Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Những vị “hoàng đế con nít” nổi danh trong sử Việt (3)

“Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động”.


Trong giai đoạn Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, nhà Nguyễn đã có 3 vị vua yêu nước được lịch sử tôn vinh. Có một điều trùng hợp là cả ba vị vua này đều lên ngôi từ khi còn là trẻ con. Sự nghiệp yêu nước của cả ba đếu đứt gánh giữa đường và chịu cảnh đi đày nơi xa xứ…

Hàm Nghi - ông vua nhỏ tuổi hiệu triệu cả đất nước

Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Nguyễn Phúc Minh. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn và là em ruột của Ưng Đăng (vua Kiến Phúc) và Chánh Mông - vua Đồng Khánh sau này.

Sau khi vua Tự Đức qua đời trong tình cảnh không có người nói dõi vào tháng 7/1883, các vị quan chủ chiến Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định đưa Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi đó mới 13 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. 

Ưng Lịch được chọn vì là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc do từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ. Và quan trọng hơn cả, do vua còn trẻ nên hai vị quan cấp tiến có thể định hướng theo đường lối kháng chiến một cách dễ dàng.

Việc vua Hàm Nghi lên ngôi khiến chính quyền bảo hộ Pháp tức giận, nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì sự đã rồi.  

Những tháng sau đó, mối quan hệ giữa triều đình Huế và thực dân Pháp ngày càng trở nên căng thắng. Tôn Thất Thuyết quyết đinh ra tay trước để làm chủ tình hình. Đầu tháng 7/1885, ông đem quân đánh trại lính Pháp ở đồn Mang Cá. Quân Pháp nhanh chóng phản công, đánh bại quân triều đình. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi rút chạy về thành Tân Sở (Quảng Trị). 

 Vua Hàm Nghi.
Tại Tân Sở, theo kế hoạch của lực lượng kháng chiến, vào ngày 13/7/1885 vua Hàm Nghi đã ban bố chiếu Cần Vương làm dấy lên một phong trào chống Pháp rộng khắp. Tân Sở thất thủ mấy ngày sau đó, buộc lực lượng khởi nghĩa phải rút về các vùng rừng sâu để hoạt động

Trải qua các biến cố lớn, vua Hàm Nghi dần dần nhận thức được vai trò chính trị của bản thân, không còn cảm thấy bị cưỡng ép như trước. Ông đã khẳng khái từ chối lời chiêu dụ của vua anh Đồng Khánh cũng như Paul Bert - Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Do sự phản bội của của Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc, hai thành viên của đội quân kháng chiến, vua Hàm Nghi bị bắt vào đêm 26/9/1888, Nhà vua đã chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà nói: "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây". Khi đó, ông mới 17 tuổi.

Triều đình muốn đưa Hàm Nghi về Huế, nhưng người Pháp lo sợ ảnh hưởng của ông nên đã Hàm Nghi cần phải được đưa đi tĩnh dưỡng để đày ông sang xứ Algeria ở Bắc Phi. 

Cựu hoàng Hàm Nghi sống tại Algeria đến cuối đời. Ông mất ngày 4/1/1943 vì ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger và được chôn cất ở Sarlat, vùng Aquitaine, nước Pháp. 

“Cậu bé ngỗ nghịch” Thành Thái 

Vua Thành Thái (1879 – 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu). 

Ngày 28/1/1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời, con ông mới 3 tuổi nên không nối ngôi được. Nguyễn Phúc Bửu Lân trở thành người kế vị, lấy niên hiệu là Thành Thái. Khi đó ông mới 10 tuổi.

Khi mới lên ngôi, Thành Thái tỏ ra là một ông vua… ngỗ nghịch, thích chơi bời, quậy phá hơn là tham gia triều chính. Ông đã bị bắt ra quản thúc ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm một thời gian để đưa vào khuôn phép.

 Vua Thành Thái.
Khi lớn lên, vua Thành Thái ngày càng bộc lộ tinh thần dân tộc và chống Pháp. Do đọc những tân thư chữ Hán của Trung Quốc và Nhật Bản, vua Thành Thái đã tiếp thu tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách. 

Điều này đã dẫn vua Thành Thái đến các mối liên hệ với những người yêu nước. Có tài liệu nói ông đã toan bí mật sang Trung Quốc hoạt động, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị người Pháp ngǎn chặn. Nguồn tin khác cho rằng ông đã tạo điều kiện cho nhà cách mạng – hoàng thân Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật. Ông để còn cho cho họa sĩ Lê Vǎn Miến, người tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris vẽ lại các mẫu súng hiện đại của Pháp.

Đặc biệt, vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Theo một số tài liệu, ông đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi các quan trong triều báo cho người Pháp. 

Người Pháp rất lo ngại tư tưởng cấp tiến của vua Thành Thái, tìm cách ngăn trở trở ông. Vào một lần nọ, Thành Thái đã giả hành động như một người mất trí để che mắt Pháp. Chính quyền thực dân lợi dụng cơ hội này vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. 

Ngày 12/9/1907, ít ngày sau khi thoái vị, vua Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu ngày nay. Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

Đầu tháng 5/1945, cựu hoàng Thành Thái được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Vũng Tàu và mất ngày 24/3/1954, thọ 75 tuổi, an táng tại khuôn viên lăng Dục Đức ở Huế. 

Duy Tân – từ đứa trẻ “nhút nhát, đần độn” thành ông vua can trường


Vua Duy Tân (1900 – 1945) có tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Hoảng, là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn. Ông là con thứ 8 của vua Thành Thái và bà hoàng phi Nguyễn Thị Định.

Ông lên ngôi vào ngày 5/9/1907, lúc 7 tuổi, sau khi vua cha Thành Thái bị đưa đi quản thúc. Vua Thành Thái có nhiều con trai, nhưng người Pháp đã chọn Vĩnh San làm người kế vị vì ông nhỏ tuổi và trông có vẻ “nhút nhát, đần độn”.

Nhưng Duy Tân đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi lên ngôi vua và khiến thực dân Pháp phải hối hận vì đã chọn ông. 

 Vua Duy Tân.
Mặc dù còn nhỏ và bị kiểm soát bởi các đại thần thân Pháp, vua Duy Tân luôn tỏ ra là một người có tư tưởng dân tộc, quyết đoán và không chịu lệ thuộc vào Pháp. 

Vào năm 1912, ông đã ra lệnh đóng cửa Hoàng thành Huế để phản đối chiến dịch vơ vét vàng của Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé. Toàn quyền Albert Pierre Sarraut đã phải vào Huế để giải quyết vụ việc. 

Năm 1913, khi 13 tuổi, vua Duy Tân cho rằng việc thi hành hiệp ước 1884 của hai nước Việt - Pháp đã không được tuân thú và yêu cầu người sang Pháp để duyệt lại hiệp ước này. Nhưng cả triều đình không ai dám nhận chuyến đi.

Năm 15 tuổi, vua Duy Tân triệu tập cả sáu đại thần trong Phụ chính, bắt buộc họ phải ký vào biên bản để đích thân vua sẽ cầm qua trình với toà Khâm Sứ nhưng các đại thần sợ người Pháp giận sẽ kiếm chuyện nên từ chối không ký. 

Thái độ chống Pháp của ông lên đến cao điểm vào năm 1916, khi ở châu Âu đang xảy ra cuộc Đại chiến. Ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân và dự định khởi nghĩa. 

Theo kế hoạch, khởi nghĩa sẽ nổ ra vào 1 giờ sáng ngày 3/5. Nhưng cuối tháng 4, một thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Ngãi là Võ An đã làm lộ tin.  Cuộc khởi nghĩa không thể nổ ra như dự kiến. Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng sáng ngày 6/5/1916 thì cả nhóm bị bắt.

Khâm sứ tại Huế và Toàn quyền Pháp thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông không đồng ý. Ông đã tuyên bố: “Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp”.

Cuối cùng, vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916. Tại đây, do mâu thuẫn về tính cách với cha nên ông cắt đứt liên lạc với gia đình và sinh sống như một thường dân.

Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) vua Duy Tân gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức và được nhà lãnh đạo Charles de Gaulle của Pháp chú ý. Sau cuộc chiến, de Gaulle muốn đưa Duy Tân trở lại Đông Dương như một lá bài trong kế hoạch tái chiếm Đông Dương, trong khi ông cũng muốn lợi dụng de Gaulle để trở lại ngai vàng và từng bước củng cố độc lập dân tộc. 

Nhưng kế hoạch chưa được thực hiện thì vào ngày 26/12/1945, ông tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay ở Cộng hoà Trung Phi. Có giả thuyết cho rằng đây là âm mưu ám sát của người Anh, vì  việc vua Duy Tân trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa. 

Ngày 24/4/1987, thi hài cựu hoàng Duy Tân được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại Lăng Dục Đức, cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái ở Huế.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons