Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện: Hàng nghìn lượng vàng, đồn điền, nhà máy in tiền hiến cho cách mạng

Đây là một gia đình “đặc biệt” ở nước ta. Sở dĩ nói là đặc biệt vì vừa là cộng sản, vừa là tư sản “kếch sù”, đã hiến dâng hầu như toàn bộ tài sản của mình cho cách mạng, mà Bác Hồ đã từng nói: “gia đình ấy với mình chỉ là một” (1).
Ông Đỗ Đình Thiện cùng gia đình tại chiến khu Việt Bắc.
Đây cũng là một trong hai gia đình tư sản duy nhất ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước trao Huân chương bậc cao cho cả chồng là ông Đỗ Đình Thiện – Huân chương Hồ Chí Minh, lẫn vợ là bà Trịnh Thị Điền – Huân chương Độc lập hạng nhất(2), một gia đình mà Lịch sử Mặt trận Việt Minh  dân tộc Thống nhất VN giai đoạn 1930-1954 trình bầy khá đậm.
Ông Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 tại làng Noi nay thuộc Cổ Nhuế -Từ Liêm - Hà Nội. Ông là con út của một gia đình bốn anh em. Bố ông làm Thư ký cho một Chủ đồn điền cao su nhưng mất sớm. Được mẹ nuôi dưỡng, lúc đầu ông học chữ Nho, sau chuyển sang chữ Quốc ngữ. Do thông minh và chăm học, ông thường đỗ đầu trong các kỳ thi. Năm 1926 do tham gia phong trào bãi khóa để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên bị đuổi học và gia đình phải làm lại giấy khai sinh để đưa ông xuống học ở Nam Định.
Năm 1927 gia đình cho ông sang Pháp du học. Ông vào học tại trường đại học canh nông ở Toulouse. Ở đây, năm 1928 ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Cuối năm 1931, do chuyển tài liệu bí mật của Đảng cho các thủy thủ người Việt mang về theo Đảng Cộng sản Đông Dương, ông bị bắt, bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về Việt Nam.
Trở về nước ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền, một nữ cộng sản tiền bối do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai dìu dắt và kết nạp, đây chính là người yêu đầu đời mà hai người đã từng hẹn ước trước khi lên đường du học.
Tháng 2/1931 bà bị mật thám bắt. Dù bị tra tấn hết sức dã man, bà vẫn không hề nhận mình là người cách mạng. Bà tuyệt thực suốt 7 ngày để phản đối sự tra tấn đối với phụ nữ, buộc chúng phải đưa bà về bệnh viện Phủ Doãn để điều trị. Tìm mãi không đủ chứng cứ để buộc tội, bọn thực dân Pháp phải trả lại tự do cho bà.
Ra tù, bà lại tiếp tục hoạt động. Bà lo tiếp tế lương thực, thuốc men, tiền, giấy bút cho các đồng chí mình bị giam ở Hỏa Lò, bí mật gửi cưa sắt để các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tạo cưa chấn song sắt vượt ngục vào đêm Noel năm 1931.
Tuy được tha nhưng bà vẫn bị quản thúc và bị mật thám theo dõi chặt chẽ. Trong hoàn cảnh đó, Trung ương đồng ý để hai ông bà chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực kinh tế để vừa nuôi sống gia đình mình, vừa để ủng hộ cách mạng khi thời cơ tới.
Là những người có học vấn cao thời đó, lại sinh trưởng trong các gia đình danh giá, có truyền thống buôn bán, ông Đỗ Đình Thiện chung vốn với bạn bè làm nghề buôn gỗ, còn bà Điền nhận tơ tằm của thương nhân người Hoa để bán kiếm lời. Do biết cách làm ăn, làm ăn đứng đắn nên được cả người bán và người mua tín nhiệm, bà mở hiệu buôn tơ tại 54 phố Hàng Gai.
Làm ăn phát đạt, năm 1941 ông bà Thiện mua lại nhà máy dệt của ông Hương Ký – một tư sản nổi tiếng lúc đó ở Hà Nội, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá thành thấp, chất lượng tốt để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.
Sau này, bà Đỗ Đình Thiện kể: “Từ nhà tù Sơn La vượt ngục trở về, anh Cả Nguyễn Lương Bằng qua đường liên lạc bí mật, đã bố trí gặp vợ chồng tôi tại một cơ sở bí mật ở Chèm Vẽ. Anh Cả rất mừng thấy chúng tôi làm ăn phát đạt và thay mặt Đảng giao trách nhiệm cho chúng tôi nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho Đảng.
Nhận nhiệm vụ Đảng giao, vợ chồng tôi càng quyết tâm mua đồn điền Chi-nê với ý định sẽ chuyển nhà máy dệt về đây và nếu chiến tranh xảy ra sẽ là nơi che giấu cán bộ cách mạng.
Lần thứ hai anh Cả Nguyễn Lương Bằng gặp tôi qua đồng chí Vũ Đình Huỳnh. Anh giả vờ làm người buôn tơ đến thẳng cửa hàng 54 Hàng Giai và tôi đã chuyển cho Đảng số tiền ba vạn đồng Đông Dương(3).”
Về sự kiện này, năm 1970 khi tiếp ông bà Thiện tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh nhắc lại: “Khi nhận được số tiền ba vạn đồng, anh chị gửi cho qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng”.
Cũng theo lời kể của bà: “Đầu năm 1945 với tư cách Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại viết thư gửi vợ chồng tôi: “Đảng rất cần tiền, nếu có xin gửi ngay”.
Tôi đã viết giấy đưa anh Vũ Đình Huỳnh đến một hãng buôn người Hoa – bạn hàng thân tín của tôi, nhận 100 nghìn (một trăm nghìn) Đồng Dương chuyển cho quỹ Đảng”.
Năm 1945, với chủ trương độngviên toàn dân xây dựng nền tài chính quốc gia, Chính phủ đã lập quỹ mang tên “Quỹ Độc lập” để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn sàng ủng hộ giúp Chính phủ củng cố nền độc lập quốc gia. Nổi bật của phong trào gây Quỹ là “Tuần lễ vàng”. Ông Đỗ Đình Thiện được Chính phủ cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương. Là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách, ông bà Thiện đã vận động nhân dân, đặc biệt là giới công thương tích cực đóng góp vào Quỹ Độc lập và “Tuần lễ vàng”. Bản thân ông bà ngay trong ngày khai mạc đã đóng góp 100 nghìn Đông Dương và 100 lạng vàng. Ngày bế mạc “Tuần lễ vàng 22-9-1945 ban tổ chức bán đấu giá bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà Thiện đã chủ động trả một triệu đồng Đông Dương (bằng hai nghìn lạng vàng) để mua bức tranh trên. Sau khi mua được ông bà đã tặng cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Nghĩa cử cao đẹp đó đã được Lịch sử Mặt trận, lịch sử Bộ Tài chính, Ban Quản trị - tài chính Trung ương ghi nhận như sự thể hiện niềm tin tuyệt đối vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngôi nhà 54 Hàng Gai trở thành một trong những Nhà khách của Chính phủ. Hồi ký của nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ cao cấp của Đảng như: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai… đã nhắc đến địa chỉ  này.
Đây cũng là nơi Bác Hồ tiếp phái đoàn Nam Bộ, đoàn phụ nữ Nam Bộ, tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng và cựu Hoàng đế Bảo Đại, hoàng thân Xu-ha-nu-vông…
Là trí thức được đào tạo tại Pháp, lại có tài quản lý, kinh doanh, ông Đỗ Đình Thiện được Nhà nước cử làm thành viên Hội đồng quản trị đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông bà cũng dành Nhà in Tô-panh của mình để Chính phủ in tiền.
Năm1946, Hồ Chủ tịch đi thăm Pháp. Ông Thiện và ông Vũ Đình Huỳnh được Bác Hồ chọn làm Thư ký riêng của Bác trong suốt thời gian ở Pháp. Chuyến đi lịch sử đó đã được ông ghi thành “Nhật ký làm việc” của Hồ Chủ tịch 4 tháng ở Pháp (22/6/1946/ 4/9/1946). Ông đã tặng lại bản viết tay đó cho Nhà nước và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
Tháng 11/1946, tình hình Hà Nội ngày càng căng thẳng, để bảo vệ việc in tiền, đồng chí Phạm Văn Đồng ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc của nhà máy di chuyển lên đồng điền Chi-nê.
Để đảm bảo cho nhà máy lắp ráp đúng kỹ thuật và sớm đi vào ổn định, ông Thiện đưa cả gia đình lên đồn điền Chi-ne. Và khi nhà máy đi vào sản xuất, ông bà lại ba lô trèo đèo, lội suối cùng anh em công nhân lên chiến khu Việt Bắc để xây dựng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo – đứa con đầu lòng của ngành cơ khí Việt Nam. Và chính ông Thiện được cử làm giám đốc.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 1950 ông bà Thiện được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Đây là một trong hai trường hợp vào thời điểm đó cả hai vợ chồng đều được thưởng Huân chương và do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân trao tặng.
Năm 1991 Bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Năm 2008 ông Đỗ Đình Thiện được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Cả hai đều được tặng Kỷ niệm chương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, ông Thiện liên tục là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông được truy tặng Huân chương Đại Đoàn Kết.  
  Nguyễn Túc


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRK8h0AvSahyS5OOzbxx4sbbTZqHTSsVr14ErC_O8sbyDsvev6-exbcIttHVtWtLXimYIFjwk6RgbbNlypJFkskghj8Na6Fm8FkppZayc6PUB4GOBdxySYacX6FZtYHLljThcs80QwiDA/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Bố tôi làm đốc lý

Đầu năm 1945, dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim, theo đề nghị của nhiều trí thức tiến bộ, bố tôi- nhà giáo Nguyễn Lân, đã nhận lời làm Đốc lý thành phố Huế. Trước đó chức vụ này đều do người Pháp đảm nhiệm. Vừa qua, ông Dương Phước Thụ đã đăng trên báo Sông Hương bài viết: Giáo sư Nguyễn Lân- Đốc lý người Việt đầu tiên của thành phố Huế. 
Tìm được tài liệu từ  Việt Nam tân báo, ông Dương Phước Thu đã đăng lại Lời tuyên bố của ông Đốc lý thành phố Thuận Hóa ngày 28/5/1945.
Thật thú vị , sau 71 năm đọc lại lời tuyên bố này tôi rất cảm động khi thấy bố tôi ngay từ thời ấy đã có tư duy Đổi mới khá đáng nể trọng. Sáng ngày 21/2/2016 nhân dịp gặp mặt thân mật với đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành phố Hà Nội, chúng tôi đã trao tặng lại tờ tạp chí Sông Hương (số 312 , tháng 2/2016) có đăng trên 4 trang bài báo này.
Xin trích giới thiệu “Bản chương trình tối thiểu” trong Lời tuyên bố của Đốc lý Nguyễn Lân để bà con tham khảo:
1. Tẩy trừ các dấu vết của người Pháp: đổi tên các đường phố, sửa lại đài trận vong các tướng sĩ thành phố thành một đài kỷ niệm ngày tuyên bố độc lập;
2. Bài trừ nạn cờ bạc: trong lúc này dù là đàn ông hay đàn bà, dù ở bất cứ địa vị nào mà tụm năm tụm ba say mê với con bài lá bạc thì sẽ bị bắt giải toà và sẽ bị nghiêm trị;
3. Bài trừ nạn chợ đen;
4. Bài trừ nạn ăn mày: sẽ cộng tác với Hội đồng Cứu tế trung ương làm những nhà dục anh và tế bần, để bắt kẻ nghèo học nghề và làm việc;
5. Bài trừ nạn hối lộ: người nào định đút lót kẻ thừa hành chức vụ cũng như những kẻ ăn tiền hối lộ đều bị giải toà, kết án rất nặng;
6. Tổ chức lại ngạch cảnh sát để giữ gìn trật tự;
7. Chăm lo việc vệ sinh chung: đặt chỗ đổ rác; sửa các cống, rãnh, cấm phóng uế ở vệ đường, ở bờ sông và ở các hầm trú ẩn , những kẻ tầm bậy sẽ bị phạt tiền, và nếu tái phạm sẽ bị đeo biển dẫn đi qua các phố;
8. Sửa lại đường sá, tuỳ theo ngân sách;
9. Đặt một Hội đồng thành phố gồm có những người nhiệt tâm ở các giới;
10. Phân phát các thực phẩm cho công bằng; người nào khai gian thẻ hạn chế khẩu lương sẽ bị giải toà kết án thực nặng;
11. Kiểm soát việc đánh thuế chợ cho công bằng;
12. Tổ chức lại các phạn điếm bình dân;
13. Nhờ các bạn thanh niên dùng thì giờ rảnh làm các việc công ích; đào lỗ trú ẩn từng người; trồng khoai sắn ở hai bờ sông và ở các đất hoang để nuôi kẻ nghèo, đi khất thực giúp ban cứu tế; làm đồ thủ công bán lấy tiền giúp kẻ nghèo;
14. Kiểm soát việc đo lường trong thành phố cho được công bằng và khuyên nhân dân nên theo mét hệ;
15. Tổ chức lại việc phòng thủ thụ động.
Những công việc ấy, bản chức sẽ tuỳ theo quyền hạn mà cố gắng làm cho đầy đủ. Nhưng có kết quả hay không cũng nhờ ở tấm lòng thành thực và sốt sắng của dân thành phố đối với việc công.
Không lúc nào bằng lúc này, nhà cầm quyền và nhân dân phải đứng vào công tác; không lúc nào bằng lúc này, ta phải khuyên nhau: hăng hái làm việc và tuân theo kỷ luật !
Riêng phần bản chức, bản chức sẽ lấy câu sau này của Đức Trần Hưng Đạo làm câu châm ngôn cho việc cai trị: “Phép nước không nể tình thân!”
Đó là tháng 5 năm 1945, khi bố tôi mới vừa tròn 39 tuổi.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, bố tôi đã bàn giao cho chính quyền mới Toà Đốc lý với toàn bộ tài sản và toàn bộ ngân sách, không thiếu một đồng. Chính quyền Cách Mạng đã mời bố tôi ngay lập tức đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Học chính Trung bộ. Năm 1946 ra Hà Nội và bắt đầu lên Việt Bắc tham gia công tác Giám đốc Giáo dục Liên khu X, hoàn thành trách nhiệm này Bố tôi đã  được nhận bằng khen (số 162 SV ngày 25/1/1949) của Hồ Chủ tịch với lời phê là Một Giám đốc có tài. Trước đó vào tháng 1/1948 bố tôi còn được Bác Hồ tự tay đánh máy một Thư khen cùng với phần thưởng là một bộ quần áo lụa bên trong có thêu dòng chữ: Chúng cháu kính dâng Bác Hồ (hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Bố tôi qua đời ngày 7/8/2003, hưởng thọ 98 tuổi và được yên nghỉ cùng mẹ tôi tại quê nhà (xã Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào, Hưng Yên).
GS Nguyễn Lân Dũng


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRK8h0AvSahyS5OOzbxx4sbbTZqHTSsVr14ErC_O8sbyDsvev6-exbcIttHVtWtLXimYIFjwk6RgbbNlypJFkskghj8Na6Fm8FkppZayc6PUB4GOBdxySYacX6FZtYHLljThcs80QwiDA/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Điều kỳ bí quanh những tấm mộc bản

Mộc bản của 2 chùa ở Bắc Giang là Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, H.Yên Dũng) và Bổ Đà (xã Tiên Sơn, H.Việt Yên) ẩn chứa nhiều câu chú dùng để cầu siêu thoát cho người đã mất mà ít người dân địa phương biết được.
Mộc bản chùa Bổ Đà
 /// Ngữ Yên


Khi PGS-TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, nói chuyện với những người bán nước ở cổng chùa Bổ Đà, họ gần như không biết gì về bộ kinh quý đang được lưu giữ trong chùa này. “Nếu như chính những người ở ngay cộng đồng quanh đó không biết đến di sản thì làm sao di sản có thể phát huy giá trị được”, bà nói. Trong khi đó, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Những mật chú cầu siêu


Thạc sĩ Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch học, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất với vị trí ở Bắc Giang, hoàn toàn có thể kết nối một tour trải nghiệm về in ấn mộc bản với Đông Hồ, Bắc Ninh. Nó sẽ gồm các hoạt động cốt lõi như giới thiệu công đoạn sáng tạo mộc bản tại Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà, nghe chuyện về mộc bản và kỹ thuật mộc bản; tham quan làng tranh Đông Hồ, hướng dẫn và thực hành vẽ hình lên mặt gỗ, khắc bản in mộc, in tranh.

Nếu như mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bộ kinh còn lại của phái Trúc Lâm Yên Tử thì mộc bản Bổ Đà lại là bộ kinh còn lại của dòng thiền Lâm Tế. Tuy nhiên, chúng rất giống nhau vì đều hé lộ những phong tục trước đây. Cụ thể, theo TS Phạm Văn Tuấn (Viện Hán Nôm), một số trang mộc bản chùa Bổ Đà lưu những câu chú được dùng để cầu siêu thoát cho người đã mất. Người xưa in những câu này trên 6 miếng vải hoặc giấy để dán trên 6 tấm gỗ của quan tài hay bỏ vào trong quan tài.
PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cũng cho biết mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những câu mật chú để cầu siêu. Đây là những mật chú cần có để người mất biết tìm đường về chốn cực lạc. Người dân cũng có nhu cầu về những câu mật chú như vậy. “Họ dùng mộc bản in ra và dẫn vong. Những người đội dải lụa, mà vẫn gọi là đội cầu để dẫn vong sẽ dán cái đó lên dải lụa, sau đó thì đốt. Tôn giáo lo cho con người từ lúc sinh ra đến lúc cuối đời, mất đi là như thế”, ông Tuấn nói. Hiện tại, người dân vẫn có nhu cầu về những câu mật chú đó, phải đến chùa xin.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, trên mộc bản ở chùa Bổ Đà còn có các hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán... Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ, tiếp nhận Phật giáo. Theo TS Nguyễn Sử (Viện Nghiên cứu tôn giáo), những hình khắc này khi in ra cũng rất đẹp và gần gũi với người dân.
GS-TS Vũ Đức Nghiệu (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những nội dung khuyến thiện, giới hạn cái ác như bản khắc sách Kính tín lục được in phổ biến trong dân gian để làm phúc. Ở cuối sách là phụ lục 4 phương thuốc: Quyên tử đọa thai dị báo, Cứu cấp ngũ tuyệt lương phương, An thai thôi sinh phương, Bất xuất thiên hoa kinh nghiệm kỳ phương. 4 phương thuốc này được đưa vào phụ lục sách để truyền bá kinh nghiệm nhằm cứu người. Sách Kính tín lục không phải sách y học nhưng có một số nội dung về y học.
Điều kỳ bí quanh những tấm mộc bản - ảnh 1
Chùa Vĩnh NghiêmNGỌC THẮNG
Để người dân tự chạm mẫu mộc bản
“Làm sao người ta có thể thấy mộc bản gần gũi khi hoàn toàn không đọc được những gì viết trên đó”, bà Lý nêu câu hỏi. Đúng là người dân đang thấy mình xa lạ với những câu chữ trên mộc bản do không hiểu điều gì viết trên đó. Tuy nhiên, theo bà Lý, nếu kể cho họ về quá khứ thì câu chuyện sẽ gần gũi hơn. Chẳng hạn, người dân sẽ rất muốn xem cả quá trình mộc bản đã được đục, được in, được vá khi rơi rụng chữ như thế nào. Từ đó, hoàn toàn có thể xây dựng khu tương tác, để người dân tự chạm mẫu mộc bản theo ý mình rồi mang về. Theo TS Nguyễn Sử, một số nội dung mộc bản hoàn toàn có thể in cho người dân, hoặc làm bản khắc giống hệt để họ tự in.
Việc trải nghiệm ngay trong chùa cũng có thể được xây dựng. Theo PGS-TS Lương Hồng Quang, chùa Bổ Đà lặng lẽ và kín tiếng, giống với một thiền viện hơn một chùa làng. Vì thế, đó là một trải nghiệm rất riêng trong hệ thống các chùa VN. Cũng theo ông Quang, bên cạnh các tour du lịch còn có thể hình thành các lớp tu tập cho tăng đồ trong và ngoài nước tới hai ngôi chùa này.


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRK8h0AvSahyS5OOzbxx4sbbTZqHTSsVr14ErC_O8sbyDsvev6-exbcIttHVtWtLXimYIFjwk6RgbbNlypJFkskghj8Na6Fm8FkppZayc6PUB4GOBdxySYacX6FZtYHLljThcs80QwiDA/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Hình ảnh những trò chơi thời ấu thơ trong bức vẽ 500 năm tuổi

Đó là bởi hầu hết những trò chơi thời ấu thơ của mỗi con người sẽ được tái hiện đầy đủ trong bức họa này. Nó được giới chuyên môn đánh giá là một kiệt tác của trường phái Phục Hưng tại Hà Lan. Trong tranh, 200 trẻ em đủ mọi lứa tuổi thể hiện tới hơn 100 trò chơi dân gian quen thuộc thời kỳ đó và thậm chí kéo dài tới tận thế hệ ngày nay.
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 1
Bức tranh "Trò chơi trẻ em" 500 năm tuổi của Pieter Bruegel the Elder
Dưới đây là 10 trò chơi có thể nhìn thấy rõ nhất:
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 2
Kéo co trên lưng ngựa, có điều ngựa sẽ do người đóng giả. 2 "kỵ sĩ" sẽ leo lên lưng bạn, lòng tay vào một đoạn dây rồi ra sức kéo xem ai ngã trước
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 3
Rồng rắn lên mây, câu ca dao "Rồng rắn lên mây, có cây xúc xắc…" sẽ gợi lại kí ức thời thơ ấu của không ít người chúng ta
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 4
Bịt mắt bắt dê được mô phỏng bằng việc một cô gái bị bịt mắt bằng tấm khăn, trong khi bạn bè quây xung quanh đang ra sức trốn và trêu trọc
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 5
Một số khung hình còn thể hiện các trò chơi tổng hợp, như còng nhau, ngồi bậc thang tán chuyện, giữ thăng bằng que gỗ trên một ngón tay hay nhào lộn trên những cây sào.
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 6
Đã bao giờ bạn thử xem gió đang thổi theo chiều nào chưa? Như em bé trong hình thì công việc đó thật thú vị.
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 7
Đuổi bắt
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 8
Nhảy cừu khi một người cúi xuống làm cừu, những người còn lại nhảy qua lưng. Sau mỗi lần nhảy, độ cao và sự nguy hiểm sẽ tăng lên.
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 9
Cưỡi ngựa trên hàng rào
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 10
Cô dâu chú rể. Chúng ta đều "thử sức" mình trong vai trò cô dâu, chú rể hay người nhà trong một đám cưới thú vị và hồn nhiên nhất.
 hinh anh nhung tro choi thoi au tho trong buc ve 500 nam tuoi hinh anh 11
Cưỡi thùng gỗ xem ai là người trụ lại lâu nhất


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRK8h0AvSahyS5OOzbxx4sbbTZqHTSsVr14ErC_O8sbyDsvev6-exbcIttHVtWtLXimYIFjwk6RgbbNlypJFkskghj8Na6Fm8FkppZayc6PUB4GOBdxySYacX6FZtYHLljThcs80QwiDA/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Xe đạp thồ: “Vũ khí đặc biệt” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không chỉ ngợi ca những trận đánh quyết định tại vùng lòng chảo Tây Bắc của Tổ quốc, mà còn luôn tự hào với sức mạnh của toàn dân tộc hướng tới chiến trường. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, không thể không nhắc tới sự đóng góp của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường.

Những chiếc xe đạp phi thường
Những chiếc xe thồ đã làm lên con đường vận tải huyền thoại, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Hai vạn chiếc xe đạp đã được dùng để thồ lương thực và trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố lại vành, săm, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy.
Theo đó, ngoài dân công gánh bộ 182.124 người, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 11.000 dân công xe đạp thồ tiếp chuyển từng chặng trên suốt tuyến từ Thanh Hóa cho đến kho lương thực Tuần Giáo (Lai Châu). Từ trạm H1 Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ đường dài 80km thì do đoàn xe thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa (lực lượng xung kích) với 3.000 xe, biên chế thành 20 đại đội theo phạm vi huyện, mỗi C có 1 chi bộ Đảng lãnh đạo và toàn đoàn có ban chỉ huy gồm 3 đồng chí, do đồng chí Đặng Văn Minh, cán bộ biệt phái sang Ty Giao thông làm trưởng đoàn.
Tháng 8/1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy đoạn đường chiến đấu gian nguy, vất vả, xa quê nhà, xa hậu phương tới 3,4 tháng trời nhưng với ý chí quyết tâm đánh giặc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, mọi người lên đường với niềm tin tưởng phấn khởi. Ròng rã trong một thời gian dài phục vụ chiến dịch, có lúc thăng lúc trầm, nhiệm vụ được giao là 3 tháng nhưng kéo dài đến 4,5 tháng. Thức ăn, vật dụng cạn dần, thiếu thốn nhiều thứ từ điếu thuốc lào không có để hút cho đến phụ tùng săm lốp xe đạp, lại hoạt động trên địa bàn xa tỉnh, xa lãnh đạo địa phương, thiếu sự chăm sóc, quan tâm động viên. Sau trận máy bay địch ném bom bắn phá vào kho lương thực Tuần Giáo tháng 11/1953 trong lúc đang nhận hàng khiến một số dân công bị chết, bị thương, làm dao động tư tưởng. Bộ Tư lệnh tiền phương đã kịp thời giải quyết hậu quả, mai táng người quá cố, cấp cứu đưa người bị thương đến bệnh sá tiền phương cứu chữa và động viên tư tưởng để anh em yên tâm.
Những lời động viên, hỏi thăm ân cần và căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp đoàn dân công xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa bừng lên khí thế sôi nổi thi đua nâng cao năng suất vận chuyển, lập thành tích chào mừng ngày phát lệnh mở màn chiến dịch và cũng từ đó mà trọng lượng hàng trên xe ngày càng nhiều, mỗi chuyến chở từ 150kg, 200kg đến 325kg. Người dẫn đầu là anh Cao Tỵ, dân công đội xe thồ thị xã Thanh Hóa, trên xe luôn chở 300kg vượt đèo, dốc. Hình ảnh đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như là một kỳ tích của óc sáng tạo cùng tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến” và truyền thống ấy được dân công Thanh Hóa kế tục, phát huy để vượt Trường Sơn phục vụ chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước sau này.
Với những thành tích đó, đoàn dân công Thanh Hóa xứng đáng được đón nhận cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 10 huân chương cho đơn vị và các nhân thuộc dân công vận tải Thanh Hóa do Chính phủ tặng thưởng và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Tư lệnh tiền phương, Tổng cục cung cấp mặt trận. Và hơn hết, trong lần Bác về thăm Thanh Hóa ngày 16/3/1957, Bác đã khen ngợi dân công xe đạp thồ: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
su-kien-87
Tiếng vang khắp năm châu
Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX mà còn là chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Và, đội quân xe đạp thồ trong chiến dịch là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.
Biết đến đội dân công xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ qua báo đài, Nicolas Voillemot và Nicolas Houdry, hai anh chàng người Pháp có niềm đam mê với chiếc xe đạp đã tới Việt Nam và quyết định trải nghiệm hành trình xe đạp thồ hơn 500km từ Bắc miền Trung đến Tây Bắc Việt Nam để cảm nhận sự gian khổ trên tuyến đường dẫn đến Điện Biên Phủ, để thấu hiểu được những dân công xe đạp thồ trong thời chiến đã sống và chiến đấu như thế nào. Trong chuyến đi này, họ cũng dùng những chiếc xe đạp thồ “Trên đường mòn lên Điện Biên Phủ”.
Để tìm hiểu kỹ về những chiếc xe đạp thồ, hai anh chàng người Pháp này đã về huyện Yên Định, Thanh Hóa gặp gỡ những dân công xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở đây, các anh đã được nghững người dân công xe đạp thồ năm xưa truyền lại những kinh nghiệm quý báu. Theo những bậc tiền bối này, một chiếc xe đạp thồ sau khi được gia cố và lắp thêm phụ tùng có thể chở tới 200kg mà không gặp vấn đề gì trên những đoạn đường bằng phẳng. Nhưng nếu phải đi qua đồi thì một bánh xe sẽ phải chịu toàn bộ áp lực và xe có thể bị nổ lốp. Để có thể chở được số lượng nhu yếu phẩm lớn như vậy qua đổi, những người dân công xe đạp thồ đã phải cắt bớt ống quần của mình và xé thành những dải nhỏ và cuốn vào săm trước khi bơm. Nhờ sáng kiến này, những người dân công xe đạp thồ đã không phải dừng lại nhiều lần để sửa xe.
Hai anh chàng người Pháp này rất ấn tượng và thích thú với những sáng kiến sử dụng những vật liệu khác nhau để gia cố xe. Bằng với sự đam mê khám phá của mình, với hai chiếc xe đạp thồ mượn của những dân công Thanh Hóa trong chiến dịch xưa, hai anh chàng này đã bắt đầu hành trình của chính mình với mỗi người 80kg gạo. Họ đã đi qua từng địa danh mà đoàn dân công trước đây đã từng đi như huyện Thọ Xuân, nơi đã từng là kho dự trữ gạo lớn nhất; đèo Yên Ngựa, cái dốc 15km mà hầu hết những dân công ở Yên Định đều nhắc đến…
Khi được trực tiếp trải nghiệm con đèo mà người dân công xe đạp thồ Thanh Hóa nào cũng khiếp đảm này, 2 chàng trai Nicolas cho rằng, tuyến đường 15km này thực ra không quá dốc như họ nghĩ nhưng đường rất xấu với nhiều đá lởm chởm và thỉnh thoảng có những đoạn dốc gây khó khăn cho hai chiếc xe chở gạo. Trên tuyến đường 15km này họ gặp vô số khó khăn, thậm chí là bị nổ lốp. Nhưng hai anh chàng này đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ một bác nông dân, bác chở xe đạp và gạo giúp họ bằng chiếc xe trâu và còn tặng họ cả bộ bơm và sửa xe của mình. Trước sự nhiệt tình của người Việt Nam, hai anh chàng người Pháp  thấy ấm áp vô cùng vì theo họ, những hành động và tình cảm như vậy đã không còn thấy ở châu Âu từ rất lâu rồi. Càng đi lên đỉnh đèo, đường đi lại càng khó khăn hơn, thay vì mỗi người đẩy một xe như thông thường, họ đã phải đảy từng xe một lên dốc, một người kéo đằng trước và một người đẩy đằng sau.
Dù gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng hai chàng trai này vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, quyết tâm thực hiện đúng hành trình những người dân công xe đạp thồ năm xưa đã từng đi. Trải qua mỗi cung đường, họ lại càng hiểu và cảm nhận rõ ràng hơn những gian truân của người dân công xe đạp thồ hết lòng vì tiền tuyến cho dù điều kiện thực hiện cuộc hành trình ngày nay đã tốt hơn nhiều. Mỗi một tuyến đường lên Điện Biên Phủ, họ lại được trải nghiệm những điều mới lạ, được gặp và trò chuyện với người dân, đôi khi là chính những người lính từng chiến đấu trong chiến dịch và hơn hết là họ được nghe, được biết đến những câu chuyện chiến tranh qua mỗi di tích, mỗi hiện vật còn được giữ. Qua mỗi câu chuyện đó, họ lại được cảm nhận, được chứng kiến những đau thương, mất mát, gian khổ mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng cũng như có thể thấy được tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường không gì có thể quật ngã người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa.
62 năm trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bài học lịch sử chứng minh cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
HẠ LIÊN


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRK8h0AvSahyS5OOzbxx4sbbTZqHTSsVr14ErC_O8sbyDsvev6-exbcIttHVtWtLXimYIFjwk6RgbbNlypJFkskghj8Na6Fm8FkppZayc6PUB4GOBdxySYacX6FZtYHLljThcs80QwiDA/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

Hé mở chính sách nhân đạo trên biển Đông của vua chúa Việt

Bên cạnh hoạt động khẳng định chủ quyền, khai thác, quản lý vùng biển và hải đảo trên biển Đông, các triều đại phong kiến Việt Nam còn thực hiện hoạt động nhân đạo. 

Bên cạnh hoạt động khẳng định chủ quyền, khai thác, quản lý vùng biển và hải đảo trên biển Đông, các triều đại phong kiến Việt Nam còn thực hiện hoạt động nhân đạo quan việc cứu hộ tàu thuyền nước ngoài bị nạn.
Biển Đông hàng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn, chưa kể các hiểm họa khác luôn rình rập người đi biển, đặc biệt tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa kia được coi như một bãi đá kéo dài, là nơi mà tàu thuyền qua lại rất sợ hãi bởi những dải đá ngầm có thể đe dọa đến sự an nguy của con thuyền và những đoàn người đi trên đó.
Thuyền bè của người Trung Quốc khi qua biển Đông, đã đúc kết câu cách ngôn hàng hải như sau:
Thượng phạ Thất Châu
Hạ phạ Côn Lôn
Châm mê đà nhất
Nhân thuyền mạc tồn.
Nghĩa là:
Trên thì sợ vũng Thất Châu,
Xuống đàng dưới nữa lại sầu Côn Lôn.
La bàn kim lạc lối mòn,
Thuyền chìm, người mất, có còn gì đâu?
Thất Châu là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi được coi là có 7 hòn đảo chính nên gọi là Thất Châu, còn Côn Lôn tức vùng biển từ Trường Sa kéo dài đến quần đảo Côn Sơn, xưa được gọi là Côn Lôn dương.
Người phương Tây cũng có nhiều ghi chép về điều này, như trong “Nhật ký chuyến đi quần đảo Paracels” của các giáo sĩ Thiên chúa trên tàu L’Amphitrite đã thuật lại sự kinh hoàng của mình khi đi qua quần đảo Hoàng Sa vào năm 1701 như sau: “Paracels là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó, nó nằm trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu L’Amphitrite trong chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm ở đó…. Có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ…. Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tý nguồn dự trữ nào thì hầu như cũng như nhau mà thôi!”.
Một người phương Tây khác tên là M.A.Dubois de Jancigny trong cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xây Lan” ấn hành năm 1850, có viết: “Quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng) là một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát, rất đáng sợ cho các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người Cochinchina chiếm hữu”…
Trên đây là một số ghi chép của người nước ngoài về sự nguy hiểm khi thực hiện các chuyến hải trình trên biển Đông, đặc biệt là nỗi e sợ những bãi đá ngầm thuộc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng những trở ngại khó khăn này đã bị người Việt khuất phục và xác lập chủ quyền lâu đời tại vùng biển đảo đó; hơn nữa đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn, các triều đại phong kiến Việt Nam còn tổ chức cứu hộ, giúp đỡ họ.
He mo chinh sach nhan dao tren bien Dong cua vua chua Viet
 Tranh vẽ thuyền của vương quốc Ryukyu. Nguồn: http://www.japanfocus.org. 
Chính sử có ghi chép về một số trường hợp vào thời Hậu Lê, triều đình giúp đỡ tàu thuyền của người Trung Quốc bị trôi dạt trên biển, cung cấp thực phẩm, nước uống và đưa họ về nước. Một chuyện khá thú vị, tuy sử sách nước ta không ghi chép nhưng trong thư tịch cổ của Nhật Bản là bộ thông sử Reikidai hoan của vương quốc Ryukyu (phiên âm là Lưu Cầu), nay là tỉnh Okinawa có ghi lại sự kiện diễn ra vào tháng 10 năm Chính Đức thứ 4, tức tháng 11 năm 1509. Vua Trung Sơn của vương quốc Ryukyu cử một đoàn sứ giả đông tới 130 người dùng thuyền mang thư và nhiều lễ vật sang nước ta tạ ơn vua Lê đã từng “cứu vớt thuyền bị nạn” của Ryukyu và tạo điều kiện thuận lợi cho thủy thủ đoàn về nước.
Có một sự kiện xảy ra dưới triều Tây Sơn không thể không nhắc đến, đó là vào tháng 4 năm Quý Sửu (1793) đoàn sứ giả nước Hồng Mao Anh Cát Lợi (tức nước Anh) trên đường tới Trung Quốc, khi đi qua biển Đông thì gặp bão, phải ghé thuyền vào cửa biển Đà Nẵng để tìm nước ngọt, mua lương thực, thực phẩm và sửa chữa thuyền.
Vua Cảnh Thịnh nghe tin bèn gửi hai tờ chiếu dụ để an ủi, bày tỏ sự cảm thông cảnh ngộ của những người gặp nạn, thông báo cho họ biết đã ra lệnh cho quần thần cấp lương thực, gạo muối, lại còn gửi quà tặng cho người đứng đầu triều đình Anh Cát Lợi “để tỏ lòng quý mến, thông cảm với khách đường xa”. Đặc biệt hơn, vua Cảnh Thịnh cũng tận dụng cơ hội tuyên bố cho những vị khách đến từ phương Tây xa xôi biết về chủ quyền rộng lớn của nước Việt trên biển Đông, tờ chiếu có đoạn: “Vả lại, bản triều bao trùm cả Nam Hải. Phàm tàu viễn dương các nước muốn đến náu nơi chợ búa vùng này để buôn bán, hoặc vì sóng to mà trôi dạt tới đây, mong được yên ổn, no đủ, trẫm đều lấy lòng nhân mà đối xử, cùng sinh cùng nuôi, con người trong bốn bể như anh em một nhà”.
He mo chinh sach nhan dao tren bien Dong cua vua chua Viet-Hinh-2
Thuyền tuần tiễu trên biển của thủy quân nhà Nguyễn. Nguồn: www.vietthuc.org. 
Đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn, nhà vua đã ra lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ họ. Vào tháng 6 năm Canh Dần (1830), quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng tâu rằng có một thuyền của Pháp bị nạn ở Hoàng Sa, một số thủy thủ dùng bè bơi vào bờ xin cứu giúp. Biết tin, vua Minh Mạng điều động thuyền tuần tiễu mang nước ngọt, lương thực ra biển tìm kiếm những người còn lại và đưa họ vào đất liền.
Theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Bính Thân (1836) vua Minh Mạng còn ra lệnh cứu giúp một thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi (tức nước Anh) gặp bão tại Hoàng Sa, sách chép rằng: “Thuyền buôn nước Anh Cát Lợi gặp gió bão ở vùng đảo Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định. Trên thuyền có khoảng hơn 90 người. Nhà vua sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn. Tất cả số người đó cúi đầu lạy tạ ân, biểu lộ nhiều lời nói và cử chỉ rất cảm kích. Quan tỉnh tâu trình việc đó về triều. Nhà vua nói rằng: “Người Tây Dương vốn có tính cứng đầu, kiêu ngạo. Phải chăng bây giờ họ vừa được mong ơn cứu tuất của ta, cho nên đã hóa được cái tục xấu đó của họ chăng?”. Sau đó vua hạ lệnh cho họ về nước”.
Trên đây chỉ là một vài sự kiện tiêu biểu, nhưng qua đó đã cho thấy từ xa xưa người Việt đã làm chủ trên biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của nước ta, và các triều đại phong kiến luôn quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát, bảo vệ và thực thi các quyền của mình ở những hải đảo đó nói riêng và biển Đông nói chung, mặt khác còn thể hiện tính nhân đạo sâu sắc. Nó là minh chứng hùng hồn, là dữ kiện lịch sử, pháp lý hợp pháp, có sức mạnh to lớn phủ nhận những yêu sách, những hành động sai trái trong mưu đồ xâm chiếm biển Đông, chiếm đoạt các hải đảo của Việt Nam trên vùng biển đó.

Lê Thái Dũng


                                https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgRK8h0AvSahyS5OOzbxx4sbbTZqHTSsVr14ErC_O8sbyDsvev6-exbcIttHVtWtLXimYIFjwk6RgbbNlypJFkskghj8Na6Fm8FkppZayc6PUB4GOBdxySYacX6FZtYHLljThcs80QwiDA/s400/images.jpg

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons