)

Như duyên trời định sẵn, một năm sau ông đem lòng yêu và kết duyên cùng người con gái họ Phạm tên Khoan. Hai người sống với nhau hạnh phúc và được người dân nơi đây yêu mến vì đức tính nhân hậu. Không biết bao nhiêu mùa hoa đào đã nở, tóc đã điểm bạc pha sương, căn nhà càng ngày càng rộng ra nhưng vẫn thiếu tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ. Ông bà cũng đã đi khắp các chùa để cầu tự nhưng vẫn chưa có duyên.

Biết tin ở Phú Trừng Trang (nay là làng Phú Khê) có ngôi chùa Bảo Phúc linh thiêng, ông đã khăn gói lên đường tu tiết lễ nghi để cầu phúc đức. Đặt chân đến nơi đây, ông thấy có cảm giác lâng lâng khó tả và một niềm tin mãnh liệt. Ông đã hiến toàn bộ số tiền mang theo, cùng người dân nơi đây làm việc phúc đức của làng. Người dân nơi đây đón nhận tấm lòng của ông và xem ông như người con của quê hương. Sau đó ông trở lại quê hương, nơi có người vợ yêu dấu đang mong chờ, ông thấy lòng mình rất vui. Từ đó hai vợ chồng ông đều luôn hướng về chùa Bảo Phúc.

Hai năm sau vào một đêm trăng thanh, gió mát, bà Khoan nằm tựa cửa và ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, bà thấy có hai vị thiên sứ hiện ra đỡ bà lên mây rồi biến mất. Bà thấy mình đang ở một nơi rất xa lạ, có cỏ cây hoa lá tốt tươi, có tiếng chim hót, có tiếng suối reo, bên cạnh bà đứng có một vườn cây trái chín mọng khác lạ. Bà đã giơ tay hái và ăn thử, bỗng nhiên cơn khát dày vò, bà giật mình tỉnh giấc biết là trong mộng. Sau đó 3 tháng, bà thấy trong người khác lạ rồi mang thai. Bà đem câu chuyện giấc mơ kể cho chồng nghe, người họ Chu vui mừng khôn xiết, ông cho rằng lời thỉnh cầu của ông đã động đến gió mây.

Vào một buổi sáng đẹp trời, giữa tiết xuân ấm áp bỗng bừng sáng muôn tia nắng ban mai, hoa đua nở lung linh trước gió. Sau 10 tháng cả dạ, bà Khoan sinh ra một cái bọc có 2 người con trai khôi ngô tuấn tú. Khoảng 2 năm sau, không quên những tháng ngày rong ruổi các chùa đi cầu tự, người họ Chu đã trở lại Phú Trừng Trang nơi có chùa Bảo Phúc linh thiêng để tạ ơn trời phật. Với những đặc ân cao quý của đất trời, lòng từ bi của Đức Phật ban cho, hai người con của nhà họ Chu mới 7 tuổi mà thông minh khác lạ người thường. Nhân dịp này nhà họ Chu mới đặt tên cho người con cả là Chu Minh, người con thứ 2 là Chu Tuấn.

Bao giờ cũng vậy ưu phiền thường đến sau niềm vui, như những chiếc lá trên cành lay lắt, năm đặt tên cho con cũng là năm bà Khoan lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà đã an nghỉ tại vùng đất Sơn Nam nơi quê hương của bà. Từ đó người chồng luôn thương nhớ vợ và dồn hết tình thương yêu, tình phụ tử để chăm sóc hai con.

Năm tháng trôi qua, Chu Minh và Chu Tuấn càng lớn càng thông minh, tài trí hơn người. Năm 13 tuổi, người cha dẫn hai con xuôi theo đường thủy về phương Nam thăm lại chùa Bảo Phúc. Chiếc thuyền vừa cập bến gần Phú Trừng Trang, đột nhiên giữa mùa hạ mà nước dâng lên quá cao chồng chềnh làm cho con thuyền bị đắm. Hai người con bị chìm mất tích, người cha may mắn nhờ những cơn sóng thủy triều dâng lên đã đánh dạt ông vào bờ và thoát nạn. Đứng trên bờ, ông nhìn những con sóng mà lòng đau quặn thắt, khi không thấy hai người con đâu nữa.

Ba ngày sau dân làng nhìn thấy phía xa xa có hai người đàn ông nổi lên mặt nước, dáng ngồi giống Đức Phật bồng bềnh trên mặt nước theo thủy triều từ từ tiến về Phú Trừng Trang, đột nhiên đến chùa Bảo Phúc thì dừng lại. Khi nước rút, dân làng đến nơi thì mối đắp thành hai ngôi mộ. Thấy kỳ lạ, dân làng đã cùng nhau tu lễ và lập lăng ngay tại đó.

Ba tháng sau người họ Chu quay trở lại và được nghe người dân nơi đây kể lại, người cha vô cùng cảm ơn dân làng, giơ hai tay vái lạy tạ ơn và nói rằng: “Tôi chỉ có tấm thân này gửi gắm nơi bản ấp, biết bao giờ mới trả hết ơn nghĩa”. Nói xong, ông từ từ tiến ra sông lớn và tự vẫn. Nơi ông hóa đã nổi lên một cái ụ như nấm mộ và dân làng để nguyên không dám di dời.

Năm 1039, thời nhà Lý (Vua Lý Thái tông) phía Nam nước Đại Việt có quân giặc Ai Lao quấy nhiễu, tướng sĩ triều đình đã nhiều lần ra trận nhưng vẫn không phân thua thắng bại. Nhà vua phải thân chinh ra trận, tiến quân đến đạo Thanh Hoa, phủ Hà Trung, nghe nơi Phú Trừng Trang người đông, đất rộng có thể chiêu binh, vua liền tiến về nơi đấy để dựng trại. Ngay đêm hôm ấy, trong giấc ngủ nhà vua bỗng nhìn thấy có hai chàng trai khôi ngô, tuấn tú hiện ra chắp tay vái lạy nhà vua mà tâu rằng: “Chúng tôi là những người con họ Chu đến từ phương Bắc, lưu lạc sang nước Nam, sau một chuyến đi thăm thú làm ăn, đã gặp nạn và trôi dạt vào đây, được người dân bản ấp lo cho giấc ngủ ngàn thu, nay thấy người ra trận, chúng tôi nguyện âm phù dương trợ, mong nhà vua sớm khải hoàn trở về...”. Nghe chưa dứt câu thì nhà vua tỉnh giấc và biết đây là điều linh thiêng báo ứng.

Ngay hôm sau, nhà vua triệu tập các bô lão trong làng đến để vấn an và lệnh cho dân làng sắm sanh lễ nghi, lập đàn cúng tế trước khi ra trận. Trong một cuộc giao đấu, nhà vua chưa biết xử lý như thế nào thì bỗng đâu từ phía Phú Trừng Trang nổi mây đen giông gió tụ về phía quân giặc, làm cho quân giặc tan tác hoảng loạn, thừa cơ quân ta tiến đánh, đã thu lại toàn bộ đất đai.

Nhà vua thắng trận trở về không quên làm lễ tạ, sửa sang dựng tòa lăng miếu và đèn nhang. Nhà vua đã cấp cho dân bản một số quan tiền để đèn hương thờ cúng, phong tặng chữ khen “Tốt đẹp vậy thay” và phong sắc cho hai vị thần là Đại Vương, chuẩn cho Thanh Hoa đạo, Hà Trung phủ, Phú Trừng Trang nhà nhà đèn hương làm chính lễ để thờ phụng. Chuẩn cho 3 năm miễn binh lương (các ngày sinh nhật, húy nhật, khánh nhật đều cỗ bàn tế lễ và xướng ca trò vui).

Vào giữa thế kỷ XIX dưới triều Tự Đức, làng Phú Khê đã dựng lại ngôi đình trên nền thiêng đất cũ và từ đó đến nay Nhân dân thường xuyên chăm lo bảo vệ. Ngôi đình được thiết kế theo kiểu chữ Nhị, gồm 2 tòa đại bái và hậu cung. Hiện nay trong đình còn lưu giữ nhiều di vật quý có niên đại trải dài vài thế kỷ như: câu đối, hoành phi, long ngai, bài vị... Đặc biệt là 2 long ngai cao 1,2m biểu tượng quyền lực của hai vị thần được thờ trong hậu cung và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến xưa.

Đình Phú Khê được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, bốn bờ chái trang trí hình hoa lá cách điệu hoặc tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Trên nóc đình là rồng chầu mặt nguyệt. Phía trước đình có bức bình phong, cửa tam quan, gác chuông, ngoài cùng là hai cột trụ. Hình ảnh con rồng với những nét chạm khắc tinh tế, biểu tượng cho ước vọng về một cuộc sống thanh bình, no đủ, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Cột đình được làm bằng gỗ nguyên cây, không có cột nối, không sơn vẽ và được liên kết với nhau bằng các kèo lẻ, con rường hoặc kết hợp của hai loại liên kết trên (thượng rường - hạ kẻ). Trong đình đặt một chiếc trống lớn. Cổng đình còn lưu giữ được nhiều câu đối cổ.

Nhờ những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật còn được lưu giữ nơi đây, đình Phú Khê đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Từ đó đến nay với sự quan tâm của các cấp và lòng hảo tâm của toàn thể Nhân dân làng Phú Khê, con em xa quê luôn hướng về quê hương và khách thập phương xa gần đã cung tiến tu bổ xây dựng, sửa sang khang trang, đẹp đẽ. Hằng năm, vào ngày 16-2 đến 20-2 và 22-4 đến 23-4 âm lịch, Nhân dân làng Phú Khê lại tổ chức lễ hội kính dâng lễ vật lên nhị vị Thành hoàng làng để tỏ lòng thành kính biết ơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an, mọi nhà, mọi người bình an, hạnh phúc.

Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão & quan niệm về con người

  

Hình ảnh minh họa lúc Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt và gặp đoàn quân của Hưng Đạo Đại vương.Hình ảnh minh họa lúc Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt và gặp đoàn quân của Hưng Đạo Đại vương.

Sức hấp dẫn của bài thơ không chỉ ở tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại khi thể hiện vẻ đẹp hào khí Đông A, mà còn bởi tính triết lý, khái quát cao. Đến với bài thơ, bạn đọc còn hiểu thêm những quan niệm sâu sắc về con người trong văn học phương Đông.

Ra đời ở thời Trần và Hồ, văn học Việt Nam phản ánh rõ nét “hào khí Đông A”. Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão là một bài thơ như thế. Phạm Ngũ Lão (1252 - 1320) - người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên, là con rể của Trần Hưng Đạo, được giữ đội quân hữu vệ. Ông có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, từng được gọi là người văn võ toàn tài. Dựa vào văn bản thơ, có thể nhận ra bài thơ được Phạm Ngũ Lão sáng tác trong không khí quyết chiến, quyết thắng của đời Trần khi giặc Nguyên - Mông xâm lược.

Thuật hoài (Tỏ lòng)  của Phạm Ngũ Lão 

Phiên Âm:

Hoành sóc giang san kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,

Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.

Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,

Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

Dịch thơ:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,

Ba quân hùng khí át sao Ngưu.

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Trần Trọng Kim dịch)

Nổi lên trong bài thơ là chân dung con người Việt Nam thế kỉ XIII. Đó vừa là con người vũ trụ, con người cộng đồng, vừa là con người hữu tâm. Nói cách khác, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão là bài thơ tiêu biểu thể hiện rõ nét quan niệm về con người trong văn học Phương Đông. Và có lẽ bài thơ hấp dẫn chúng ta là ở chỗ đó.

Thuật hoài là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, chia thành hai phần khá rõ: Ở hai câu đầu là hình tượng con người và hình tượng quân đội thời Trần, hai câu sau là “nỗi lòng” của tác giả.

1.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh tráng lệ với âm hưởng hào hùng, sảng khoái:

Hoành sóc giang san kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Hai câu thơ có hai hình ảnh: Hình ảnh tráng sĩ (con người thời Trần) và hình ảnh ba quân (quân đội thời Trần, thời đại, dân tộc). Tráng sĩ hiện lên trong hành động cắp ngang ngọn giáo với mục đích gìn giữ non sông đã mấy thu rồi. Các bản dịch thơ dịch “hoành sóc” bằng “múa giáo”. Theo tôi, cách dịch như vậy là hay nhưng chưa có sức âm vang. “Múa giáo” thể hiện sự điêu luyện, bền bỉ, dẻo dai nhưng thiếu đi độ cứng rắn, mạnh mẽ. “Cầm ngang ngọn giáo” khắc họa được tư thế hiên ngang, lẫm liệt, vững chãi của người trai thời Trần. Câu thơ nguyên tác dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ đất nước. Đó chính là dáng đứng của con người Việt Nam đời Trần.

Nếu câu thơ đầu thể hiện vẻ đẹp của con người với tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kì vĩ thì câu thơ thứ hai tô đậm hình ảnh “ba quân” tượng trưng cho sức mạnh dân tộc.

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

“Tam quân” là chỉ quân đội, dân tộc; “Ngưu” có hai nghĩa: Là sao Ngưu, là trâu. Hình ảnh ba quân trong tư thế xông lên giết giặc với khí thế bừng bừng. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hóa sức mạnh vật chất vừa hướng tới sự khái quát hóa sức mạnh tinh thần của “hào khí Đông A”. Câu thơ gây ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn.

Tác giả Trần Trọng Kim dịch là “Ba quân hùng khí át sao Ngưu”, còn Bùi Văn Nguyên dịch “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Tôi thích cách dịch của Trần Trọng Kim, bởi lẽ dịch “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” nói được sức mạnh, khí thế dũng mãnh “Sát Thát” của quân đội, sẵn sàng lăn xả vào bọn giặc dữ một khi chúng ồ ạt tràn tới... nhưng chưa nói được tầm vóc. Hơn nữa dịch “át sao Ngưu”... câu thơ có lẽ giàu hình ảnh, gợi cảm hơn, kết hợp với câu thơ thứ nhất mở ra cả một không gian rộng lớn, vì thế ý  thơ cũng giàu sức khái quát hơn.

Hai câu thơ nhỏ mà mang hai hình ảnh lớn: Hình ảnh một tráng sĩ cắp ngang ngọn giáo đi cứu nước ròng rã bao năm mà chưa hề mảy may mệt mỏi; hình ảnh “ba quân” xông lên giết giặc bừng bừng hùng khí át cả sao Ngưu, nghĩa là át cả trời cao. Bút pháp miêu tả, so sánh, phóng đại, phép đối hài hòa, giọng thơ hào hùng, sôi nổi tạo ra cách nói hấp dẫn và ấn tượng.

Hình ảnh tráng sĩ còn có tính chất cụ thể ít nhiều, hình ảnh ba quân thì rõ ràng là chỉ là từ ấn tượng, từ cảm hứng chủ quan, dĩ nhiên là rất mãnh liệt và sảng khoái. “Ở đây chủ quan mà lại chân thực, chân thực của ấn tượng chứ không phải chân thực của thị giác. Chân thực ở cái hồn của sự việc chứ không phải ở cái sự việc cụ thể. Xét cho cùng, chính đó là cái chân thực của thời đại, của đất nước” (Nguyễn Đình Chú).

Nếu cái tư thế của tráng sĩ với hình ảnh cây trường giáo như đo bằng chiều ngang của non sông thì tư thế của ba quân lớn mạnh đo bằng chiều dọc. Nghĩa là không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông và mở theo chiều cao đến tận sao Ngưu thăm thẳm. Con người kì vĩ như át cả không gian bao la trong một bối cảnh không - thời gian kì vĩ. Hình ảnh tráng sĩ lồng vào trong hình ảnh dân tộc thật đẹp có tính chất sử thi, hoành tráng. Đó chính là sức mạnh, âm vang của thời đại, vẻ đẹp của người trai thời Trần. Đó chính là sản phẩm của “hào khí Đông A”. Nói cách khác, đó là hình ảnh con người vũ trụ, mang tầm vóc lớn lao.

Con người mang tầm vóc vũ trụ này vì ai mà xông pha, quyết chiến...? Tất cả xuất phát từ trách nhiệm, ý thức dân tộc và nền thái bình đất nước... Vì thế con người vũ trụ gắn với con người trách nhiệm, con người ý thức, bổn phận, con người hành động, đó chính là những biểu hiện của con người cộng đồng, con người xả thân vì đất nước. Điều đặc biệt ở đây là, khác với văn học Trung Quốc hay Ấn Độ, con người vũ trụ, con người cộng đồng trong văn học Việt Nam nói chung và Thuật hoài nói riêng gắn với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gắn với thời đại và đất nước.

Đền Ủng - nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ảnh minh họa

2.

Nếu ở hai câu đầu giọng điệu sôi nổi hùng tráng thì đến đây âm hưởng thơ bỗng dưng như một nốt trầm lắng lại. Điều đó rất phù hợp với lời bộc bạch, tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của nhà thơ. Nói cách khác âm hưởng thơ góp phần thể hiện nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão.

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).

Vẻ đẹp của người trai thời Trần không chỉ thể hiện ở cái tư thế, khí phách, tầm vóc, sức mạnh, mà còn thể hiện ở cái chí, cái tâm của người tráng sĩ. Cái chí, cái tâm ấy gắn liền với quan niệm chí làm trai.

Theo Phạm Ngũ Lão chí làm trai phải gắn liền với hai chữ công danh. Chí làm trai này mang tinh thần, tư tưởng tích cực, gắn với ý thức trách nhiệm, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm cho đời). Chí làm trai đó được coi là món nợ đời phải trả. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước. Quan niệm lập công danh đã trở thành lí tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến. Sau này Nguyễn Công Trứ cũng khẳng định:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Đặt trong thời đại của Phạm Ngũ Lão, chí làm trai này đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp lớn lao “cùng trời đất muôn đời bất hủ”. Phạm Ngũ Lão cũng từ cái chí, cái nợ nam nhi, nam tử đó mà cùng dân tộc chiến đấu chống xâm lược bền bỉ, ròng rã bao năm. Đặc biệt ở đây cũng từ cái chí, cái nợ đó mà nảy sinh trong tâm trạng một nỗi thẹn. Nói cách khác cái tâm thể hiện qua nỗi thẹn...

Phạm Ngũ Lão “thẹn” chưa có tài mưu lược lớn như  Vũ hầu Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước. Thẹn bởi vì so với cha ông mình chưa có gì đáng nói. Gia Cát Lượng là quân sư của Lưu Bị, mưu trí tuyệt vời, song điểm làm cho Gia Cát Lượng nổi tiếng là lòng tuyệt đối trung thành với chủ. Vì thế “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu” thực chất là một lời thề suốt đời tận tụy với chủ tướng Trần Hưng Đạo, “thẹn” còn được hiểu là cách nói thể hiện khát vọng, hoài bão muốn sánh với Vũ hầu.

Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn. Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu vịnh” từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới Đào Tiềm - một danh sĩ cao khiết đời Tấn. Đó là nỗi thẹn của người có nhân cách. Trong bài Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão thẹn là vì chưa trả xong nợ nước. Đó là nỗi thẹn có giá trị nhân cách. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người trở nên nhỏ bé mà trái lại nâng cao phẩm giá con người.

Đó là cái thẹn của một con người có lý tưởng, hoài bão vừa lớn lao, vừa khiêm nhường. Nỗi thẹn của một con người luôn dành trọn cái tâm cho đất nước, cho cộng đồng. Như vậy, Phạm Ngũ Lão vừa đề cao cái chí, vừa đề cao cái tâm của con người Việt Nam đời Trần. Đó chính là con người hữu tâm trong thơ ca Trung đại Việt Nam.

Bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được quan niệm về con người trong văn học phương Đông. Hình ảnh tráng sĩ - con người Việt Nam đời Trần vừa mang tầm vóc vũ trụ , vừa có ý thức, trách nhiệm cộng đồng, vừa lắng sâu một nỗi lòng cao cả. Nói cách khác 3 kiểu con người:

Con người vũ trụ, con người cộng đồng và con người hữu tâm đồng hiện, hài hòa. Chính ý thức trách nhiệm với đất nước (con người cộng đồng) nên sẵn sàng xông pha cứu nước với tư thế và tầm vóc lớn lao (con người vũ trụ) và luôn biết nghĩ suy, khát vọng (con người hữu tâm)... Dáng đứng Việt Nam, con người Việt Nam đời Trần quả là cao đẹp! 

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và bảo vật gần 400 năm

  

Nghệ thuật điêu khắc chân dung hậu Phật thể hiện rõ trong các chi tiết chân dung.

Nghệ thuật điêu khắc chân dung hậu Phật thể hiện rõ trong các chi tiết chân dung.

Dù đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2013, nhưng ít người biết đến pho tượng cũng như một Hoàng Thái hậu lừng lẫy học thuật và nhân đức trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Bảo vật gần 400 năm

Theo tư liệu từ Cục Di sản văn hóa – Bộ VH-TT&DL, khi xưa pho tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được thờ tại chùa Mật Sơn hay còn gọi là Đại Bi tự ở Thanh Hóa.

Theo các tư liệu văn bia, năm 1619, Hoàng tử Lê Duy Kỳ được lập làm vua, lấy hiệu là Lê Thần Tông. Trong một lần về xứ Thanh, ngưỡng mộ cảnh đẹp vùng núi Kỳ Lân, ông đã sai dựng một ngôi chùa cạnh núi và đặt tên chùa là Đại Bi để thờ Phật, thờ mình cùng 6 bà phi.

Tuy nhiên, cũng có tư liệu nói rằng, chùa do vua Lê Huyền Tông cho dựng để thờ vua cha, Hoàng Thái hậu cùng các phi tần của cha. Mỗi pho tượng thể hiện một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi người đúng theo y phục dân tộc.

Năm 1959, 6 pho tượng được rước về đền Nhà Lê - cách chùa Mật Sơn khoảng 1km. Năm 1992, tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày và nghiên cứu, vì đây là pho tượng đặc sắc nhất về nghệ thuật điêu khắc thời Lê - Trịnh.

Tư liệu di sản cho biết, pho tượng có chiều cao 111cm, khuôn mặt 19cm, ngang vai 43cm, ngang 2 đầu gối 67cm, dày thân tượng 45cm. Pho tượng nguyên vẹn với màu sắc và nước sơn nguyên bản từ thế kỷ 17.

Pho tượng được tạc nguyên khối bằng gỗ mít phủ sơn son thếp vàng, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo rõ nét. Tượng mô tả hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong tư thế chân xếp bằng, một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực.

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc vương miện được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều lớp khác nhau: Vành ôm sát đầu chạm vân xoắn, vành thứ hai chạm các cụm sen, vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa.

Phía trước trán, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong có tượng A-di-đà ngồi tọa thiền. Bên trong vành mũ chạm lối vấn tóc cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng chạm rất cầu kì. Từ dưới mũ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

Trang phục của pho tượng là loại triều phục cầu kì nhất, với 3 lớp áo trong và một áo Vân Kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng Vân Kiên này được đánh giá là một trong những tấm áo được chạm đẹp nhất với mô típ lưỡng long trước ngực. Áo phía dưới có 3 lớp đính ngọc châu, cổ đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống đùi.

Điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt của bà Trịnh Thị Ngọc Trúc tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn.

Cho đến nay chưa có tư liệu nào xác định cụ thể năm tạc tượng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phỏng đoán pho tượng được tạc ngay khi bà Ngọc Trúc còn sống. Hoặc muộn lắm là vào thời điểm năm 1660 – khi bà vừa qua đời. Như vậy, cho đến nay, pho tượng đã được gần 400 năm.


Pho tượng chân dung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.


Hoàng Thái hậu nhân đức, thông tuệ

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc  là ai ?

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660) là con gái Thanh đô vương Trịnh Tráng. Bà dành thời gian miệt mài vào việc bút nghiên, nên việc hôn nhân đến với bà hơi muộn. Chồng bà là Quận công Lê Trụ thuộc dòng hoàng tộc Lê triều. Sau vì phạm tội bị giam ngục rồi mất.

Đến năm bà 36 tuổi, chúa Trịnh Tráng lại gả bà cho vua Lê Thần Tông. Bà được tấn phong làm Hoàng hậu, xưng danh Hoàng hậu Diệu Viên. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, khi Lê Thần Tông lấy bà Ngọc Trúc, cả triều đình đều can thì ông gạt đi và nói: “Đã trót rồi, lấy gượng vậy”. Bà không có người con nào với Thần Tông, chỉ có người con gái với Quận công Lê Trụ là Lê Thị Ngọc Duyên, được ban phong hiệu Công chúa.

Đương thời, bà là bạn với danh sĩ Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam. Tư liệu còn chép rằng, hai bà thường cùng bàn luận về thơ văn, Phật pháp trong khắp các chùa chiền vùng Kinh Bắc lúc bấy giờ.

Thời điểm chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) khuyến hóa thập phương trùng tu tôn tạo, bà Trịnh Thị Ngọc Trúc đã đóng góp công đức rất nhiều. Hưởng ứng việc làm với bà, cả nhà vua và công chúa cũng hiến ruộng (tư điền) vào chùa làm công quả.

Năm 1643, vua Lê Thần Tông nhường ngôi vua cho Lê Chân Tông (tức Lê Duy Hựu). Vua Chân Tông phong bà Ngọc Trúc là Hoàng Thái hậu, dù không đẻ ra vua. Sau, bà Hoàng Thái hậu cùng Công chúa đến tu và ở hẳn chùa Bút Tháp. Năm 1660, bà mất tại đây.

Linh mục Alexandre de Rodes từng viết về bà Trịnh Thị Ngọc Trúc: “Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Catêrina vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần, cũng như sang trọng về dòng họ”.

Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ giỏi thơ phú, bà là người biên soạn cuốn Từ điển Hán - Nôm “Chí Nam Ngọc Âm giải nghĩa” - bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này được diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài 3.000 câu với 24 nghìn chữ, chia làm 40 chương về thiên văn, địa lý, nhân luận, nhạc cụ, điển lễ…

truyền thuyết tiên nữ bê đĩa đào

 
Tiên nữ bê đĩa đào là ai?

Những chiếc đĩa sứ với hình cô tiên bê đĩa đào hẳn đã là một phần tuổi thơ của rất nhiều người. Nhưng nhân vật này là ai? Tại sao lại được in hình trên đĩa.

Hẳn trong các gia đình đều từng có hoặc đang có ít nhất một chiếc đĩa sứ với hình ảnh cô tiên bê đĩa đào. Không ít người cho rằng đây chỉ là hình ảnh trang trí thông thường trên đĩa. Tuy nhiên, hóa ra sau cô tiên này lại là cả câu truyện dài.

Tiên nữ bê đĩa đào là ai? Truyền thuyết gắn liền với chiếc đĩa sứ cô tiên nhà nào cũng có - Ảnh 1.

Hình ảnh chiếc đĩa sứ cô tiên huyền thoại.

Cô tiên trên đĩa được gọi là Ma Cô tiên nữ, được người Trung Hoa xem như đại diện cho tuổi thọ. Truyền thuyết kể rằng vị tiên nữ này liên quan đến câu nó quen thuộc "bãi bể nương dâu" hay "thương hải tang điền" thường đi vào thơ văn. Câu chuyện về Ma Cô tiên nữ được ghi chép trong Thần tiên truyện của Cát Hồng.

Tiên nữ bê đĩa đào là ai? Truyền thuyết gắn liền với chiếc đĩa sứ cô tiên nhà nào cũng có - Ảnh 2.

Bức tranh "Ma Cô hiến thọ đồ" thường được in trên gốm sứ.

Vào thời Đông Hán, có người tên Tế Thái, nhờ dốc lòng tu tập mà đắc đạo thành tiên. Thuở chưa phi thăng, một hôm Tế Thái đón tiếp một tiên nhân có tên Vương Phương Bình. Tiên nhân này đi cùng với một tiên nữ có tên Ma Cô. Ba người cùng gặp gỡ và đàm đạo. Khi đang trò chuyện với Vương Phương Bình, Ma Cô nói: "Từ lần gặp trước đến nay, ta đã ba lần thấy biển Đông hóa thành ruộng dâu".

Tiên nữ bê đĩa đào là ai? Truyền thuyết gắn liền với chiếc đĩa sứ cô tiên nhà nào cũng có - Ảnh 3.

Ma Cô tiên nữ là hình ảnh trang trí đĩa được ưa chuộng nhất.

Phải mất cả trăm năm đến hàng vạn năm thì biển cả mới bị bồi lấp hóa thành đất đai canh tác mà trồng được dâu tằm. Lại mất thêm hàng trăm, hàng vạn năm nữa nường dâu mới bị nhấn chìm xuống biển. Vậy mà Ma Cô tiên nữ có dung mạo chỉ 18 – 19 tuổi lại có thể thấy được những ba lần biến hóa như thế. Có thể thấy rằng Ma Cô đã sống được rất lâu rồi.

Người đời sau này dựa vào tích truyện mà suy tụng Ma Cô trở thành vị thọ tiên. Câu nói "thương hải tang điền" (biển hóa nương dâu) được dùng để chỉ một khoảng thời gian dài, nhiều biến cố và xuất hiện nhiều trong thơ văn.

Tiên nữ bê đĩa đào là ai? Truyền thuyết gắn liền với chiếc đĩa sứ cô tiên nhà nào cũng có - Ảnh 4.

Chiếc đĩa quen thuộc với những người hay đi ăn hàng.

Theo quan niệm của người Trung Hoa, mỗi năm cứ vào ngày 3 tháng 3, Ma Cô tiên nữ sẽ đến dâng lễ mừng thọ Tây Vương Mẫu. Vì thế, từ đời nhà Thanh, người ta đã vẽ hình Ma Cô bê đĩa đào làm hình trang trí gốm sứ. Bức vẽ này được gọi là "Ma Cô hiến thọ đồ. Trong đó, vị tiên nữ sẽ có dáng vẻ duyên dáng, mặc quần áo lộng lẫy xinh đẹp, chân cưỡi mây, dắt chim hạc hoặc cưỡi trên lưng con nai. Nét mặt tiên nữ hoan hỉ,bàn tay búp sen bưng đào tiên hoặc rượu chúc thọ.

Tiên nữ bê đĩa đào là ai? Truyền thuyết gắn liền với chiếc đĩa sứ cô tiên nhà nào cũng có - Ảnh 5.

Mẫu vẽ khác thường được người Hoa ưa thích.

Trong lịch sử, "Ma Cô hiến thọ đồ: được sử dụng trang trí đầu tiên vào thời Khang Hy nhà Thanh. Sau đó bức vẽ dần phổ biến. Từ đó về sau, Ma Cô hiến thọ đồ cũng được sử dụng rộng rãi trên các đồ sứ, nhiều nhất là trên ấm, chén đĩa. Đi cùng với hình vẽ thường có thêm dòng chữ 麻姑献寿 – Ma Cô hiến thọ.

Vậy là chiếc đĩa cô tiên gắn liền với tuổi thơ dữ dội của nhiều người ẩn chứa cả một câu chuyện về Ma Cô tiên nữ. Bí mật khó hiểu nhất về chiếc đĩa dùng đựng đồ ăn trong nhà cuối cùng cũng đã được giải đáp.

Chuyện tình cay đắng của 'bà tổ' cải lương Phùng Há với Bạch công tử

 Bạch công tử cùng nghệ sĩ Phùng Há dựng nên gánh hát lớn, đóng góp nhiều cho sân khấu cải lương; tuy nhiên họ chỉ gắn bó với nhau 7 năm rồi rời xa trong cay đắng.

NSND Phùng Há (30/4/1911 – 5/7/2009), tên thật Trương Phụng Hảo, là người Việt gốc Hoa. Bà đến với nghệ thuật cải lương khi 13 tuổi và có nhiều đóng góp cho bộ môn này. Giới nghiên cứu coi bà là một trong những vị tổ của bộ bôn cải lương Việt Nam, cùng với nghệ sĩ Bảy Nam.

Chuyện tình cay đắng của 'bà tổ' cải lương Phùng Há với Bạch công tử - 1

NSND Phùng Há - một trong những "bà tổ" của bộ môn cải lương.

Thành công trong sự nghiệp nhưng đường tình duyên của NSND Phùng Há lại nhiều đắng cay và nước mắt. Bà kết hôn lần đầu với Tư Chơi, cũng là nghệ sĩ cải lương. Cuộc hôn nhân chỉ này chỉ kéo dài 2 năm. Khi ly hôn, Phùng Há đang mang bầu con gái đầu lòng. Con ra đời, bà phải gửi cho người thân nuôi dưỡng vì không thể mang bé theo những chuyến đi diễn. Phải tới khi đứa trẻ 10 tuổi, NSND Phùng Há mới đoàn tụ với con gái.

Chuyện tình cay đắng của 'bà tổ' cải lương Phùng Há với Bạch công tử - 2

NSND Phùng Há có hơn 80 năm gắn bó với cải lương.

Năm 1929, nghệ sĩ Phùng Há gặp ông Lê Công Phước, con trai cưng của ông Đốc phủ sứ Mỹ Tho – Lê Công Sủng, người giàu có nhất nhì ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Ông Phước là người nổi tiếng ăn chơi. Người bấy giờ gọi ông Bạch công tử để phân biệt với Hắc công tử tiếng tăm lừng lẫy xứ Bạc Liêu. Ông cũng là một trong hai người chủ của gánh hát Phước Cương, nơi quy tụ hàng loạt nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời đó.

Bạch Công Tử rất si mê cô đào Phùng Há. Buổi biểu diễn nào của bà, ông cũng có mặt ở hàng ghế đầu. Khi còn sống, NSND Phùng Há từng chia sẻ, là cô đào nổi tiếng, bà không thiếu người si mê, theo đuổi. Tuy nhiên, bà cảm nhận được tình cảm chân thành cũng như sự tôn trọng của ông Lê Công Phước dành cho mình, cho bộ môn nghệ thuật mà bà đang theo đuổi.

Chuyện tình cay đắng của 'bà tổ' cải lương Phùng Há với Bạch công tử - 3

"Bạch công tử" Lê Công Phước và nghệ sĩ Phùng Há.

Sau khi kết hôn với nghệ sĩ Phùng Há, Bạch công tử lập gánh hát Huỳnh Kỳ. Ông để vợ làm bầu gánh khi chỉ mới 18 tuổi. Đây được coi là gánh hát quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ, quy tụ hàng loạt đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiên, Ba Đồng, Chín Móm... Ông còn xây dựng thêm một rạp hát cũng tên Huỳnh Kỳ bên cạnh ngôi nhà của mình ở Mỹ Tho.

Vốn giàu có, lại chịu chơi, ông Lê Công Phước không tiếc tiền đầu tư cho gánh hát Huỳnh Kỳ. Thời đó, mọi gánh hát đều đi lại bằng ghe chèo, ông mua hẳn 3 chiếc ghe có gắn máy để chở đoàn đi lưu diễn. Chiếc đầu chở vợ chồng Bạch công tử - Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh hát. Chiếc ghe thứ hai có nhiều phòng, được trang bị bếp ăn, chỗ vệ sinh, chở đào kép. Chiếc thứ ba chở thầy đàn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons