Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Nữ nghệ sĩ học vị cao nhất làng cải lương, 3 lần tự tử, được mệnh danh là "Rich Woman"

Ở tuổi xế chiều, giờ đây NSND Bạch Tuyết sống một mình sau 2 lần lên xe hoa nhưng cũng là 2 lần đổ vỡ.

    Từ cô đào ngoại hạng đến người có học vị cao nhất trong đội ngũ diễn viên cải lương

    NSND Bạch Tuyết sinh năm 1954, lớn lên ở Châu Đốc, An Giang. Ngày nhỏ, bà theo học tại trường làng Khánh Bình và là cây văn nghệ của trường. Trong vùng, giọng hát trong veo của cô bé Bạch Tuyết khi ấy được bạn bè, thầy cô và bà con yêu thích. Ai cũng nghĩ, cô bé này rồi sẽ trở thành cái tên nức tiếng trong giới nghệ thuật.

    Năm 8 tuổi, sự ra đi đột ngột của mẹ đã khiến Bạch Tuyết bị hẫng hụt suốt một thời gian dài. Trong tâm hồn cô bé, mặc dù được cha nhất mực yêu thương vẫn có một khoảng trống không thể lấp đầy. Sau đó, bà tự lập kiếm sống, đi hát ở nhà hàng ca nhạc bằng những bài tân nhạc. Nhưng rồi, bước ngoặt cuộc đời đã đến, Bạch Tuyết gặp cố nghệ sĩ Thanh Nga: "Cưng đi hát đi, chị tin rằng cưng sẽ thành công trong nghề nghệ thuật đó". Bước qua sự phản đối quyết liệt của cha và ông bà, những lời nói này đã trở thành động lực để Bạch Tuyết quyết tâm theo đuổi nghệ thuật.

    Từ năm 16 tuổi, Bạch Tuyết đã bắt đầu đi theo nghệ thuật.

    Sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó, Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Huyền biết đến. Để xin cho cô bé đi theo đoàn hát, ông đã đến tận nhà Bạch Tuyết và nhận bà làm con nuôi. Khi ấy, Bạch Tuyết mới bước sang tuổi 16. Để tự hoàn thiện mình không muốn dựa dẫm hoàn toàn vào bố nuôi, Bạch Tuyết từ một cô gái trẻ ca vọng cổ theo bản năng, bà quan sát những người xung quanh, học từng dáng dấp, điệu bộ...

    Ngay từ vai đầu tiên, Bạch Tuyết đã được giao đóng đào chính nhờ tài năng và sự nghiêm túc trong học tập. Trong giới cải lương bấy giờ, bà liên tục gặt hái thành công, trở thành cô đào ngoại hạng. Những vở diễn điển hình của bà có thể kể đến Lá thắm chỉ hồng, Kiếp chồng chung, Suối mơ rền áo cưới, Tiếng hát Muồng Tênh, Tần Nương Thất, Thái hậu Dương Vân Nga... Khi ấy báo giới, người trong nghề và khán giả không ngớt lời khen ngợi Bạch Tuyết, họ coi bà là "cải lương chi bảo".

    Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vở cải lương kinh điển "Thái hậu Dương Vân Nga".

    Vai diễn Cô Lựu truân chuyên, bất hạnh của Bạch Tuyết.

    Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Bạch Tuyết quyết quay lại trường học để hoàn thiện kiến thức với tấm bằng Ngữ văn. Sau đó, bà tiếp tục học thêm và tốt nghiệp khoa Đạo diễn của viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh Sofia - Bulgaria năm 1988.

    Từ năm 1990 - 1995, Bạch Tuyết tiếp tục bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ rồi Tiến sĩ tại viện Hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh quốc, viện Hàn lâm Sân khấu Phim ảnh Bulgaria với luận án có đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á". Tính đến thời điểm này, bà là nghệ sĩ cải lương đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có học vị Tiến sĩ. Năm 2012, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bạch Tuyết từng diễn chung với nhiều kép, nhưng người đóng chung với bà để lại ấn tượng sâu sắc là Hùng Cường. Vào thập niên 1960, họ đã tạo nên cặp đôi "sóng thần" cực kỳ nổi tiếng.

    Bạch Tuyết - Hùng Cường từng được xem là cặp "sóng thần" của sân khấu cải lương.

    3 lần "biếng sống", tự tử bất thành

    Cô bé 8 tuổi Bạch Tuyết khi biết tin mẹ mất vì tai nạn giao thông đã không tin và không chấp nhận được sự thật đau lòng. Trong đầu bà luôn day dứt câu hỏi: "Mẹ đã mất vậy mình còn sống để làm gì?". Đến năm 16 tuổi, Bạch Tuyết bén duyên với nghệ thuật, 18 tuổi đã có xe riêng, nhà riêng và tiền gửi ngân hàng, 20 tuổi đã bước tới đỉnh cao của danh vọng. Nhưng trong tâm trí bà, câu hỏi "Sống để làm gì?" vẫn cứ lởn vởn. Đó cũng là nguồn cơn khiến nữ nghệ sĩ tìm đến cái chết lần đầu tiên. Tuy nhiên, bà đã được cứu.

    Nữ nghệ sĩ luôn bị nỗi ám ảnh tuổi thơ đeo bám trong tâm trí.

    Một lần khác, khi chứng kiến cảnh một cô gái làng chơi bị khách quỵt tiền, cướp ví và đánh cho đến chết lúc đang trên đường đi diễn về khuya, bà tự dằn vặt lương tâm khôn nguôi. Để tìm đến cái chết, về nhà bà tự dùng lưỡi dao lam cắt mạch máu của mình. Phát hiện Bạch Tuyết đang nằm bên vũng máu, một cô bạn liền đưa bà vào viện cấp cứu.

    Lần thứ ba, sau khi diễn xong một vở diễn, bà được khán giả chạy lên sân khấu ôm hôn, tặng hoa và chụp hình rất thắm thiết. Bà tiếp tục nghĩ tới cái chết vì sự hạnh phúc tột cùng lúc đó. Được người hâm mộ yêu thương như thế, bà cho rằng bây giờ mà chết họ còn tiếc nuối. Lỡ để mai này già cả, xấu xí, yếu đuối... có chết chưa chắc đã được người hâm mộ yêu thương.

    Sau khi tìm đến cái chết lần thứ 3, cuối cùng bà vẫn được cứu sống

    "Qua 3 lần tìm đến cái chết với những lí do lãng xẹt, bây giờ, khi thấy những người nổi tiếng và tài hoa tìm đến cái chết, tôi không lấy đó làm ngạc nhiên. Bởi vì mỗi con người khi sinh ra, ai cũng có những cục bướu máu trong người phải tự giải quyết. Cục bướu máu đó chính là việc vượt qua những tổn thương của thời thơ bé, những áp lực của đời sống hiện tại và cả những khổ ải của kiếp người trần gian". Mãi đến khi đọc được cuốn sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ, NSND Bạch Tuyết mới dập tắt ý đồ tự tử. Cuốn sách này đã giúp bà trả lời được câu hỏi "Tại sao mình ở đây?" và "Sống để làm gì?".

    Hai lần đổ vỡ hôn nhân

    Thành công đến với Bạch Tuyết khá dễ dàng, không hề giống như nhiều đồng nghiệp cùng thời. Thế nhưng trái ngược với sự nghiệp thăng hoa, tình duyên của Bạch Tuyết trăm bề lận đận. Ở tuổi xế chiều, bà phải sống cảnh một mình dù từng là người con gái xinh đẹp, giỏi giang.

    Bà từng trải qua 2 cuộc hôn nhân nhưng đều đứt gánh giữa đường. Giờ đây, bà lặng lẽ một mình nhưng luôn mỉm cười. Tận hưởng cuộc sống an nhàn, với Bạch Tuyết mọi sự lúc này đã tròn đầy, bà đã có một sự nghiệp thành công bên cậu con trai và vẫn cống hiến cho nghệ thuật.

    Câu nói "Hồng nhan đa truân chuyên" đã vận vào đời Bạch Tuyết.

    Bạch Tuyết có mối tình nổi tiếng với danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Cuộc hôn nhân đẹp của làng giải trí diễn ra sau khi cả hai yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, có thể nói là mối tình sét đánh chấn động Sài Gòn. Trong khi Bạch Tuyết là cái tên đình đám của làng cải lương thì Tam Lang là danh thủ nức tiếng của làng túc cầu. Đáng tiếc, cả hai không thể song hành đến cuối con đường.

    Ít thời gian dành cho nhau vì đều là những người nổi tiếng, họ thường xuyên bị công việc cuốn đi. Họ dần trở nên lạnh nhạt bởi sự xa cách trong tình yêu. Tiếng khóc trẻ thơ cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này. Phước lành mãi không đến với Bạch Tuyết dù bà đã sẵn sàng bỏ lại mọi thứ để trở thành một người mẹ. Vì phải chịu những áp lực vô hình mà sau một thời gian họ chia tay.

    Đón nhận cú sốc vì hôn nhân đổ vỡ, Bạch Tuyết đã rất đau, rất khổ nhưng bà hiểu, đó là cái kết không thể tránh khỏi. Sau một thời gian, trái tim giai nhân lại một lần nữa loạn nhịp. Để tiếp tục bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, bà đã bỏ lại nỗi đau xưa để toàn tâm toàn lý làm vợ. Chồng bà là Charles Đức, quốc tịch Pháp. Ông có đến 2 bằng Tiến sĩ kinh tế ở Pháp và Tiến sĩ luật học ở Hà Lan. Khi Bạch Tuyết 29 tuổi, bà được làm mẹ.

    Bà sống an nhàn bên cậu con trai ở tuổi xế chiều.

    Bạch Tuyết luôn gọi người chồng thứ 2 một cách trìu mến là "anh Ba Đức". Cuộc sống hôn nhân của họ luôn đong đầy hạnh phúc, sự yêu thương nhờ tâm đầu ý hợp. Thế nhưng, cuộc đời có những lối rẽ bất ngờ mà đôi khi người ta chẳng thể lý giải được. Mỗi người bước đi trên con đường riêng đã chọn, mang theo đó là bao yêu thương thuở nào được gói ghém lại cùng cuộc chia tay rất nhẹ nhàng. Cậu con trai Valery Bauduin hiện đang công tác ở Mỹ chính là quả ngọt cuối cùng mà Bạch Tuyết có được. Khi 12 tuổi, cậu sang nước ngoài học tập. Đến nay, Bảo Giang đã lập gia đình và có 3 người con.

    Bà thường tâm sự rất trìu mến về người con trai của mình: "Val ra nước ngoài sống từ năm lên 12 tuổi. 17 năm xa quê rồi nhưng trong từng câu nói với cha mẹ, bao giờ đầu câu cũng là tiếng 'dạ thưa' quen thuộc. Tôi yêu con và tự hào về con trai mình. Trong chuyến sang Mỹ thăm con trai, món quà duy nhất tôi mang theo cho con là chiếc đàn bầu. Ngày đám cưới, Val gẩy đàn bầu cho tôi ca bài vọng cổ Lòng mẹ. Nghệ thuật kỳ diệu và thiêng liêng vô cùng, đã nối dài thêm tình yêu mẹ con và gia đình tôi".

    Tái xuất với vai trò mới, được mệnh danh là "Rich Woman"

    Hiện nay, dù đã gần 70 tuổi nhưng NSND Bạch Tuyết vẫn giữ được nét trẻ trung, thần thái an yên như chính lời tâm sự của bà: "Bây giờ cô Ba cũng sống nhẹ nhàng lắm, không có gì phiền muộn cả". Động lực để bà không ngừng cống hiến cho nghệ thuật cải lương nước nhà chính là sự viên mãn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.

    NSND Bạch Tuyết vẫn trẻ trung khi đã gần 70 tuổi .

    Để chia sẻ với thế hệ trẻ về sự hay, đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc, bà vẫn đóng góp sức mình cho nghệ thuật cải lương và tích cực ngồi ghế giáo khảo các chương trình truyền hình, trong đó nổi bật nhất là Sao Nối Ngôi. Mỗi tuần khán giả lại thấy Bạch Tuyết diện một bộ phục trang mới, nữ nghệ sĩ có hẳn một ê – kíp riêng để make up, làm tóc và chuẩn bị phục trang. 

    NSND Bạch Tuyết thổ lộ: "Một nghệ sĩ phải mới, cái mới đó phải đi chung với khung cảnh, các thí sinh luôn biến đổi làm mới hà cớ gì tôi lại không chịu làm mới bản thân mình. Mới chưa chắc đã hay nhưng dù sao cũng phải mới, đặc biệt về nghệ thuật. Bản thân người bình thường, họ đã thích mới".

    NSND Bạch Tuyết được mệnh danh là "Rich Woman".

    Được biết, NSND Bạch Tuyết dành nửa tỷ đồng cho những bộ trang phục thiết kế riêng, đi kèm phụ kiện, kiểu tóc, trang điểm. Để nhận được sự tôn trọng của khán giả dành cho mình, NSND Bạch Tuyết đánh giá chi phí đầu tư hình ảnh đó là tương xứng. Thậm chí, cộng đồng mạng còn cảm phục và phong cho bà danh hiệu "Rich Woman".

    Có thể những người quen nhìn Bạch Tuyết trước đây sẽ cảm thấy khó chịu nhưng những người trẻ đôi khi sẽ ủng hộ bởi bà cho biết bản thân không sợ bị công chúng ném đá, một người nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng thì lúc nào cũng phải đổi mới mình, chẳng phân biệt tuổi tác hay thế hệ.

    Cuộc đời đầy bi kịch của 4 thần đồng nước Nga

     Nadya từng mơ ước mình sẽ trở thành họa sĩ hoạt họa, nhưng giấc mơ ấy không trở thành hiện thực. Thần đồng trẻ đã qua đời đột ngột do chứng xuất huyết não từ một tình trạng khuyết tật bẩm sinh trong các động mạch não ở tuổi 17, thời điểm Nadya còn đang đi học.

    Thi sĩ Nika Turbina

    Thần đồng Nika Turbina (1974-2002), biết sáng tác thơ tình dành cho người lớn từ năm lên 4 tuổi.

    Cô gái gốc người Crimea, Nika Turbina, từng được ngợi ca là “Anna Akmatova thứ hai”, cô là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của nước Nga. Nhưng định mệnh đã phủ bóng đời cô.

    Tài năng văn chương của Nika bộc lộ từ rất sớm khi chỉ mới lên 4 tuổi, cô bé bắt đầu viết những vần thơ và đọc cho cha mẹ mình. Đó không thuần là những bài thơ mà trẻ con thường sáng tác mà là những vần thơ tình dành cho người lớn. Tài thơ của Nika Turbina nhanh chóng được phát hiện và cô bé nhận được vô số giải thưởng.

    Khi Nika Turbina lên 9 tuổi, cô bé đã cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tiêu đề “First Draft” ở thủ đô Moscow. Tập thơ nhanh chóng được dịch sang 12 thứ tiếng và đã đoạt được giải thưởng Sư tử vàng ở Venice (Ý).

    Đằng sau ánh hào quang rực rỡ thì có một thực tế mà rất ít người biết rằng thần đồng thơ Nika Turbina bị mắc chứng hen phế quản, bệnh ngày càng trở nặng và việc điều trị không hiệu quả đã khiến cô rơi vào mất ngủ và trầm cảm mãn tính. Turbina tếu táo rằng cô thích tự gọi mình là “Dạ nhân” (Người đêm) và lý giải về tên gọi này: “Chỉ khi đêm về, tôi mới cảm thấy mình được thế giới bảo vệ khỏi tiếng ồn, đám đông và cả bệnh tật của mình”.

    Nhiều năm trôi qua, nhà thơ thần đồng Nika Turbina năm nào đã trưởng thành và cô cũng ít quan tâm tới khán giả như thời cô còn là cô bé tài năng. Turbina cố gắng trở thành một người bình thường, cô lấy chồng và học nghề quay phim. Nhưng sự đời lắm chông gai, những năm cuối đời Nika Turbina bập vào ma túy và rượu chè.

    Họa sĩ Nadya Rusheva

    Thần đồng Nadya Rusheva (1952-1969), biết sáng tác tranh từ khi còn rất nhỏ.

    Những tác phẩm đầu tay của họa sĩ nhí Nadya Rusheva đã được vẽ nên trong lúc người cha đang say sưa đọc chuyện cổ tích cho con gái. Thực ra, Nadya không tham gia học ở lớp vẽ nào, nhưng kỹ thuật và cảm xúc phong cách sáng tác của cô bé đã gây ấn tượng cho các chuyên gia hội họa giàu kinh nghiệm.

    Năm 12 tuổi, Nadya đã có buổi triển lãm mỹ thuật đầu tiên, tiếp theo đó tổ chức thêm 15 buổi triển lãm khác ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “The Master and Margarita” của nhà văn Mikhail Bulgakov, Nadya đã sáng tác ra một chuỗi các bức vẽ minh họa trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này.

    Một bức minh họa trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “The Master and Margarita” của nhà văn Mikhail Bulgakov do họa sĩ Nadya Rusheva vẽ.

    Sau đó, bà Elena, người vợ góa của Bulgakov, đã không tiếc lời ca ngợi những bức minh họa này là tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất mà bà từng biết. Nadya từng mơ ước mình sẽ trở thành họa sĩ hoạt họa, nhưng giấc mơ ấy không trở thành hiện thực.

    Thần đồng trẻ đã qua đời đột ngột do chứng xuất huyết não từ một tình trạng khuyết tật bẩm sinh trong các động mạch não ở tuổi 17, thời điểm Nadya còn đang đi học.

    Nhà toán học Pavel Konoplev


    Pavel Konoplev là một thần đồng của Liên Xô mà tên tuổi nổi tiếng vào thập niên 1980. Mới lên 3 tuổi, cậu bé Pavel đã có thể làm được những phép toán rất phức tạp. Năm lên 5 tuổi, Pavel đã chơi thành thạo đàn dương cầm. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Pavel đã tỏ ra khá am tường môn vật lý.

    Dù có nhiều thành tích giỏi giang, nhưng Pavel hãy còn là đứa trẻ và thậm chí cậu bé còn hay viết thư xin quà của Ded Moroz (ông già Noel của Nga). Quyết định sẽ tận hiến cả đời mình cho sự nghiệp toán học, thần đồng Pavel Konoplev ghi danh theo học tại Đại học công Moscow vào năm mới 15 tuổi. Pavel chính là một trong số những người đầu tiên phát triển các chương trình máy tính thời kỳ đầu của Liên Xô.

    Thần đồng toán học Pavel Konoplev, tài hoa rực rỡ nhưng chỉ sống trên đời đúng 29 năm.

    Nhưng thành công trong cuộc đời của Pavel đã bị xóa sổ bởi những chứng rối loạn tinh thần nghiêm trọng và buộc nhà toán học tài ba phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Buồn thay, những ngày tháng cuối cùng trong đời mình, Pavel đã ở tại một phòng khám tâm thần và qua đời năm 29 tuổi bởi một cục máu đông ngay trong động mạch phổi.

    Họa sĩ tranh thiếu nhi Sasha Putrya

    Một bức vẽ sống động của thần đồng Sasha Putrya.

    Trong suốt 11 năm của cuộc đời ngắn ngủi, họa sĩ nhí Sasha Putrya đã sáng tạo ra hơn 2.000 tác phẩm. Cha của Sasha là một họa sĩ và ông muốn con gái nối nghiệp mình. Sasha vẽ về những người mà cô bé gặp gỡ, từ các nhân vật tiểu thuyết mà cô bé đọc, những bức vẽ về động vật mặc quần áo như con người, ngay cả bức vẽ bà Mary (mẹ đẻ của chúa Jesus).

    Năm 1986, Sasha tình cờ xem bộ phim Ấn Độ mang tiêu đề “Disco Dancer” và ngay lập tức đã “phải lòng” với xứ sở đó. Cô bé vẽ một bức tranh chân dung về Indira Gandhi cũng như những bức vẽ về đàn ông và đàn bà trong trang phục Ấn Độ và tự xem mình là một cô gái Ấn. Cô bé luôn mang bức tranh chân dung Mithun Chakraborty bất kỳ khi nào cô muốn.

    Thần đồng Sasha Putrya (1977-1989), chỉ sống đúng 11 năm, nhưng biết nói 7 thứ tiếng và vẽ được hơn 2.000 tác phẩm.

    Không may là ở tuổi lên 5, Sasha được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Sasha vẫn lạc quan để sống và sáng tác suốt 6 năm sau đó trước khi qua đời vào năm 1989. Nhưng, di sản của Sasha Putrya đã không hề bị lãng quên. Trong khoảng thời gian 1989-2005, đã có 112 buổi triển lãm cá nhân trưng bày những tác phẩm của Sasha lúc sinh thời.

    Các bức vẽ sống động của thần đồng Sasha đã được công bố ở Áo và Poltava (Ukraine), ngày nay nơi này dùng làm Phòng trưng bày nghệ thuật tranh thiếu nhi của Sasha Putrya. Những họa sĩ trẻ ngày nay có mấy ai thành công hơn Sasha: khi sinh thời thần đồng hội họa có thể nói lưu loát 7 thứ tiếng!

    Nhà thơ Trần Mai Ninh và những vần thơ về Nha Trang thời kháng chiến

    Nhà thơ Trần Mai Ninh có thể còn khá lạ với nhiều người, nhưng ở xứ Thanh, tên ông được dùng để đặt cho tên giải thưởng báo chí của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, những bài thơ hay nhất, được nhiều người biết đến nhất của ông là Tình sông núi và Nhớ máu đều có những câu viết về Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày kháng chiến chống Pháp.


    Ở bài Tình sông núi, ông đã tả lại bức tranh xứ Trầm trong những ngày chiến tranh nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp: “Nha Trang đẹp/Diên Khánh xanh non/... Tôi lim dim cặp mắt/Không thấy nơi nào không đẹp/Không giàu…”. Vẻ đẹp của Nha Trang - Khánh Hòa 75 năm trước là vẻ đẹp của những làng quê đất Việt thuần nông với: “Lúa xanh như biển rộng/Núi vươn cao khắp các sườn đèo/Rẫy đè lên rẫy/Bắp và khoai tiếp bắp và khoai.../Mấy sông là mấy vạn chài/Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang.../Gầu nước gieo vàng/Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng…”. Thanh âm cuộc sống của làng quê Nha Trang - Khánh Hòa đã chạm đến tâm hồn nhà thơ. Trong bối cảnh đó, ông càng cảm nhận rõ vẻ đẹp của mỗi người dân, mỗi chiến sĩ tham gia kháng chiến. Để giữ gìn được những vẻ đẹp bình dị đó là mồ hôi, máu và công sức của cả dân tộc kiên gan, bền chí kháng chiến: “Dân tộc mồ hôi thấm đất/Bắp căng như đồng/Tay ghì cán cuốc/Tay ghì tay xe/Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...”. Sự hòa quyện giữa vẻ đẹp quê hương, đất nước với sức lao động, chiến đấu của mỗi người đã được nhà thơ gọi đó là một mối tình - tình núi sông, tình yêu Tổ quốc. “Có mối tình nào hơn thế nữa?/Trộn hòa lao động với giang sơn/Có mối tình nào hơn/Tổ quốc?”.

     


    Có thể thấy, bài Tình sông núi ra đời trong những ngày kháng chiến chống Pháp đã khắc họa lại được hình ảnh quê hương, đất nước khi đó. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện được cái nhìn về những con người mang sức sống mới khi được làm chủ đời mình.


    Cảm xúc thơ đó hoàn toàn khác với những gì được nhà thơ thể hiện trong bài Nhớ máu. Bài thơ này mặc dù được viết vào năm 1946 nhưng lại thể hiện ý chí căm hờn, lòng sục sôi đấu tranh cách mạng. Cái quỹ đạo tư tưởng, quỹ đạo thơ kêu gọi chiến đấu giành độc lập dân tộc của nhà thơ Trần Mai Ninh khi đó có hơi hướng giống với thơ Tố Hữu. Mỗi câu thơ như mệnh lệnh của lương tâm, tiếng gọi của trí tuệ và lý tưởng. Cũng chính vì thế, bài thơ có những câu thể hiện sự trần trụi của suy nghĩ và gợi hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến đấu: “Tôi đã thấy lòng tôi dậy/Rồi đây/Còn mấy bước tới Nha Trang/A, gần lắm!/Ta gần máu/Ta gần người/Ta gần quyết liệt/Ơi hỡi Nha Trang!/Cái đô thành vĩ đại/Biết bao người niệm đọc tên mi/Và Khánh Hòa vĩ đại!/Mắt ta căng lên/Cả mặt/Cả người/Cả hồn ta sát tới”. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn đó, có những con người được nhà thơ miêu tả bằng những câu chữ rất ấn tượng: “Những con người/Đã bước vào bất tử!/Ơ, những người!/Đen như mực, đặc thành keo/Tròn một củ/Hay những người gầy sát lại/Mặt rẹt một đường gươm”. Những con người đó là những chiến sĩ biệt động âm thầm nhưng đầy khí chất và nặng lời thề quyết tử vì Tổ quốc để cho một ngày: “Ta quyết thắng!/Việt Nam rồi đứng dậy/Sáng vô chừng/Rất tươi đẹp với Nha Trang và Nam Bộ…”.


    Những bài thơ được làm theo thể thơ tự do nhưng mỗi câu từ đều giàu sức tả, sức gợi, gây ấn tượng cho độc giả ngay từ lần đọc đầu tiên. Trong bối cảnh nhiều nhà thơ tên tuổi lúc bấy giờ vẫn chưa bắt nhịp được với thực tế kháng chiến thì 2 tác phẩm trên của nhà thơ Trần Mai Ninh đã cho thấy thi pháp lãng mạn cách mạng, phẩm chất trữ tình và dữ dội trong thơ.


    GIANG ĐÌNH

    Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

    Sài Gòn chuyện đời của phố: Nhớ mãi chương trình Đố vui để học

     Giữa thập niên 1960, trên Đài truyền hình Sài Gòn có chương trình Đố vui để học được học sinh đô thị xem nhiều và rất say mê. Đến giờ, nhiều người ở lứa tuổi trên dưới 60 vẫn hào hứng khi được nghe nhắc lại chương trình này.

    Quang cảnh buổi thu hình chương trình Đố vui để học cá nhân kỳ thứ 78 tại phim trường Đài truyền hình Sài Gòn /// Ảnh: Báo TGTD tập XVII số 12
    Quang cảnh buổi thu hình chương trình Đố vui để học cá nhân kỳ thứ 78 tại phim trường Đài truyền hình Sài Gòn
    ẢNH: BÁO TGTD TẬP XVII SỐ 12
    Chương trình này bắt đầu phát năm 1966, do Trung tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo dục (miền Nam) thực hiện. Những người tham gia điều hành chương trình là: các thầy cô dạy trung học như Đinh Ngọc Mô (dạy Pháp văn, có biệt tài về kịch nghệ), Lê Thanh Hoàng Dân (Phó giám đốc Trường Quốc gia Sư phạm), Cao Thanh Tùng (dạy Việt văn), Huỳnh Kim Quế (đã qua một khóa huấn luyện về vô tuyến truyền hình tại Đài Loan) và các ông bà Nguyễn Văn Đồng, Huỳnh Độ, Nguyễn Tú Anh, Đặng Ngọc Hương, Dương Thủy Ngân.
    Chương trình được mô phỏng tiết mục truyền hình của Mỹ Quiz Show và tiết mục Quitte ou double của Pháp, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục, tạo tinh thần thi đua học tập của học sinh, tập cho các em bình tĩnh, phản ứng nhanh, ăn nói mạnh dạn và lưu loát trước công chúng, khuyến khích các em ưu tú, tạo tinh thần học hỏi cho học sinh nói chung.
    Ở giải cá nhân, học sinh nam hay nữ các lứa tuổi từ trung học trở xuống đều có thể ghi tên dự thi, có chứng minh bằng thẻ học sinh hay căn cước. Ban tổ chức ưu tiên cho học sinh các tỉnh xa, nhất là khi thí sinh được ban giám hiệu trường tiến cử đi thi. Mỗi thí sinh sẽ trả lời 9 câu hỏi từ dễ đến khó, thời gian cho mỗi câu là 30 giây. Tiền thưởng tăng từ thấp đến cao, từ câu đầu đến câu cuối, bắt đầu từ 5 đồng, sau đó gấp đôi ở câu sau cho đến khi trả lời cả 9 câu là 1.280 đồng.
    Phần thi đồng đội là cuộc thi giữa hai trường khác nhau, cùng trình độ. Ví dụ đội của Trường cộng đồng Phú Vinh ở Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) với Trường cộng đồng Đồ Chiểu ở Gia Định. Mỗi đội gồm 3 thí sinh, có đội trưởng chịu trách nhiệm giới thiệu các bạn trong đội mình. Câu đố trong cuộc thi có 20 câu, mỗi câu 5 điểm nếu đáp trúng. Đáp được nửa câu hay một phần thì số điểm sẽ được ban giám khảo định. Câu hỏi vừa được đưa ra, đội nào bấm chuông trước được trả lời nhưng nếu sai, đội sau sẽ được trả lời. Nếu các thí sinh hai bên đều đáp chỉ gần đúng câu hỏi, ban giám khảo sẽ quyết định số điểm. Sau 20 câu, cộng điểm để xem ai thắng. Người chiến thắng được thưởng 13.000 đồng tính chung tiền mặt và tặng phẩm. Nhưng đội thua cũng được tặng 2.000 đồng.
    Có mấy chi tiết về chương trình mà học sinh lúc đó rất thích là: Các giám khảo khi giải thích câu hỏi hay thí sinh trình bày câu trả lời thì dùng bút lông viết lên bảng giấy to, hết giấy sẽ xé trang đó để viết tiếp ở trang sau. Lúc đó trường học toàn dùng phấn viết trên bảng. Nhìn chương trình, thấy giấy khổ lớn rất đắt tiền mà viết lên, xé liên tục nên mọi người xuýt xoa tiếc của. Đã vậy, bút lông lúc đó cũng được xem là loại tối tân! Đâu dễ mua và xài sang như kiểu Mỹ!
    Khi công bố giải thưởng, đám học trò mê sách thèm lắm. Có tên nhà hảo tâm được xướng lên thường xuyên, là Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân, thì hầu như chương trình nào cũng có tặng sách. Trong số phần thưởng có nhãn hiệu trà Đỗ Hữu. Đây là hình thức "xã hội hóa giáo dục", được khéo léo lồng ghép với quảng cáo thương hiệu, cũng là nét đẹp và dấu ấn khó phai của truyền hình giáo dục ngày trước.
    Giọng điều khiển chương trình của Giáo sư Cao Thanh Tùng, một vị thầy đeo kính trắng có chiếc cằm vuông, rất được ưa thích vì thầy dẫn chương trình rất sinh động.
    Tính từ khi phát chương trình đầu tháng 7.1966 đến đầu năm 1969, Đố vui để học phát được 79 chương trình cá nhân và 29 chương trình đồng đội, mỗi tuần một chương trình. Có khoảng 1.000 thí sinh dự thi, phần lớn là học sinh tiểu học. Cứ 100 thí sinh thì có 10 thí sinh đáp trúng tất cả 9 câu hỏi.

    Sài Gòn chuyện đời của phố: Khách sạn cổ nhất còn đến bây giờ

     Trong cuốn Đông Dương ngày ấy (1898 - 1908), tác giả Claude Bourrin cho biết khi ông ngụ tại Continental vào năm 1898 thì Nhà hát Thành phố đang được xây dựng. Khách sạn Continental đã được khánh thành trước đó 9 năm.

    Khách sạn Continental thời kỳ hưng thịnh thập niên 1930 - 1940 /// Ảnh tư liệu
    Khách sạn Continental thời kỳ hưng thịnh thập niên 1930 - 1940
    ẢNH TƯ LIỆU
    Từ năm 1907 - 1910 tầng dưới của khách sạn là nhà sách của F.H.Schneider. Ông Schneider là người sáng lập ra tờ Lục tỉnh tân văn (1907) do ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút.
    Tác giả Horace Bleackley trong quyển A tour in southern Asia (1925 - 1926) viết về không khí khách sạn thời đó như sau: “Bữa ăn được phục vụ tại các bàn nhỏ, thắp sáng bởi các ngọn đèn thần tiên trên hàng hiên rộng được che phủ bởi cây cối của đường Catinat (nay là Đồng Khởi - NV), và từ chín giờ tối cho đến nửa đêm, cảnh tượng phảng phất như một nhà hàng tại Champs Élysées. Bên kia đường một nhóm ăn mặc bảnh bao bước ra từ hành lang của rạp chiếu bóng hàng đầu... và gia nhập bữa tiệc đêm tụ tập tại các chiếc bàn nhỏ trên vỉa hè đằng trước khách sạn. Một dòng xe và xích lô, chở đầy đàn ông và đàn bà ăn mặc nhẹ nhàng để đi hóng gió, lướt đi không ngừng dọc theo con đường. Có lẽ một cuộc khiêu vũ đang diễn ra trong phòng khách của khách sạn, quay mặt ra khoảnh sân vuông vức” (Ngô Bắc dịch).
    Khách sạn trở thành nơi lui tới của những du khách danh tiếng, các nhà văn, nhà thám hiểm: André Malraux, Bodard, Jacques Laurent, James Jones... và sau này là các nhà báo nổi tiếng khác. Những năm trước 1945, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy lên Sài Gòn thường đến ngụ tại khách sạn Continental. Continental lúc đó đã là một biểu tượng của Sài Gòn.
    Kể từ ngày khánh thành, khách sạn đã trải qua vài đời chủ cho đến năm 1930, con rể của Đốc phủ Mầu ở Mỹ Tho, Mathieu Franchini, người Pháp gốc đảo Corse, mua lại khách sạn Continental. Mathieu điều hành khách sạn trong suốt thập niên 1930 cho đến năm 1955. Vợ ông là bà Lê Thị Trọng, một phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống, đã sinh cho chồng cậu con trai Philippe Franchini, sau này nối nghiệp cha mình làm chủ khách sạn trong những năm 1965 - 1975.
    Theo người con Philippe Franchini viết trong cuốn sách của mình Continental Saigon, khi mới mua khách sạn, một người bạn của cha (Mathieu) đã nói với ông: “Mathieu, anh vừa mới tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy!”. Có một số tài liệu cho rằng khách sạn là “của hồi môn” từ gia đình Đốc phủ Mầu khi con gái đi lấy chồng. Muốn xác định lại điều này, tháng 5.2017, qua sự giới thiệu của bà Loan de Fontbrune tại Paris (Pháp), tôi liên lạc được với ông Philippe Franchini và được ông trả lời về khoản tiền mua khách sạn như sau: “Khi cha tôi mua Continental với số tiền 155.000 piastre (tiền Đông Dương) thông qua một cuộc đấu giá, ông đang là đại lý của Hãng General Motors (chuyên sản xuất xe Chevrolet, Pontiac, Cadillac...). Đây là một khoản tiền trả góp khá lớn trong đó bao gồm chi phí cho những hạng mục cần sửa chữa. Ông ngoại tôi, Đốc phủ Lê Văn Mầu, đã giúp cha tôi một khoản vay mà sau đó cha tôi đã trả hết khi khách sạn hoạt động trở lại”.
    Mua được khách sạn, Mathieu bắt tay vào việc sửa chữa và trang trí lại nó. Philippe kể trong sách về công việc của cha: “Chính Albertini, một tay trang hoàng người Corse, đảm trách công việc này. Gian phòng thông hàng hiên được chuyển đổi thành một nhà hàng cà phê lớn tiện nghi và thanh lịch, những chiếc cột hình trụ và những bức tường phủ lưới gỗ đan chéo nhau được sơn xanh lá cây, trần nhà được thắp sáng bằng những chiếc đèn áp tường miệng loe”.
    Chắc hẳn bức tượng đồng Napoleon, một người cùng gốc đảo Corse như ông Mathieu Franchini được mua về trong thời gian này. Bức tượng hiện nay vẫn còn đặt ngay tại quầy nhận khách ở sảnh lớn của khách sạn.
    Giữa thập niên 1950, nhà văn Anh Graham Greene đến ngụ ở khách sạn và viết cuốn sách Người Mỹ trầm lặng. Hiện nay, trước căn phòng 214 ông từng ở có gắn tấm bảng đồng ghi hàng chữ: The famous British writer, Graham Greene, stayed in this room when writing his novel “The quiet American”.

    Sài Gòn chuyện đời của phố: Loại sơn 'tân kỳ' và 'mỹ diệu'

     Nghệ thuật vẽ tranh sơn mài được tìm tòi và phát triển nhờ các giáo sư và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã sớm có thành tựu với nhiều tác phẩm được yêu thích từ thời Pháp thuộc.

    Lớp làm tranh sơn mài tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn
    Lớp làm tranh sơn mài tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn
    Sau khi hai miền chia cắt năm 1954, sơn mài ở từng miền có hướng đi khác nhau. Ở miền Nam, số họa sĩ theo đuổi nghệ thuật sơn mài không nhiều, nổi tiếng nhất vẫn là họa sĩ tài danh Nguyễn Gia Trí.
    Tiếp đó là các họa sĩ Ủ Văn An, Lê Thy, Trương Văn Thanh, Nguyễn Thành Lễ... Năm 1942, họa sĩ Ủ Văn An (cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương) có tổ chức một triển lãm cá nhân tại khách sạn Continental với nhiều phác thảo cho sơn mài, là phong cảnh ông ghi chép trên đường từ VN đến Campuchia. Nhưng cuộc triển lãm lớn về tranh sơn mài ở miền Nam chính là của các giáo sư Trường Mỹ nghệ Gia Định là Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Anh (đều là cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương), tổ chức tại sảnh phía trước Nhà hát Thành phố năm 1952.
    Ngành mỹ nghệ ở miền Nam trước và sau 1954 tìm thấy ở nghệ thuật sơn mài cơ hội làm ra những tác phẩm tráng lệ, sang trọng như trước kia từng làm mê mẩn giới sưu tập nghệ thuật thời Pháp thuộc, nên họ đã tiếp tục lưu giữ và phát triển nó. Chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật ngày càng cao trong tác phẩm của các công ty mỹ nghệ lớn như Thành Lễ, Trần Hà ở Bình Dương và Công ty Mê Linh ở Sài Gòn.
    Họa sĩ vẽ tranh sơn mài giai đoạn cuối thập niên 1950 cho đến 1975, nay hầu như không còn mấy người. May thay, trong số đó, chúng tôi gặp được họa sĩ Nguyễn Văn Trung, họa sĩ theo đuổi sơn mài khá bền bỉ từ sau 1954 cho đến sau này, để tìm hiểu thêm về hoạt động của giới làm tranh sơn mài trước 1975.
    Năm 1958, đoàn đại biểu Nam VN đi dự triển lãm Công giáo quốc tế tại Bruxelles (Bỉ) đặt Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn làm vài tác phẩm để mang đi triển lãm. Trong đó, thực hiện một bộ tranh sơn mài bao gồm 12 bức tranh vẽ 12 giai đoạn cuộc đời của Chúa Giê-su mà Giáo sư Lê Văn Đệ giao cho 12 sinh viên thực hiện, và một bức tranh lớn diễn tả nỗi thống khổ của chúa Giê-su trong sự tích Công giáo dài tới 1,8 m, cao khoảng 1,2 m, gồm ba bức ghép lại.
    Sau đó, lại có đặt hàng tranh sơn mài từ tổ chức Lao động miền Nam Việt Nam để tặng tổ chức Lao động quốc tế tại Thụy Sĩ. Đó là bức tranh rất lớn, ngang gần 3 m, dài 7 m lấy tên là Lao động Việt Nam. Khi thực hiện xong tác phẩm này, trường nhận được số tiền lớn, xây hồ nước, xây phòng ủ tranh gắn máy lạnh, mua vật liệu sơn mài. Bức tranh này sau được đưa sang thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trưng bày trong một cuộc triển lãm của VNCH và có Tổng thống Ngô Đình Diệm sang khánh thành.
    Sơn nhân tạo
    Khoảng năm 1960, giới kỹ thuật ở Sài Gòn đã sáng chế ra một loại sơn nhằm thay thế nguyên liệu sơn ta giá cao, để làm tranh sơn mài. Đó là sơn nhân tạo của kỹ thuật gia Phạm Văn Thành.
    Loại sơn này được báo chí lúc đó cho là “tân kỳ và mỹ diệu, có đủ màu như sơn dầu, dễ dùng, không đắt và rất bền”. Sơn này được giới thiệu là hợp chất của vài nguyên liệu nhập từ nước ngoài, pha trộn với vài thứ nhựa cây trong nước, có cả nhựa cây sơn (không nói là nhựa cây sơn từ đâu), giữ được nguyên thể của nhựa cây sơn nhưng mau khô hơn, chỉ 14 hay 15 tiếng là mài được, có thể dùng cọ hay thổi như sơn ta. Sơn này bóng láng như sơn mài, có thể cẩn trai ốc, khảm vỏ trứng, vẽ vàng bạc được, không cần ủ mài, sơn lên đồ gỗ, đồ sành đều được. Đã vậy khi khô sơn có thể chết như sơn ta, nghĩa là khi lớp này khô, lớp khác chồng lên thì khi mài đi, hai màu không bị lẫn lộn qua nhau.
    Với nhiều ưu điểm như vậy, kỹ thuật gia này và một số người rất tin tưởng vào tương lai ứng dụng sơn trong ngành mỹ nghệ miền Nam. Đã có một cuộc triển lãm tranh và đồ mỹ nghệ thực hiện bằng sơn nhân tạo này tại Phòng Triển lãm Đô thành tại Sài Gòn vào tháng 1.1961 và họa sĩ Nguyễn Cường đã dùng sơn này sáng tác các họa phẩm trưng bày tại Câu lạc bộ báo chí Sài Gòn tháng 1.1962. Tuy nhiên, sau những hoạt động đó, không thấy ai nhắc đến phát kiến này nữa.

    Sài Gòn chuyện đời của phố: Thành phố mở rộng và đô thị hóa

     Trước năm 1954, vẻ hào nhoáng đẹp đẽ của TP.Sài Gòn chỉ tập trung ở các con đường sầm uất như Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), Catinat (Đồng Khởi)... và một số đường lân cận.

    Đường Trương Minh Giảng năm 1970 /// Ảnh: J.B
    Đường Trương Minh Giảng năm 1970
    ẢNH: J.B
    Sài Gòn trở thành một đô thị rộng lớn như sau này chỉ từ năm 1954 trở đi, khi người Pháp rút về nước và thành phố bắt đầu được chỉnh trang.
    Từ đó, thành phố này mở rộng ra các hướng và đô thị hóa với tốc độ cực nhanh. Phía đông, nhà cửa đã vượt qua bên kia cầu, tới Tân Thuận Đông, cách trung tâm 5 km, bên kia sông tới Thủ Thiêm, gần đến Giồng Ông Tố cách trung tâm 3 km. Phía bắc, khu đô thị tràn kín toàn bộ Phú Nhuận, lan ra tới Gò Vấp - Hóc Môn. Những khu vực như ngã ba Ông Tạ, Xóm Mới, ngã năm Chuồng Chó, ngã tư Bảy Hiền trước đó vắng vẻ thì tới năm 1963 đã dày đặc nhà cửa. Phía tây, nhà mọc đến Phú Lâm, Phú Định. Phía nam bên kia Kinh Đôi, nhà mọc tới Đông Phú, Bình Đông, Chánh Hưng...
    Khu Pétrus Ký (đường Lê Hồng Phong) và bến xe lục tỉnh
    Trước 1954 là khu nhà lá xây cất tạm bợ không hàng lối. Trước đó, có đến một cây số những chiếc xe đò đậu sát nhau từ ngã tư Nguyễn Trãi đến gần Trường quốc gia Hành chính (nay là Học viện Hành chính quốc gia). Xe từ ngã sáu chạy về lục tỉnh đã phải len lỏi qua những con đường nhỏ hẹp và đông xe cộ. Sau đó, bến xe ấy được giải tỏa. Từ dự án phóng đường lớn nối từ Trần Hưng Đạo đến đường Trần Quốc Toản (Ba Tháng Hai) để xe cộ có lối thoát đi lục tỉnh thuận tiện và nhanh chóng, bến xe ở ngã sáu Sài Gòn dời về đây. Khu Pétrus Ký trở nên phồn thịnh từ khi có bến xe. Đường vừa làm xong thì nhà cửa hai bên cũng xong. Cho đến thời điểm 1963 thì xe cộ lúc nào cũng ra vô huyên náo, từ 4 - 5 giờ sáng cho đến 12 giờ khuya.
    Đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo B)
    Đến thời điểm 1963, đã có rất nhiều nhà mới mọc lên dọc theo đường. Vì là đại lộ chính của Chợ Lớn, các nhà hàng lớn và sang trọng đều được tập trung về đây. Trong số các thương gia Hoa kiều, có khá đông người mới di cư từ những đô thị lớn của Trung Hoa lục địa về nên họ đem theo tất cả các lề lối buôn bán ở những đô thị quốc tế như Thượng Hải, Bắc Kinh... Cách bày biện cửa hàng cũng như hàng hóa, cả bảng hiệu quảng cáo, đều được đổi mới.
    Từ 1954, những tòa nhà mới xây có nhà hàng Đồng Khánh, nhà hàng Thủ Đô 7 tầng, Pháp Hoa ngân hàng với một dãy nhà 3 tầng mới cất ở giữa khu đại lộ.
    Đường Trần Quốc Toản (Ba Tháng Hai)
    Đây là một xa lộ mới mở của vòng đai đô thành để cho xe cộ qua lại, khi muốn vào bên trong thành phố hay từ bến tỏa đi các tỉnh. Đây cũng là con đường để xe đi từ các tỉnh miền Đông thẳng sang các tỉnh miền Tây, không cần ghé qua thành phố, giảm áp lực cho giao thông nội đô lúc đó đã bắt đầu tăng. Đường dài khoảng 5 km từ đầu nối ngã năm Yên Đỗ (Lý Chính Thắng), Hiền Vương (Võ Thị Sáu), Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), Nguyễn Thượng Hiền thẳng tới Phú Lâm gặp đường Lục Tỉnh (Hùng Vương) để đi về các tỉnh miền Tây. Đường rộng có ba dòng xe đi và ba dòng xe về lúc nào cũng tấp nập xe chạy. Trên đường Trần Quốc Toản đối diện với khu Học viện Quốc gia Hành chánh đương xây cất, nhà dân đã mọc kín, toàn là nhà đẹp và đắt tiền.
    Đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ)
    Đây là con đường tiêu biểu cho sự nỗ lực xây dựng trong giai đoạn chín năm 1954 - 1963. Trước năm 1954, khi chưa phóng con đường này ra tới khu Lăng Cha Cả thuộc ngoại ô thành phố, đây là một con đường nhỏ hẹp băng qua các ruộng lúa, vườn cây, vườn rau. Chỗ sau này là chợ Trương Minh Giảng với khu phố lầu chung quanh là một bãi rác khổng lồ. Cả một dọc dài từ ngã ba đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Quang Diệu) trở đi đã được coi là một vùng quê xa xôi hẻo lánh, không ai muốn bước chân tới sau khi mặt trời lặn. Sau chín năm, dọc hai bên đường gần năm cây số đã thấy toàn là nhà mới cả. Các khu cư xá, tu viện Đa Minh, biệt thự lầu, Trường tiểu học Trương Minh Giảng, dãy phố buôn bán, rạp hát, chiếu bóng... được xây dựng trong vòng bốn năm từ 1959 - 1963.
    Khu Ngã Bảy và xóm Bàn Cờ
    Khu Ngã Bảy, nơi gặp gỡ của các con đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú), Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ), Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) là đầu mối giáp ranh giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, song song với đầu mối khác tại ngã tư Cộng Hòa -Trần Hưng Đạo.
    Ngã Bảy là một góc của khu Bàn Cờ, khu đông dân nhất Sài Gòn, với đường ngang dọc vuông vắn như ô bàn cờ. Các con đường mới mở trong khu Bàn Cờ cũng như các con đường phía ngoài như Cao Thắng, Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Đốc Phủ Thạnh (Nguyễn Sơn Hà), Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu)... đều kín nhà, hầu hết là nhà buôn bán.
    (Dựa vào tư liệu báo Sáng Dội Miền Nam số 48 tháng 6.1963)

     
    Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons