Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Đượm làn hương mùi già, nhớ hương vị Tết Xưa.


Gánh mùi già một mình lang thang trong chiều mưa phùn tháng Chạp. Tiếng mưa róc rách lạnh lẽo không át được tiếng rao vang vảng cùng làn hương dịu nhẹ ấm áp. Mùi về, Tết xưa bắt đầu trở lại rồi…
Nét xuân sơn của ngày Tết
Nếu như nhắc đến Tết Việt, ai ai cũng thường nhớ tới hoa mai hoa đào, nhớ tới bánh chưng bánh tét, thì cũng không ít người khó quên đi làn hương ấm áp của mùi già.
Hương mùi già đẹp cả về phong vị lẫn tinh thần trong văn hóa Tết xưa của người Việt. Đặc biệt đối với những người con ở làng quê Bắc Bộ.
Chiều 30 tháng Chạp, các bậc cao niên thường dặn con cháu trong nhà ra chợ mua lá mùi già để tắm. Theo những lý giải dân gian truyền lại, tắm lá mùi già ngày cuối năm sẽ giúp xua tan đi những bụi trần năm cũ, giúp tinh thần thanh thản hơn đón năm mới về.
Chính vì vậy, hương mùi già phảng phất cánh mũi trẻ thơ là dấu hiệu ngày Tết đã về. Hương mùi đẹp tựa người thiếu nữ mong manh, vươn cánh tay thơm mướt kéo Tết xuân về nhà.
 Đượm làn hương mùi già, nhớ hương vị Tết Xưa - 1
 Hương mùi già gợi nhớ những ký ức Tết Xưa (Nguồn: Internet)
Tục xưa dần biến mất
Ngày nay, cuộc sống hiện đại bận rộn của chốn đô thành đang xua đuổi đi những giá trị truyền thống vốn có khi Tết đến gần. Con người bận lo toan cho những vật chất hào nhoáng mà quên đi những nét đẹp giản dị xưa cũ.
Hương mùi cũng vậy, nó dần biến mất đi để lại vị trí độc tôn ngày Tết cho vị rượu phương tây, hương hoa xứ người.
Có chăng, hương mùi chỉ trở về cùng ngày Tết trong ký ức của những người con xa quê, mong được cảm nhận làn xuân sơn ấy của Tết xưa.
Hoài niệm những giá trị xưa cũ
Để tìm mua mùi già về đun lấy hương lấy nước không khó, nhất là trong cuộc sống no đủ như ngày nay. Tuy nhiên, để lấy lại được giá trị truyền thống của ngày Tết xưa mới là điều nhiều người mong muốn.
Hương mùi già ngày Tết xưa chỉ trở về khi tinh thần ta trở nên thanh thản, khi những lo toan tất bật của cuộc sống hàng ngày tạm lắng quên đi, nhường chỗ cho ấm áp đoàn viên và tình thương ngày Tết.
Trong những thời điểm như vậy, lựa chọn những túi thơm có hương mùi già như “Túi thơm Thảo dược Hạt mùi – Tết Xưa” sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất cho mỗi người.
Có hương mùi thơm thoảng trong phòng, tức lòng ta bớt đi bao ưu phiền, lắng đi những chuyện buồn trong năm cũ, tâm trí ta thanh thản hơn, đón tân niên ấm áp hơn bên hương vị gia đình…
 Đượm làn hương mùi già, nhớ hương vị Tết Xưa - 2
 Sản phẩm Túi thơm Thảo dược Hạt mùi – “Tết Xưa”
Túi thơm Thảo dược Hạt mùi – “Tết Xưa” là sản phẩm do Công ty CP Sản phẩm Thiên nhiên Tâm Việt sản xuất & phân phối độc quyền ở Việt Nam. Sản phẩm được tạo nên bởi những hạt mùi tự nhiên 100% nguyên chất nhất. Túi thơm có tác dụng:
- Tạo mùi hương dịu nhẹ, ấm áp
- Giúp tinh thần sảng khoái, thanh thản
- Xua tan chuyện buồn năm cũ, đón may mắn năm mới về
- Hạt mùi tự nhiên nguyên chất 100% không qua xử lý hóa chất, bảo quản, an toàn tuyệt đối khi sử dụng.
Sở hữu Túi thơm Thảo dược Hạt mùi – “Tết Xưa” không đơn giản chỉ là mang hương mùi về nhà, ý nghĩa hơn là bạn mang hương Tết xưa trở về với những giá trị truyền thống nhất.
Đặt mua sản phẩm Túi thơm Thảo dược Hạt mùi – “Tết Xưa” ngay tại đây! Hoặc LH số điện thoại: 0904 888 540 để được tư vấn trực tiếp!
Mỗi lần hương mùi thơm phảng phất nhẹ nhàng qua cánh mũi, tâm trí lại vang vọng lên những khúc ca… Tết không chỉ về trong khoảnh khắc thời gian, Tết còn về trong tâm trí và cảm xúc đoàn tụ của mỗi người…






Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa

Cánh hoa hải đường đỏ thắm rung rinh trước gió gợi nhớ những hoài niệm về Tết của một thời gian khó đã qua.

Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 1
Ông Súy chăm sóc vườn hoa hải đường
Tôi đi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong ký ức về Tết xưa, đó là nồi bánh chưng bên bếp lửa rực hồng, là hơi ấm ổ rơm và tiếng pháo nổ giòn giã đêm giao thừa. Những năm 90 của thế kỷ trước, dù đói kém tới đâu mẹ tôi cũng cố mua một cành hoa hải đường về cắm trong bình trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Nụ hoa hải đường tròn như hòn bi ve đỏ thắm xen trong đám lá xanh ngắt viền răng cưa. Cuộc sống xoay vần, đã qua bao cái Tết bóng dáng hoa hải đường không còn hiện hữu trong căn nhà nhỏ của tôi. Bất giác nhớ về sắc hoa ấy, dù cuối năm bận bịu nhưng tôi vẫn tranh thủ tìm đến “vương quốc” của loài hoa này để được đắm mình trong miền nhớ Tết xưa.

Với diện tích 35ha, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương là thủ phủ của hoa hải đường ở TP.Hải Phòng. Tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Sinh Súy, 83 tuổi, là một trong những hộ trồng hải đường nhiều nhất và có truyền thống của làng Đồng Dụ. Căn nhà cấp 4 của ông ở giữa một vườn hải đường rộng hơn 3 sào. Trong bạt ngàn lá xanh mượt điểm xuyết những nụ, những hoa đỏ tươi, giống như chiếc áo mới sặc sỡ mà mẹ mua cho tôi mặc đi chơi Tết năm nào. Không gian bừng lên sức sống, cảm giác trong lành, thơm tho và bình yên tới lạ.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 2Hoa hải đường đỏ thắm mang đặc trưng của Tết xưa
Trong vườn nhà ông Súy có cây hải đường hơn 100 tuổi. Ông cho biết đã từng có người tìm đến mua với giá 30 triệu đồng nhưng ông không bán. “Đó là một người bạn tri kỉ từ đời ông bà nên bán làm gì. Mình phải giữ để nhắc nhở con cháu biết tổ tiên đã gây dựng nên thương hiệu cho làng Đồng Dụ này từ chính những đóa hoa hải đường thuần khiết”, ông Súy chia sẻ. Loài hải đường chỉ nở hoa một lần vào độ cuối năm, tuy chỉ có hương thơm thoảng qua nhưng lại rất cuốn hút bởi những cánh hoa đỏ tươi ôm lấy nhụy vàng rung rinh khoe sắc cả tháng trời. Cái màu ấy đặc trưng của Tết, tựa như những trang giấy đỏ viết thư pháp hay xác pháo tả tơi ở góc sân thuở nào.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 3Vợ chồng ông Súy bên cây hải đường cổ thụ
Ông Súy kể, từ ngày còn nhỏ ông đã theo mẹ mang hải đường đi bộ vào nội thành Hải Phòng bán dọc ven bờ sông Lấp. Cứ mỗi độ cuối năm là dân làng Đồng Dụ rục rịch cắt hải đường thành những cành nhỏ để bán. Dù không làm giàu được nhưng tiền bán hải đường cũng giúp người dân nơi đây sắm Tết tươm tất, ấm cúng. “Tôi còn nhớ năm nào ông nội tôi cũng cắt một cành hoa hải đường cắm bình trước ngày Ông Công Ông Táo.
Cứ như thế, gia đình tôi vẫn giữ cái nếp ấy, thấy hải đường tôi lại nhớ tới các cụ đã khuất!”, ông Súy nhớ lại. Tuy hoa hải đường không được chơi phổ biến như đào, quất, mai nhưng cái vẻ thanh tao, khiêm nhường của nó lại khiến người ta muốn về nhà ngay để quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm. Bao năm vật đổi sao dời, cha tôi đã về thiên cổ, còn mẹ tóc bạc mái đầu. Hoa hải đường vẫn thắm đỏ như nhắc nhớ về những người đi ngang qua cuộc đời.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 4
7
Vườn hải đường trước cửa nhà thờ tổ dòng họ Phạm ở làng Đồng Dụ.
Hoa hải đường nhắc nhớ Tết xưa - ảnh 5Hoa hải đường thắm đỏ như nhắc nhớ về những người đi ngang qua cuộc đời.





Niên hiệu của vua triều Lý mang ý nghĩa gì?


Điều khác biệt giữa các vua triều Lý và các triều vua khác là hầu hết niên hiệu các đời vua Lý đều dài đến 4 chữ. 

Niên hiệu là danh hiệu của vị vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi thay cho tên chính, đồng thời để tính năm trị vì. Theo các từ trong niên hiệu, người ta thấy niên hiệu bắt nguồn từ triết lý vương quyền trong Nho giáo, theo lý thuyết này, vua trị nước là do mệnh trời vì thế niên hiệu đều mang ý nghĩa tốt đẹp.
Thời nhà Lý, trải 9 đời vua trị vì trong 216 năm (1009- 1225) dù ở ngôi dài ngắn khác nhau nhưng đều chọn niên hiệu cho riên mình. Điều khác biệt giữa các vua triều Lý và các triều vua khác là hầu hết niên hiệu các đời vua Lý đều dài đến 4 chữ.
Về nguyên tắc, niên hiệu được lựa chọn rất cẩn thận vì nó là danh hiệu của người đứng đầu quốc gia với quyền lực to lớn, do đó niên hiệu khi đọc lên nghe phải có ân vang và trong sáng, ý nghĩa gửi gắm những sự cầu ước, nói lên điềm lành và có sự gắn kết với triết lý vương quyền, thần linh; thí dụ như các chữ liên quan đến trời, đến biểu tượng đế vương như chữ Thiên, Càn, Long…
Mặc dù đều có ý nghĩa cao quý, đẹp đẽ nhưng không phải vì thế mà niên hiệu có tính cách cố định. Thực tế có vua chỉ dùng một niên hiệu duy nhất trong suốt thời gian trị vì của mình, có vua thì thay đổi niên hiệu nhiều lần như trường hợp của Lý Nhân Tông, ông đã đặt tất cả 8 niên hiệu, trở thành vị hoàng đế có nhiều niên hiệu nhất trong lịch sử. Mỗi khi thay đổi niên hiệu, vua ban ra chiếu chỉ thông báo cho toàn dân được biết, việc thay đổi đó gọi là cải nguyên thường thấy khi xảy ra những sự kiện, biến cố quan trọng hoặc để ghi một dấu ấn đặc biệt nào đó. Thí dụ vào tháng 11 năm Giáp Thân (1044), sau khi đánh thắng Chiêm Thành, Lý Thái Tông đổi niên hiệu Minh Đạo thành niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ; hay như tháng giêng năm Bính Ngọ (1066) Nguyên phi Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, Lý Thánh Tông mừng rỡ đã đổi niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thành Long Chương Thiên Tự; hoặc vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1186), Lý Cao Tông sai người đi săn, bắt được voi trắng, cho đó là điềm tốt bèn đặt cho voi tên là Thiên Tư rồi xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thuỵ…
Theo sử sách, 9 đời vua triều Lý đặt tổng cộng là 32 niên hiệu, tuy nhiên ý nghĩa của các niên hiệu đó không phải ai cũng rõ hoặc được các tài liệu, thư tịch giải thích cụ thể. Dưới đây là sự tóm lược ý nghĩa của các niên hiệu ấy:
1. Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, ở ngôi 18 năm (1009-1028), được ca ngợi là vị “vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tổ chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên có nghĩa là Thuận ý trời, thuận theo mệnh trời, theo thiên đạo.
 Tượng Lý Thái Tổ tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Wikipedia. 
2. Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã, 26 năm (1028-1054) ở trên ngôi báu đã có nhiều công lao với dân với nước, được coi “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tông đã đặt 6 niên hiệu là:
- Thiên Thành (1028-1034) nghĩa là trời tác thành mà được làm vua.
- Thông Thụy (1034-1039) nghĩa là điềm lành thông suốt.
- Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042) nghĩa là Trời ban mệnh và phù giúp có thiên đạo.
- Minh Đạo (1042-1044) nghĩa là đạo Trời sáng tỏ.
- Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049) nghĩa là Trời cảm ứng mà ban cho mưa móc.
- Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054) nghĩa là nhờ sùng kính Trời mà được báu vật lớn.
3. Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, làm vua 18 năm (1054-1072), được sử sách đánh giá là vị vua “khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian làm vua, Lý Thánh Tông đã đặt 5 niên hiệu là:
- Long Thụy Thái Bình (1054-1058) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu nền thái bình tốt đẹp.
- Chương Thánh Gia Khánh (1059- 1065) nghĩa là Thánh thần phù trợ đem đến sự rạng rỡ, tốt đẹp, vui mừng.
- Long Chương Thiên Tự (1066- 1068) nghĩa là ngôi rồng là kẻ thừa tự rạng rỡ của Trời.
- Thiên Huống Bảo Tượng (1068- 1069) nghĩa là Trời ban phúc cho con voi quý.
- Thần Vũ (1069- 1072) nghĩa là biểu dương vũ lực như thần của hoàng đế.
4. Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, ở ngai báu trong 55 năm (1072 -1127) là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử. Sử sách ca ngợi Lý Nhân Tông là người “nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi Tiến sĩ, có quan hầu Kinh Diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch cho nên tự hưởng cõi thái bình, rất mực nên giàu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi ở lúc thừa bình vậy” (Việt giám thông khảo tổng luận).
Trong thời gian làm vua, Lý Thánh Tông đã đặt 8 niên hiệu là:
- Thái Ninh (1072-1076) nghĩa là thiên hạ được an ninh cực lạc.
- Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) nghĩa là vũ lực hùng mạnh đem lại chiến thắng rực rỡ.
- Quảng Hựu (1085-1092) nghĩa là sự phù hộ lan tỏa rộng khắp.
- Hội Phong (1092-1100) nghĩa là sự hội tụ phong phú.
- Long Phù (1101-1109) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu sự phù trợ tốt đẹp.
- Hội Tường Ðại Khánh (1110-1119) nghĩa là hội tụ các điều tốt lành lớn.
- Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) nghĩa là Trời phù giúp để có võ công rực rỡ.
- Thiên Phù Khánh Thọ (1127) nghĩa là Trời phù hộ của vua được hưởng thọ.
5. Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán, làm vua 10 năm (1128-1138) đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm ổn định xã hội, tăng cường sức mạnh của đất nước và được đánh giá là vị vua biết “sửa sang chính sự, nhậm dụng hiền năng, đặt khoa Hoành từ, định lệnh binh nông, xét về mặt chính trị cũng là bậc siêng năng” (Việt giám thông khảo tổng luận).
Trong thời gian làm vua, Lý Thần Tông đã đặt 2 niên hiệu là:
- Thiên Thuận (1128- 1133) nghĩa là thuận theo mệnh Trời.
- Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) nghĩa là mệnh Trời rạng rỡ tôn quý.
6. Lý Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ, ở ngôi vua 37 năm (1138-1175), tỏ ra là người biết quản lý, điều hành chính trị, “không mê hoặc lời nói đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể gọi là không hổ thẹn với trách nhiệm gánh vác” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian làm vua, Lý Anh Tông đã đặt 4 niên hiệu là:
- Thiệu Minh (1138-1139) nghĩa là nối tiếp sự anh minh.
- Đại Định (1140-1162) nghĩa là sự ổn định lớn.
- Chính Long Bảo Ứng (1163-1174) nghĩa là thiên chính ứng với đạo Trời.
- Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) nghĩa là Trời cảm động mà ban vật quý.
7. Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát, làm vua trong 35 năm (1175-1210) tuy cũng làm được một số việc mà sử sách ghi nhận là tốt, nhất là giai đoạn những năm đầu làm vua nhưng chủ yếu ham chơi, đắm chìm trong tửu sắc. Sử chép: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian làm vua, Lý Cao Tông đã đặt 4 niên hiệu là:
- Trinh Phù (1176- 1186) nghĩa là theo phù mệnh Trời để bền vững.
- Thiên Tư Gia Thụy (1186-1202) nghĩa là điềm lành Trời ban.
- Thiên Gia Bảo Hựu (1202- 1205) nghĩa là Trời ban phúc phù hộ họ Lý.
- Trị Bình Long Ứng (1205-1210) nghĩa là đất nước thái bình thịnh trị với điềm rồng ứng hiện.
8. Lý Huệ Tông tên thật là Lý Hạo Sảm, ở ngôi trong 14 năm (1211-1224) khi mà vương triều nhà Lý đã suy yếu, ông không có đủ tài để khắc phục những điều đó. Sử sách bình rằng: “Đến đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa mối hư hỏng lâu ngày thì làm thế nào được. Huống chi Huệ Tông lại bị chứng hiểm, chữa thuốc không được; lại không có con trai để nối nghiệp lớn. Thế là cái điềm nguy vong đã hiện ra rồi” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian làm vua, Lý Cao Tông chỉ đặt một niên hiệu là Kiến Gia, có nghĩa là xây dựng sự tốt lành.
9. Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, làm vua hơn 1 năm, từ tháng 10 năm Giáp Thân (1224) đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) thì bị họ Trần lập kế cướp ngôi thông qua “vở kịch” vợ nhường ngôi cho chồng. Tuổi thơ lên ngôi báu khi mà vương triều đã suy vong đến cùng cực, không thể vực dậy được nữa nên kết cục của triều Lý đến đời Lý Chiêu Hoàng thì phải rời bỏ vũ đài chính trị.
Trong thời gian làm vua, Lý Chiêu Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo nghĩa là đạo Trời sáng tỏ.
Triều Lý khởi nghiệp từ Lý Thái Tổ và truyền tới Lý Chiêu Hoàng, trải qua 216 năm tồn tại với 9 đời vua nối nhau trị vì, mặc dù có những thăng trầm, biến cố nhưng đây là triều đại được sử sách đánh giá cao bởi “không có vua nào thất đức lớn, nhiều vua thánh hiền, lâu năm thái bình, từ thời tiền cổ đến khi ấy chưa có triều đại nào hơn. Đại ước cách thống trị của đời vua chỉ cần pháp độ chứ không cần người cho lắm, chính sự chuộng khoan hậu không chuộng sự bạo tàn, đương khi vô sự thì cứ theo sách cũ giữ chế độ cũ, tuy là vua còn nhỏ tuổi mà vẫn thống trị nổi thiên hạ” (Việt sử tiêu án).
Xét ở khía cạnh hẹp, niên hiệu của các vị vua triều Lý đã cho thấy rằng những điều tốt đẹp gửi gắm trong đó đã được các hoàng đế của vương triều này hiện thực hóa trong đời sống ở mức độ khác nhau, nó chính là những dấu ấn lớn của triều Lý qua các công trình vật chất và tinh thần đến nay vẫn được lưu truyền, gìn giữ và được người đời ngợi ca, ngưỡng mộ.




Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo

Không chỉ chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là minh chứng cho đỉnh cao của gốm Chu Đậu, mà trong số hơn 240.000 hiện vật trục vớt từ tàu cổ Cù Lao Chàm, một tuyệt tác độc bản gốm Chu Đậu được phát lộ.
Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo
Chiếc bình vẽ bốn con thiên nga được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình gốm vẽ hình bốn con thiên nga trong bốn tư thế khác nhau, cao 56,5cm, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) là một trong số 779 hiện vật độc bản trong con tàu đắm, được xem là “đại diện” tinh hoa của làng gốm Chu Đậu ở thế kỷ 15 cả về mỹ thuật lẫn kỹ thuật.
Từ độc bản vô giá...
Những ánh mắt tò mò của hàng nghìn du khách đến tham quan bảo tàng tỏ ra thán phục tài năng của những người thợ thời Lê sơ bằng đôi bàn tay tài hoa đã tạo ra một chiếc bình gốm đẹp tuyệt mỹ.
Nếu không có cuộc khai quật ròng rã nhiều năm trời dưới nền nước xanh thẳm ở Cù Lao Chàm, dân tộc Việt Nam sẽ không thể nào biết đến bảo vật quốc gia có một không hai này. Vào thế kỷ 15, để có được bình gốm cân xứng một cách tuyệt đối là không hề dễ dàng.
Nét tinh hoa của chiếc bình mang tầm quốc bảo thể hiện sự tỉ mẩn của đôi tay tài hoa mà người nghệ nhân Chu Đậu xưa đã chăm chút để có được tác phẩm độc bản tuyệt vời cả về mỹ thuật và kỹ thuật.
Bình dáng trụ, vai vuông, thẳng đứng, miệng rộng, màu men trắng ngà. Những kết nối màu lam trên nền trắng rất công phu với bảy băng hoa văn: hoa cúc dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, thiên nga, sóng nước, lá đề.
Ngoài ra, một số họa tiết trên bình còn thể hiện lối sống của người xưa như: vai bình là những lệnh bài vua ban cho người thành đạt, thể hiện ý chí thăng tiến của người xưa, chân bình vẽ họa tiết cánh sen cách điệu thể hiện cho tín ngưỡng của người Việt lấy đạo Phật và đạo gia làm gốc.
Trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật hay kỹ nghệ nào thì việc “thổi hồn” vào tác phẩm từ người tạo tác luôn được đánh giá rất cao. Bốn con chim thiên nga trên chiếc bình có xuất xứ từ đại công trường gốm Chu Đậu thế kỷ 15 là sự kết hợp đầy ẩn ý giữa nghệ thuật và suy nghĩ của người làm nên chiếc bình.
Họa tiết chủ đạo của chiếc bình là bốn con chim thiên nga với bốn tư thế khác nhau như thể hiện bốn ước nguyện trên con đường xuất ngoại.
Chim đang bay (phi) biểu hiện cho sự thăng tiến, phát đạt; chim đang hót (minh) biểu hiện tiền đồ quang minh, xán lạn; chim đang ngủ (túc) là cuộc sống sung túc, đầy đủ, dư ăn, dư để; chim đang ăn (thực) biểu hiện cuộc sống phải có sự lao động mới có ấm no.
Hình ảnh chim thiên nga “phi - minh - túc - thực” ở bốn mặt cầu chúc cho cuộc sống luôn no đủ, giàu có, tương lai xán lạn.
Chỉ nhìn vào bốn tư thế của chim thiên nga từ chiếc bình quốc bảo, chúng ta đã có được một phần của “chiếc chìa khóa” giải mã cuộc sống thời kỳ Lê sơ.
Biết đâu chừng chiếc bình cũng là một sự gửi gắm giá trị tinh thần của người Việt thời bấy giờ với bạn bè quốc tế. Và sau hàng trăm năm, giá trị của chiếc bình không thể đo đếm được, là niềm tự hào của gốm Việt Nam.
Rõ ràng người nghệ nhân Chu Đậu đã dành cho chiếc bình một vị trí riêng so với hàng trăm nghìn hiện vật còn lại.
Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo
Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc đĩa độc đáo
Không chỉ chiếc bình được Thủ tướng quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, mà trên con tàu đắm Cù Lao Chàm có đến 779 hiện vật độc bản rất độc đáo, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Lô độc bản này được chọn ra từ số lượng hiện vật khổng lồ của con tàu đắm. Tuy nhiên, có một hiện vật rất độc đáo khác mà sự xuất hiện của nó không ai ngờ tới.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên cán bộ Bảo tàng Quảng Nam) kể vào năm 2004, mấy năm sau cuộc khai quật con tàu đắm, ông nhận cuộc điện thoại từ một cán bộ trẻ bảo tàng, bảo đến xem chiếc đĩa có “hai người vật lộn rất kỳ cục”.
Chiếc đĩa chỉ có đường kính 12,5cm và bị vỡ một góc, lấy ra ở kho chứa năm xe đồ vỡ khai quật được chở về lưu giữ tại bảo tàng này. Tức tốc đến xem, ông Hỷ như hét lên vì phát hiện điều quá ư độc đáo, vượt ngoài suy nghĩ của mình.
“Xem qua, tôi nói ngay đó là cảnh làm tình của người xưa với nét vẽ quá đẹp và có hồn. Tôi gọi điện và chụp hình gửi cho lãnh đạo bảo tàng quốc gia. Hiện vật này chính là một độc bản vô cùng quý hiếm của gốm Chu Đậu mà Bảo tàng Quảng Nam đang gìn giữ, nhiều lần được đưa vào sách vở và nhiều người viết về nó” - ông Hỷ kể.
Theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cảnh sexy mô tả một người đàn ông có râu quai nón đang làm tình cạnh bụi cây, có thằng bé đứng rình, nhiều khả năng người đàn ông là người Ả Rập.
“Nhiều khả năng vị này đến Chu Đậu đặt hàng và làm “chuyện ấy”, người nghệ nhân quan sát nên vẽ lại và trở thành quà tặng cho đoàn thương nhân. Độc bản độc đáo ấy nằm trong nhiều hiện vật gốm vẽ đề tài sexy của người Việt có từ rất sớm và rất độc đáo, tiếc là chưa ai nghiên cứu kỹ càng!” - TS Quân nói.
Nhờ vào những cuộc phát lộ ở làng Chu Đậu cũng như từ những hiện vật trục vớt được tại Cù Lao Chàm, hay gốm Chu Đậu ở cuộc khảo cổ tại kinh thành Thăng Long và cả bộ sưu tập gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, một thời kỳ bình minh cho đến hoàng hôn của gốm Chu Đậu đã được hé lộ.
TS Nguyễn Văn Đoàn, phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nói rằng hiện nay việc nghiên cứu gốm sứ Chu Đậu đã đạt được những kết quả hết sức đậm nét trong việc nghiên cứu về lịch sử sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật lò nung, sản phẩm, sự giao thương, vận chuyển... Đằng sau sự vận chuyển ấy chính là sự giao lưu, chuyển tải văn hóa.
TS Phạm Quốc Quân kể thêm rằng trong cuộc khảo cổ ở Cù Lao Chàm, nhiều chuyên gia còn phát hiện trên gốm Chu Đậu nhiều mảng đề tài lấy tích cổ Trung Quốc nhưng cách diễn tả và bố cục không hề giống với gốm Trung Quốc thể hiện đề tài tương tự.
Điều này chứng tỏ gốm Chu Đậu thời kỳ Lê sơ có phong cách Việt không lẫn vào đâu được.
Còn TS Nguyễn Đình Chiến, người trực tiếp phân loại hiện vật khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, đặc biệt chú ý đến kỹ thuật làm gốm hoa lam của dòng Chu Đậu.
Theo TS Chiến, kỹ thuật này thật ra đã xuất hiện từ thời Trần vào cuối thế kỷ 14, nhưng phải đến thế kỷ 15 những người thợ gốm Chu Đậu mới đẩy đến đỉnh cao. Không chỉ đỉnh cao với dòng gốm vẽ lam, thợ gốm Chu Đậu tài hoa còn kết hợp với vẽ nhiều màu mà người đời sau gọi là gốm tam thái. Và đặc biệt là kỹ thuật vẽ vàng kim lên gốm rất đặc biệt, tưởng chừng một đi không trở lại...
Cũng theo TS Chiến, cho đến sau này, trước nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật gốm sứ, nhưng kỹ thuật sản xuất gốm hoa lam hiện đại vẫn phải theo đúng các công đoạn từ hàng trăm năm trước: gốm vẽ lam thì nung một lần, còn gốm vẽ lam kết hợp với vẽ nhiều màu thì bước thứ nhất là phải qua công đoạn vẽ lam và nung lần đầu ở nhiệt độ thấp, sau đó vẽ nhiều màu rồi mới nung chín...




Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”

13 chữ Hán trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul là khởi nguồn để tìm về một dòng gốm nổi danh của người Việt. 
Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”
Viên gạch khắc hình và chữ được cho là hình nhân của cụ tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý - Ảnh: Thái Lộc
Nhưng suốt nhiều năm qua, bốn chữ “Bùi Thị Hý bút” hình thành hai luồng ý kiến đối chọi “nảy lửa”.
Một bên chứng minh rằng có một bà cụ tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thị Hý và chiếc bình do chính tay cụ viết/vẽ. Bên còn lại thì cho rằng “họ Bùi vẽ chơi”...
Những vật chứng
Người đầu tiên lên tiếng chứng minh có một bà tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thí Hý là nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương.
Tiếp chúng tôi tại nhà, ông kể về một buổi chiều đông năm 2006, đang ở nhà thì có hai người đàn ông trung niên đem đến một xấp văn bản chữ Hán nói là gia phả họ Bùi ở thôn Quang Tiền (xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, Hải Dương), trên đó có ghi chữ Bùi Thị Hý, cái tên mà ông từng công bố trên một tạp chí trước đó.
Tức tốc về ngay làng Quang Tiền, ông liên tục phát hiện nhiều văn bản, hiện vật quý giá, khẳng định bà Bùi Thị Hý là cụ tổ nghề gốm Chu Đậu danh tiếng.
Câu chuyện từ nhà ông Hoành được tiếp nối bằng chuyến đi đến thôn Quang Tiền. Tiếp đón chúng tôi là ông Bùi Văn Lợi, người được kể từng mang gia phả dòng họ đến nhà ông Hoành.
Con đường làng ở thôn Quang Tiền đẹp như một bức tranh thủy mặc lôi cuốn chúng tôi với những ao nước xanh biếc và những hàng cây dọc lối đi. Dừng lại ở một căn nhà giữa làng nằm cạnh hai cái ao lớn, ông Lợi giới thiệu đó là nơi ở xưa của bà Bùi Thị Hý.
Vào trong nhà có rất nhiều gốm hoa lam phế phẩm. Ông Lợi đưa ra hai viên gạch cỡ lớn, trên có khắc hình, được ông Hoành giới thiệu là hình nhân của cụ tổ Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng - một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai mà sử sách ghi lại.
Hình khắc chìm trên viên gạch có nét tương tự với bức tượng gốm tìm thấy trong con tàu đắm Cù Lao Chàm, được ông Hoành khẳng định: “Đây là cơ sở gốc để chứng minh bức tượng tàu Cù Lao Chàm là của cụ tổ nghề gốm Bùi Thị Hý!”.
Vật chứng tiếp theo là một cái mâm đồng cháy sém một phần, ông cho biết đó là “văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý, được sao từ bia đá vào năm 1932”.
Ngoài ra còn có một vật gốm khác dài chừng 50cm, cũng có khắc chữ Bùi Thị Hý... Dẫn chúng tôi đến ngôi chùa làng “Viên Quang tự”, ông chỉ vào cột trúc đài cổ bằng đá thời Lê dựng trước chùa có ghi chữ “Bùi Thị Húy Hý”.
Ông Hoành cho biết còn nhiều văn bản nữa đủ để chứng minh bà Bùi Thị Hý là cụ tổ nghề gốm. Theo đó, đầu thế kỷ 15, tướng Bùi Quốc Hưng đã dẫn đầu một cánh quân về tại Quang Ánh (tên cũ của làng Quang Tiền) lập nên một căn cứ để khởi nghĩa chống quân Minh.
Trong nhiều ngành nghề đem theo có nghề gốm, mà người cháu nội của Bùi Quốc Hưng là Bùi Thị Hý học được, về sau trở thành nghệ nhân, chủ lò và thành doanh nhân, xuất khẩu gốm đi khắp thế giới...
Bà Hý mồ côi từ nhỏ, được ông nội nuôi dạy, từng giả trai đi thi đến tam trường. Bà có hai đời chồng, trước là Đặng Sĩ, sau mất mới lấy Đặng Phúc, đều là “đại gia” nghề gốm làng Chu Đậu (cách Quang Ánh chừng 25km)...
Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”
Chiếc mâm đồng được cho là khắc bia mộ cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bên phải là ông Tăng Bá Hoành và bên trái là ông Bùi Văn Lợi - Ảnh: Thái Lộc
“Viết đúng sự thật!”
Cuộc khảo sát ở thôn Quang Tiền tưởng chừng đã nắm được những chứng cứ thuộc hàng “quốc bảo” của một nghề nổi danh thế giới một thời nên chúng tôi trở về Hà Nội.
TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, cho rằng những hiện vật có chữ viết mà chúng tôi tiếp cận nêu trên có niên đại rất muộn.
“Những tư liệu mang tính hư cấu, chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là “họ Bùi vẽ chơi”. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được!”.
Tra kỹ tư liệu thu thập được, chúng tôi giật mình vì chữ “đại” trên cột trúc đài nét quá khác, mới và sắc so với nhiều chữ khác.
Trong khi nhiều chữ viết khác bị phong hóa, mòn mờ theo thời gian thì nhiều chữ, gồm cả cụm “Bùi Thị Húy Hý” có nhiều nét khắc dựa trên sự lồi lõm của mặt đá đã bị phong hóa...
Liên lạc lại để đề nghị cho tiếp cận các văn bản cổ, ông Bùi Văn Lợi giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Phí Văn Chiến, chủ tịch hội đồng họ Phí của VN (nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành cho rằng họ Bùi làng Quang Tiền vốn là họ Phí được đổi họ dưới thời nhà Trần).
Tiếp chúng tôi tại văn phòng Phí tộc ở Mỹ Đình, Hà Nội, sau khi trao đổi, ông Chiến cho rằng không phải ai ông cũng tiếp.
Ông giới thiệu nhiều về dòng họ và bà Bùi Thị Hý qua các ảnh chụp tư liệu treo quanh phòng. Ông rất nặng lời về những người cho rằng những chứng cứ là ngụy tạo, rằng “không ai ngụy tạo nên cụ tổ dòng họ”...
Chúng tôi tiếp tục bày tỏ mong muốn xem văn bản gốc chứng minh điều đó, ông đến trước bàn thờ bên trên có hai tượng đồng lớn, thắp ba cây nhang. Bảo chúng tôi cầm đứng trước bàn thờ, ông “khẩn báo với tổ tiên nhà họ Phí”.
Rằng: “Hai cháu Thái Lộc và Trần Mai, phóng viên báo Tuổi Trẻ, từ Huế và từ Quảng Ngãi ra, tiếp xúc với những văn bản thuộc loại mật xung quanh vấn đề thủy tổ gốm Chu Đậu, danh nhân, doanh nhân, nhà hàng hải, họa sĩ Bùi Thị Hý. Sau khi có ý kiến của con, con sẽ cho Bùi Văn Lợi giúp các cháu một số tài liệu liên quan đến bà cụ...!”.
Ông Chiến chỉ cho xem bốn văn bản. Ông nói còn một tấm bản đồ bằng da có từ thời Lê, chúng tôi đề nghị được xem thì ông gạt phắt: “Tôi trả lời luôn là không được! Là tối mật. Nó liên quan tới rất nhiều chuyện.
Nhưng mà vì cái quốc gia này đang có những vấn đề như thế. Mà những nhà khoa học với các bác còn những vấn đề như thế. Còn có những người cho rằng bác ngụy tạo. Cho nên bác kệ... chúng mày!”.
Tức tốc về lại Hải Dương, ông Bùi Văn Lợi mang ra chiếc hộp có bản lụa được cho là gia phả đã bị mủn nát chỉ còn đôi chữ Hán sót lại; sáu trang chữ Hán được cho là gia phả chép lại; một văn bản chữ Hán khác gồm 17 trang và “bia mộ chí” chính là chiếc mâm đồng đã được tiếp cận đợt trước.
Chúng tôi tiếp tục đi khảo sát quanh làng để hỏi về việc có nơi nào có vết tích gốm ở nền móng hay tát ao, vét đầm hay không, tất cả đều lắc đầu: “Gốm sứ à, đến nhà ông Lợi ấy!”.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chuyên gia hàng đầu về gia phả, nhận xét thể thức của gia phả khá lạ, không như thường thấy ở những nơi khác.
Cách viết và dùng từ trên các văn bản không như các văn bản thường thấy cùng thời, một số chữ trong đó ghi theo lối của thời nay.
Theo một giảng viên chuyên ngành Hán - Nôm ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), những mặt của cột trúc đài có cả chữ xưa, bị phong hóa lẫn chữ mới khắc vào sau này.
Đặc biệt, trên hình nhân gốm được cho là của danh tướng Bùi Quốc Hưng, lối viết không giống lối thời xưa. Chữ “thần” (trong công thần) thay vì là bề tôi thì lại khắc chữ thần trong “thần bí”.
Trong loạt bài viết này, chúng tôi đành phải hẹn với bạn đọc câu trả lời chữ “Hý” trên chiếc bình là tên riêng hay chơi/đùa trong một dịp khác. Bởi vì “một nửa sự thật không phải là sự thật” và những tư liệu hiện vật chúng tôi tiếp cận được còn có điểm đáng ngờ, chưa đủ khẳng định tính xác thực đến mức nào.
__________

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons