Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Ngày Xuân, nhớ chữ Nôm

Sử cũ ghi lại, giữa năm 1786, có một lá “đơn kiện” đặc biệt được gửi đến Vua Quang Trung, mà bị đơn chính là... ông, người thắng trận như chẻ tre, vừa rầm rập dẫn đại quân vào Thăng Long đúng mùa Xuân năm ấy.
Kết quả hình ảnh cho Ngày Xuân, nhớ chữ Nôm
Phải nói rằng trong hàng ngũ của quân Tây Sơn lúc ấy cũng có những binh sĩ võ biền, do thiếu hiểu biết nên đã xâm hại đến nhiều di tích, trong đó có Văn Miếu Thăng Long. Không đành lòng, người dân làm sớ dâng lên vị chỉ huy tối cao của nhà Tây Sơn, nêu rõ việc này:  “Bia Tiến sĩ vô can vô tội/ Mà vạ lây vì nỗi cháy thành/ Bia thì đạp đổ tung hoành/ Nhà bia thì đốt tan tành ra tro”, ngụ ý trách khéo nhà vua bận chiến chinh nên chưa quan tâm đến di tích lịch sử văn hóa, lại cũng chưa dạy bảo quân tướng nghiêm minh. Sớ viết: “Một nền văn hiến lâu dài/ Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm”.
Nội dung tờ sớ đã “động trời”, nhưng hình thức cũng lạ không kém: Nó được viết bằng chữ Nôm, văn vần. Là một vị Vua anh minh, lại nêu cao tinh thần dân tộc, chuộng dùng chữ Nôm, sau khi tiếp sớ, Quang Trung Hoàng đế đã thẳng thắn bút phê vào sớ: “Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi/ Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta/ Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian/Cơ đồ họ Trịnh đã tan/ Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời”.
Phải nói thêm là lúc ấy Vua Quang Trung - đang trên đỉnh cao chiến thắng - hoàn toàn có cơ sở để đổ lỗi phá Văn Miếu cho quân của Chúa Trịnh. Trịnh Khải lúc ấy ở ngôi Chúa mới được một năm, vốn giận và hiềm nhiều vị khoa bảng không ai chịu theo Chúa lúc thất thế nên cũng rất có thể đã làm ngơ cho những kẻ đang tâm đập phá Văn Miếu.
Cơ đồ và nhân cách của vị Hoàng đế áo vải cờ đào hẳn còn là chuyện xứng đáng thêm rất nhiều giấy mực; nhưng bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh khác: Chữ Nôm, một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chữ Nôm là lối viết chữ vuông thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt, dùng để ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm, thoạt đầu được sản sinh từ chính nhu cầu của cuộc sống ghi lại những âm thuần Việt không có tương đương trong tiếng Hán, sau này càng ngày phát triển bởi tinh thần độc lập, tự chủ tự cường.  
Chữ Nôm được hoàn chỉnh dần vào khoảng thế kỷ 13-15 phát triển mạnh mẽ trong văn chương. Dưới triều Tây Sơn, do tinh thần nêu cao tính tự chủ về mọi phương diện của Quang Trung Hoàng đế, toàn bộ văn kiện hành chính bắt buộc phải viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802.
Giờ đây, chữ Nôm gần như đã thất truyền. Có lẽ chỉ còn rất ít nhà nghiên cứu Hán Nôm còn có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm. Các ông đồ “mỗi năm hoa đào nở” bày mực Tàu giấy đỏ ra những chốn vui xuân để cho chữ cũng chỉ viết chữ Nho mà thôi.
Cẩm Hà

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons