Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 11: 'Hương tóc mạ non' và gia tài một nhạc sĩ

Nhạc sĩ Thanh Sơn có rất nhiều bài tân nhạc được khán giả thuộc nằm lòng và một số bài đã được tác giả Hoàng Song Việt chuyển thành vọng cổ với lời lẽ thật đẹp.

Võ Thành Phê và Đặng Thị Mỹ Vân - Ảnh: T.H
Võ Thành Phê và Đặng Thị Mỹ Vân - Ảnh: T.H
Hoàng Song Việt là cây bút tiếng tăm trong giới cải lương, không chỉ vì anh viết được những kịch bản hay, mà còn vì khả năng chuyển thể ngọt ngào. Một vở kịch khi chuyển thể sang cải lương cần có người đồng cảm cao độ thì mới chắp bút được.
Và cái khó nữa là lời thoại trong kịch thì ngắn gọn, trong khi cải lương phải có bài ca dài dòng, thì làm sao vừa giữ được ý của vở kịch, thậm chí giữ được kịch tính, mà lại vừa tải được chất ngọt ngào của cải lương, bảo đảm khả năng cho nghệ sĩ trổ tài ca hát. Hoàng Song Việt là người vượt qua cửa ải đó một cách điêu luyện, chưa kể còn bật lên được ngôn ngữ đầy chất văn học.
Với tân cổ cũng vậy, Hoàng Song Việt viết lời rất đẹp khiến nhạc sĩ nhẹ lòng khi giao tác phẩm của mình vào tay anh. Nhạc sĩ Thanh Sơn hồi còn sống đã từng công tác chung với Hoàng Song Việt tại Trung tâm băng nhạc Rạng Đông. Ông phụ trách biên tập mảng tân nhạc, Hoàng Song Việt phụ trách biên tập mảng cải lương. Hai người thường trao đổi qua lại để bổ sung cho chương trình của mình. Thế là thân nhau. Hoàng Song Việt nhớ lại: “Nhạc sĩ Thanh Sơn hiền lắm, ông có tấm lòng với mọi người, ai cũng quý mến ông. Khi sức khỏe yếu đi, ông thôi làm ở Rạng Đông, còn tôi cũng bận nhiều việc ở Nhà hát Trần Hữu Trang nên cũng nghỉ làm. Nhưng ông đã đem những bài tân nhạc ưa thích đưa cho tôi, bảo tôi viết thành cổ nhạc, vì ông tin cậy tôi viết sẽ hợp ý ông. Tôi đã viết cả chục bài như Hương tóc mạ non, Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hoa tím ngày xưa, Hồn quê... Mừng là ông vẫn còn kịp trông thấy đứa con của mình được thu âm, phát sóng. Hai chú cháu hay hẹn nhau uống cà phê, tôi gửi tiền tác quyền cho ông. Ông vui lắm”. Nhạc sĩ Thanh Sơn mới mất mấy năm nay, ông đã hưởng hạnh phúc khi biết nhạc của mình được hát rộng rãi trên cả “kênh” tân nhạc lẫn cổ nhạc.
Bài Hương tóc mạ non đã được thu âm 2 lần với Vân Hà - Lương Tuấn và NSƯT Kim Tử Long - NSƯT Phượng Hằng, toàn là những giọng ca nổi tiếng. Phượng Hằng và Châu Thanh là một trong những người tiên phong trong xu hướng ca vọng cổ hơi dài. Chị có giọng ca trong vắt và có thể ca 100 từ liên tiếp, được nhiều khán giả yêu thích. Với bài Hương tóc mạ non, tác giả Hoàng Song Việt viết câu ngắn hơn, ít từ, cho nên Phượng Hằng không thi thố được “tuyệt kỹ” của mình, nhưng chị vẫn biết cách làm cho hơi ca dài ra, nối các câu lại với nhau khiến bài hát tươi tắn vô cùng. Biết về đâu mái tóc thơm hương mạ non ngày cũ lối nhỏ đường xưa chiều nghiêng nghiêng nắng đổ soi bóng dòng sông gợi nhớ thương... về. Em có buồn không khi đã lỡ câu thề. Dù ngăn cách nhưng lòng em vẫn nhớ, kỷ niệm ban đầu hai đứa quen nhau. Xa quê hương lòng ai không hoài cảm, bến nước tình yêu dào dạt phù sa. Còn nữa đâu anh ngày xưa yêu dấu, khi thời gian đã điểm trắng mái đầu…
NSƯT Phượng Hằng nói: “Tôi chọn bài này vì ngôn ngữ rất hay. Nếu không đúng sở trường hơi dài của mình thì mình tìm cách khác, chứ không bỏ qua. Tác giả viết rất công phu, người hát sẽ có thuận lợi hơn. Trời thương, bây giờ tôi vẫn còn đủ sức khỏe, đủ hơi để trung thành với trường phái của mình”.

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 10: Đêm tàn bến Ngự với 'siêu fan'

NSND Ngọc Giàu là dân gốc Huế nên bà thích nhất bài Đêm tàn bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ) và hát bài này để dành tặng người cha mình hết lòng yêu kính.

Hoàng KimNSND Ngọc Giàu và ca sĩ Quang Thành - Ảnh: H.K
Ngọc Giàu sinh ra ở Sài Gòn, nói giọng Sài Gòn rặt, nên ít ai ngờ bà lại là con của một gia đình người Huế vào nam sinh sống. Ngọc Giàu ra ngoài thì nói giọng Sài Gòn nhưng về nhà thì toàn nghe giọng Huế của cha mẹ, vì vậy bà vẫn mê giọng Huế.
Bà nói: “Từ nhỏ tôi đã mê bài Đêm tàn bến Ngự của Dương Thiệu Tước. Tôi hay hát một mình, thỉnh thoảng hát cho ông già nghe chơi. Lớn lên, tôi lại mê giọng hò mái đẩy và lại tập hò cho cha nghe. Rồi ca luôn bài vọng cổ mà soạn giả Viễn Châu viết lời. Mà ba tôi “thần tượng” tôi lắm nghen, tôi hát là ông mê mẩn, khen “Con hát hay quá!”. Tôi trêu ông: “Con hát cha vỗ tay, kỳ quá đi ba ơi!”. Ông cười: “Con hát hay thiệt mà!”. Nhưng khi tôi 60 tuổi, ông nghe tôi hát rồi lắc đầu: “Con hát dở quá!”. Tôi nói: “Ủa, hát thì phải có lúc hay lúc dở chớ ba!”. Ông không chịu: “Hát phải hay, mới không phụ lòng khán giả chứ!”. Vậy đó, ba tôi chính là “siêu fan” của tôi”.
Khi già không thể đi xem những vở của Ngọc Giàu đóng được nữa thì ông ngồi nhà xem ti vi để thấy con mình lên sân khấu. Nhiều lần tôi tới nhà phỏng vấn Ngọc Giàu, thấy hai cha con bà nói chuyện vô cùng ngọt ngào âu yếm. Có khi ông cụ ngồi im trên giường nghe chúng tôi trò chuyện, nhưng đôi mắt cứ nhìn con, mỉm cười. Ông sống gần 100 tuổi mới mất, để lại nỗi nhớ thương vô hạn cho NSND Ngọc Giàu.
Nhưng bà còn niềm an ủi là giọng Huế thừa hưởng từ cha không mất đi, cứ cất giọng lên là ru hồn người. Bà đi show vẫn hát bài tân cổ Đêm tàn bến Ngự, trong đó có một bài hò mái đẩy rất hay trước khi vô câu vọng cổ. Nghệ sĩ khác hát bài này thường chỉ à ơi bình thường, nhưng với bà thì phải thực sự hò mái đẩy mới “đã”. Và bà bất ngờ sung sướng khi một hôm phát hiện ra bài hò này không phải từ dân gian như bà lầm tưởng bấy lâu mà do một nhà thơ sáng tác để tặng cha của cô ấy. Ngọc Giàu gọi là “cô” vì nhà thơ đó xuýt xoát tuổi bà, được GS Trần Văn Khê giới thiệu trong một buổi ngâm thơ, và chính ông đệm đàn cho nhà thơ ngâm bài này với chất giọng khiến Ngọc Giàu xúc động đến nghẹn ngào. Tiếc thay, thời gian trôi qua lâu quá, có đến mười mấy năm, bà đã quên tên nhà thơ và điều này khiến bà rất buồn.
Trên internet hiện nay có đủ hai bản thu âm Ngọc Giàu hát bài Đêm tàn bến Ngự. Một bản thu hồi bà còn trẻ, giọng trong hơn, cao độ hơn, chỉ ca một mình, nhưng phần vọng cổ thì vẫn ca theo giọng Sài Gòn. Còn bản thu thứ hai đang được ái mộ nhiều hơn. Bản này Ngọc Giàu hát chung với ca sĩ Quang Thành cách đây mấy năm, giọng trầm hơn và ca rặt giọng Huế, kể cả phần vọng cổ. Ngay cả Quang Thành cũng ca vọng cổ giọng Huế luôn! Ai cũng biết Quang Thành vốn dân tân nhạc, vì mê cải lương mà từ Mỹ xuôi ngược về VN biểu diễn.
Ngọc Giàu nói: “Tôi và Quang Thành làm chung album Đèn khuya, trong đó có bài Đêm tàn bến Ngự. Album chừng 7 - 8 bản mà thu mấy lần mới xong. Chẳng có gì mà vội, cứ mỗi lần tôi qua Mỹ thì hai chị em thu 1 - 2 bài, chừng nào thật vừa ý mới ra mắt. Bài Đêm tàn bến Ngự tôi tập nhịp cho Quang Thành muốn gãy tay luôn. Thì vậy, dân tân nhạc mà ca được cỡ đó là giỏi lắm rồi. Và tôi thích giọng Quang Thành vì nghe hơi hướng như Thanh Sang”. Quả thật, giọng Quang Thành trầm ấm, có hồn, không màu mè. Cái tông trầm ấy rất hợp với giọng trầm của Ngọc Giàu, làm nên một album hút hồn người nghe.
Hóa ra, vọng cổ là một thể loại đặc biệt, có thể dung nạp cả giọng Huế một cách dễ chịu và dễ thương. Soạn giả Viễn Châu chắc không ngờ bài bản ông viết như vậy mà khi thể hiện khác đi lại quyến rũ kỳ lạ…
“Dưới bến Kim Long con đò khuya đã tắt rồi ánh lửa. Sao cô lái vẫn ngồi trông lá úa rụng chân… cầu. Biết gửi về mô mấy khúc nhạc thương sầu. Đây không phải bến Tầm Dương tiễn khách, sao tiếng tỳ bà còn vọng bến Hương Giang. Cho trăng miền giang Bắc nhớ giang Nam, cho thành quách chơ vơ như cổ lũy điêu tàn. Kể từ ngày anh giã biệt đất thần kinh, sao đến bây chừ không về thăm xứ Huế.
À... ơ... Chứ cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp. Thương nhau rồi thì xin kíp về mau.
Hò ơi... chứ kẻo mai tê bóng xế qua cầu, bạn còn thương bạn, chứ biết gửi sầu về nơi mô... à ơ...”.

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 9: Dũng tướng ca 'Điệu buồn phương nam'

Điệu buồn phương nam là bài tân cổ lời lẽ rất đẹp, nên được mọi người yêu thích. Và nghệ sĩ Tuấn Thanh với giọng ca trầm ấm, mạnh mẽ, từng đóng rất nhiều vai tướng, bây giờ vô giọng mùi cũng ngọt ngào đến lạ.

Nghệ sĩ Tuấn Thanh và nghệ sĩ Thanh Hằng - Ảnh: H.K
Nghệ sĩ Tuấn Thanh và nghệ sĩ Thanh Hằng - Ảnh: H.K
Tuấn Thanh là nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn, với ngoại hình đẹp và giọng ca rất giống Thanh Tuấn. Về sau anh phát triển lên, thoát khỏi cái bóng của “thần tượng”, hình thành một phong cách riêng, rõ nét, quyến rũ. Trong vở Tiếng hò sông Hậu, anh đóng vai Chơn, ai cũng nhớ. Sau này anh liên tiếp vào những vai dũng tướng, đẹp trong sự mạnh mẽ, uy nghi, nam tính, như Nguyễn Huệ, Trương Định, Trần Nguyên Hãn, Lê Hoàn… Mỗi lần có vai tướng là đạo diễn “nhớ” tới anh. Nhưng các hãng đĩa thì không quên giọng ca mùi mẫn của anh, cả chục năm nay họ mời anh thu âm rất nhiều bài vọng cổ, thậm chí mời qua Úc biểu diễn và thu đĩa.
Bài Điệu buồn phương nam có lời ca buồn man mác, nghe một hồi nước mắt chực rơi. Hình như ai cũng có nỗi hoài hương, như chim sáo sổ lồng nhớ về chốn cũ... Đêm phương nam dưới ánh trăng khuya nghe tiếng đàn thổn thức, chợt thấy bâng khuâng ngập tràn nỗi nhớ, kỷ niệm ngày xưa còn vang dội trong... lòng. Nhớ một chiều đông bên bếp lửa hồng. Làn khói trắng quyện vào mây trắng, gợi lòng người bao nỗi ưu tư. Phút tạ từ em cất bước ra đi, nghe nghèn nghẹn thương thân người viễn xứ. Thương con sáo xa bầy con sáo bay xa, để khói sương buồn vương lòng người đưa tiễn.
Tuấn Thanh là dân Sài Gòn chính gốc, nối nghiệp cha làm nghề thầu xây dựng, hình như không dính dáng gì tới nghệ thuật. Vậy mà bất chợt mê cải lương, rồi đi theo sân khấu mãi tới bây giờ. Những lúc sân khấu lao đao, anh cũng trở về kinh doanh, cảm giác như con người cứ “phân thân” không dứt. Nhưng rồi, Tuấn Thanh vẫn không đứt mạch cảm xúc với cải lương, cứ cất tiếng ca là rút cả ruột gan vào đó, cho nên mới hút hồn khán giả. Anh nói: “Tôi đâu có xa quê, tôi sinh ra và lớn lên tại đây, yên bình, hạnh phúc. Vậy mà không hiểu sao khi hát lên lời vọng cổ tôi như đồng cảm với những kẻ tha phương, trôi dạt nơi đất khách. Thật ra, mình là người Việt, dù sinh sống nơi thành phố, thì ai cũng có tâm cảm với bếp lửa hồng, với con sông tím ngát cánh lục bình. Tâm cảm ấy do đọc sách, đọc thơ từ hồi nhỏ, nó làm cho người ta giàu tưởng tượng, giàu tình yêu. Văn học giúp mình có sự trải nghiệm gián tiếp. Cho nên tôi thường nói diễn viên trẻ cần đọc sách nhiều là vì vậy. Đọc để thẩm thấu mọi điều chung quanh để khi ca khi diễn mình có đủ kiến thức và xúc cảm mà nhập vai”.
Khi qua Úc, Tuấn Thanh cũng ca bài Điệu buồn phương nam, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Anh nói: “Tôi biết đôi khi mình cứa vào nỗi lòng người ta thì cũng không nên. Lạ lắm, dù rơi nước mắt nhưng người ta vẫn thích nghe, vì nó gợi lại hình ảnh quê hương để người ta có cảm giác như đang trở về chốn cũ. Cảm giác thôi, nhưng xoa dịu nhiều lắm. Có một khán giả nói với tôi: Anh cứ hát, để tôi mãi được nhắc nhở rằng mình còn một mảnh đất phải quay về, đừng quên cội nguồn”.
Nâng phím đàn lên cho câu hát ngân nga giao hòa niềm tâm sự. Tiếng hát vang xa lan dần trong gió, thoảng tiếng đàn ai tắt lịm tự lâu... rồi. Hòa nhịp một lần thôi rồi chia biệt trọn đời. Người trở lại sông bồi cát lở. Dâu biển cuộc đời đã thay đổi còn đâu. Sáo sổ lồng bay mãi bay xa. Bỏ phương nam, bỏ tiếng đàn và vầng trăng huyền diệu. Mỏi cánh trời xa sáo bay về chốn cũ, thì bếp lửa ngày xưa chỉ trơ lại đống tro tàn.
Đặc biệt, bài này Tuấn Thanh thu âm với nghệ sĩ Thanh Hằng, một cô đào nổi tiếng, đã định cư ở Úc mười mấy năm nay. Thanh Hằng là chị ruột của Thanh Ngân, hai chị em cùng giỏi nghề và được khán giả yêu mến. Thanh Hằng thỉnh thoảng cũng về nước biểu diễn, năm ngoái chị vừa về tham gia vở Tiếng trống Mê Linh do gia đình NSƯT Bảo Quốc tổ chức. Thanh Hằng vẫn giữ được chất giọng ngọt ngào như xưa. Gặp chị trong giờ tập tuồng, chị cười: “Cuộc sống ở Úc ổn định lắm, nhưng tôi vẫn nhớ quê. Con cái lớn rồi mới yên tâm trở lại hát hò. Mà cũng hát cho vui với anh em thôi. Hát bài nào có nhắc tới quê hương thì tôi thích hơn những bài tình yêu. Lớn tuổi rồi, yêu gì nữa, mà chỉ thấy yêu quê hương, hoài niệm tuổi thơ nhiều hơn. Còn các vở cải lương hay thì tôi rất vui khi được mời, vai nhỏ xíu cũng chịu”.
Hoàng Kim


Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 8: Hàn Mặc Tử của Trọng Hữu

Cuộc đời bi thương của nhà thơ Hàn Mặc Tử đã là nguồn cảm hứng cho biết bao bản nhạc và vọng cổ. Riêng bài tân nhạc với những câu Đường lên dốc đá, nửa khuya trăng tà nhớ câu chuyện xưa... là bài đi vào lòng người lâu bền nhất, và từ đó cũng rất nhiều soạn giả lấy làm nền cho bản vọng cổ của mình.

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 8 : Hàn Mặc Tử của Trọng HữuNSND Lệ Thủy và NSƯT Trọng Hữu - Ảnh: Th.Hiệp
Loan Thảo viết bài vọng cổ Hàn Mặc Tử trước 1975, và Hãng đĩa Việt Nam của bà Sáu Liên đã thu âm với giọng ca Chí Tâm - Lệ Thủy. Nhưng khi nghệ sĩ Chí Tâm đi định cư ở nước ngoài thì hàng loạt bài của ông đã được bà Sáu Liên cho thu lại hết, và chọn Trọng Hữu để “gửi gắm niềm tin”. Quả thật bà chọn không sai. Giọng ca Chí Tâm có sự ngân rung rất lạ kỳ làm khán giả rưng rưng nước mắt thì Trọng Hữu cũng thế, anh có chất giọng trầm ấm, cũng có hơi rung nhẹ nhàng, làm người nghe xao xuyến. Anh ca không gồng, chỉ ở tông thấp nhưng mượt mà, ngọt lịm. Chính vì vậy càng làm tăng độ mùi mẫn, đặc biệt là độ bi thương của nhân vật Hàn Mặc Tử. Nhưng bi mà không đến nỗi quá “lụy”, khiến người nghe dễ chịu. Cái đau hình như từ trong nội tâm bị dồn nén được bật ra, chứ không phải là cái đau cố tình sướt mướt. Trọng Hữu làm chủ được tình thế ấy. Và rõ ràng giọng ca của anh đã chinh phục được khán giả sau mấy chục năm họ đã quen với giọng nghệ sĩ Chí Tâm.
Trọng Hữu hình như “có duyên” với Hàn Mặc Tử. Trước khi thu bài vọng cổ này, anh đã đóng vai nhà thơ trong 3 vở cải lương video và 1 vở thu audio. Lần quay đầu tiên anh đóng cùng nghệ sĩ Phượng Liên (vai Mộng Cầm) và Linh Huệ (vai Mai Đình). Lần quay thứ hai, anh đóng với nghệ sĩ Mỹ Châu (Mộng Cầm) và Lệ Thủy (Mai Đình). Cách đây 2 năm, anh lại được mời thu hình, đóng với Cẩm Tiên (Mộng Cầm) và Thanh Ngân (Mai Đình). Qua mấy thế hệ nghệ sĩ nữ, vẫn là Trọng Hữu trong vai Hàn Mặc Tử. Hình như nhân vật này sinh ra là để cho anh. Trọng Hữu nói: “Tôi sung sướng nhất là lời nói của soạn giả Viễn Châu. Có nhiều người đã đến xin ông cho dựng vở này với những kép khác, có người rất đẹp và nổi tiếng, nhưng ông bảo: Tôi viết hình tượng nhân vật này là để cho Trọng Hữu, ai đóng cũng không ra đâu”. Con mắt tinh tường của Viễn Châu nhìn biết ai phù hợp nhất.
Và chính Trọng Hữu cũng cảm xúc rất mạnh với nhân vật Hàn Mặc Tử. Anh đọc thơ của ông, đọc những câu chuyện về ông rất nhiều trước khi lên sàn tập kịch bản. Đặc biệt anh nhớ nhất một kỷ niệm: “Đạo diễn Huỳnh Nga thường kêu tôi ngồi nghe ông kể chuyện. Ông biết rất nhiều chuyện về nhà thơ. Ông nhẩn nha kể, cốt để cho tôi có kiến thức và “thấm” nhân vật, thì tôi diễn mới hay. Huỳnh Nga có lối nói chuyện hay lắm, ông nói chậm nhưng truyền cảm, có lúc lại biết hài hước. Mình nghe là mê luôn đó! Ông làm đạo diễn cẩn thận như vậy. Ông muốn diễn viên phải nắm thật chắc nhân vật, nhập tâm nhân vật, để khi diễn là diễn bằng sức mạnh nội tại, cái hay, cái đẹp, cái bi phải bật ra từ trong sâu thẳm tim mình, chứ không chỉ diễn lớt lớt ngoài da. Thế hệ chúng tôi tri ân những đạo diễn như thế”.
Chính vì đã diễn cả một vở dài về Hàn Mặc Tử, lại diễn tới diễn lui không biết bao nhiêu lần trên sân khấu trước khi thu hình, nên Trọng Hữu quá nhuyễn nhân vật này, tới khi thu âm bài vọng cổ thì anh chỉ cần dượt qua là biểu cảm được ngay. Anh và Lệ Thủy - Mai Đình lại tái ngộ. Bài vọng cổ giờ được phát rộng rãi trên internet, nhưng khi qua Mỹ thì bà con vẫn yêu cầu anh hát lại. Họ cứ gọi anh là Hàn Mặc Tử, chính là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ khi người ta nhớ được nhân vật của mình. Nhiều khán giả bảo: “Trong đời tôi chưa bao giờ gặp Hàn Mặc Tử, chỉ đọc thơ, đọc sách mà tưởng tượng ra ông. Nhưng khi anh bước lên sân khấu, khi anh cất tiếng ca, là tôi thấy anh đúng y như trí tưởng tượng của tôi về nhà thơ bạc mệnh”. Trọng Hữu quá đỗi sung sướng khi nghe lời ấy. Đời nghệ sĩ, đi tìm vai hay đã khó, người ta nhớ vai đã khó, mà nhân vật ấy lại là một người có thật, khiến cho người ta “tin” mình quả thật càng khó.
Hoàng Kim


Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 7: Thanh Kim Huệ 'thành' Cô gái tưới đậu

Năm 1976, trên sóng phát thanh xuất hiện một bài vọng cổ dễ thương, với giọng ca trong trẻo hồn nhiên của cô đào Thanh Kim Huệ, và cho tới nay, Cô gái tưới đậu vẫn là bài ca được người mê vọng cổ yêu mến.

Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và Thanh Tuấn - Ảnh: T.L
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và Thanh Tuấn - Ảnh: T.L
Sau 1975 bà lại nổi tiếng trong Ngao Sò Ốc Hến (vai Thị Hến). Bà cũng là một trong những nghệ sĩ được thu đĩa hát nhiều. Mới 12 tuổi, bà đã được các gánh hát cho ca salon, tức là ca trước khi đoàn cải lương mở màn diễn vở chính thức. Sau đó, bà Sáu Liên của Hãng đĩa VN đã thu hàng loạt bài cho Thanh Kim Huệ.
Một giọng ca trong vắt, có thể lên các nốt cao vút, uốn lượn luyến láy như dòng suối, vuốt ve mơn trớn ngọt ngào, và dù có lạng bẻ thế nào đi nữa thì giọng ca của bà vẫn nghe rõ lời, rõ chữ, dễ chịu vô cùng. Vì vậy bà từng hát chung với nghệ sĩ Minh Vương, Minh Cảnh, Phượng Liên, Lệ Thủy… nhiều bài thật hay. Đặc biệt là với NSƯT Thanh Tuấn, bà kết hợp thành một đôi bạn diễn ăn ý. Thanh Tuấn từng nói: “Tôi giọng thổ, Thanh Kim Huệ giọng kim, vậy mà kết hợp với nhau lại rất hiệu quả. Chúng tôi hát chung với nhau bao nhiêu bài không nhớ nổi nữa”. Và Cô gái tưới đậu là một trong những bài ăn ý đó.
Thanh Kim Huệ kể: “Ban đầu Đài phát thanh TP.HCM mời tôi hát bài Dệt chặng đường xuân của tác giả Anh Động. Tôi thấy bài dài quá, nên đề nghị cho thêm một người nữa là anh Thanh Tuấn để có giọng đào giọng kép, nghe sinh động hơn. Bài Dệt chặng đường xuân được hoan nghênh nhiều lắm, thế là tác giả Trần Nam Dân đo ni đóng giày cho tôi và anh Tuấn bài Cô gái tưới đậu. Nói thiệt, dù là bài hát tuyên truyền sản xuất nhưng vì nó dễ thương, không có lời lẽ lên gân, nên dễ đi vào lòng người. Chú Ba Dân viết rất khéo, hai nhân vật quăng bắt, sinh động, ý tứ đúng với chất Nam bộ của mình, người hát cũng thích mà người nghe cũng thích. Mấy chục năm rồi nhưng bà con cứ yêu cầu tôi hát hoài”. Bạn bè cũng hay trêu Thanh Kim Huệ: “Tưới đậu gì mà tưới mấy chục năm, đậu hổng chịu lớn!”.
Hồi đó, người ta ca ngợi sản xuất, khuyến khích về nông thôn sản xuất, nên bài hát rất đúng “phong trào”. Nhưng lời lẽ trong bài tự nhiên, không có câu nào gọi là “tuyên truyền”, mà dường như người ta thấy nông dân được trân trọng, được yêu mến. Thì vậy, chàng trai từ thành thị xa xôi nghe tiếng đồn về cô gái sản xuất giỏi nên tìm về xem thử. Chừng gặp nhau, thì ra không chỉ giỏi làm ra hoa màu lúa đậu mà cô còn đẹp, còn… lanh nữa. Kiểu lanh lẹ thông minh cởi mở của người miền quê nhưng vẫn nguyên vẹn thiệt thà, chân chất. Vậy mới hay.
Qua vài lời đưa đẩy, thấy chàng trai đòi ở lại tưới đậu với mình, cô gái biết chàng trai có ý “ghẹo” rồi, nên cô cũng giả bộ “không hiểu” để ngó lơ luôn. Nhưng dư âm của bài hát là một sự hứa hẹn vui vẻ cho những mối tình đẹp mà người ta đặt vào những cô thôn nữ công dung ngôn hạnh. Thanh Kim Huệ khắc họa được hình ảnh của cô thôn nữ miền Nam, duyên dáng và đảm đang.
Đặc biệt, bài vọng cổ này đã làm nổi bật điệu Lý Tình Tang mà trước đó nó hơi bị chìm khuất. Trong kho tàng cổ nhạc VN có nhiều bài, nhiều điệu hát rất hay, nhưng vì một “duyên phận” nào đó mà nó bị ẩn chìm đi. Cho đến khi có một nghệ sĩ nào đó đẩy nó lên thì nó được nhiều người yêu thích. Điệu lý này cũng thế, nghe rất tung tăng, hồn nhiên, đúng với chất giọng của Thanh Kim Huệ, nên khi bà ca thì Lý Tình Tang bỗng sôi nổi trở lại.
“Nghe gió đồng bềnh bồng thênh thang. Trên đất giồng mình trồng khoai lang. Sáng nay nắng ấm trời êm, đồng xanh xanh sắc lá, mắt em hay sắc trời. Tang tình tang tính tình tang. Ở đâu anh đến một mình, chẳng quen mà không biết, sao nhìn sao nhìn người ta, tang tình tang tính tính tang...”.
Thanh Kim Huệ nói: “Trước 1975 các tác giả viết vọng cổ thường chỉ viết nói lối hoặc bản vắn trước khi vô câu vọng cổ chính thức. Nhưng sau 1975 thì các điệu lý mới thịnh hành, và tôi được yêu cầu hát lý nhiều lắm. Lý Tình Tang là một bài rất dễ hát, đến trẻ em cũng ngân nga được mà”. Quả đúng như vậy, khi Thanh Kim Huệ ca xong bài Cô gái tưới đậu thì Lý Tình Tang được hát khắp nơi.

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 6: Dương Quý Phi của 'Cải lương chi bảo'

Phải nói là nghệ sĩ Bạch Tuyết có chất giọng mềm mại, khi cần uốn lượn, bi thương thì bà uốn lượn, bi thương một cách tài tình.

NSND Bạch Tuyết - Ảnh: NS cung cấp
NSND Bạch Tuyết - Ảnh: NS cung cấp
Cho nên bà vào vai Dương Quý Phi quá là thấm thía. Một nhan sắc khuynh thành được vua Đường Minh Hoàng sủng ái, nhưng vua say mê nhan sắc của nàng, cung phụng cho nàng cuộc sống xa hoa, bỏ bê việc triều chính, mặc cho anh trai của nàng lộng hành thao túng.
Thêm tướng An Lộc Sơn cũng vì si mê nàng mà làm loạn, gây binh đao khiến dân chúng lầm than và vua phải chạy lánh nạn. Quần thần bèn kết tội Dương Quý Phi, yêu cầu vua giết nàng thì họ mới phò tá triều đình. Thế là Dương Quý Phi bị thắt cổ, thây vùi bên đường rã tan không tìm thấy được, Đường Minh Hoàng phải cho xây mộ gió để thờ.
Hình như đó không chỉ là chuyện sử, mà còn là điều nhắc nhở hậu thế hãy noi gương ấy để biết yêu và biết quản lý sự nghiệp. Đời nay tuy không nghiệt ngã như thời Đường Minh Hoàng, nhưng cũng không thiếu những Dương Quý Phi chân dài khiến nhiều người lao đao. Nhan sắc không có tội, nhưng vì có người say mê nên nhan sắc gây nhiều hệ lụy. Khán giả vừa trách lại vừa thương hồng nhan ấy, nhất là khi Bạch Tuyết cất tiếng ca não lòng: “Trời ôi dãy đất Mã Ngôi đã gần tan hồi trống trận, cớ sao An Lộc Sơn chàng đâu vắng bóng để cho Dương Quý Phi như một bông hoa rã cánh rụng bên... đường. Máu đổ thây phơi khói lửa dậy sa trường. Thiếp đã mỏi mắt nhìn ra ngoài vạn lý, mãi mong chờ vó ngựa hồi quy. Mặc mưa đẫm chiến bào gió thốc nhung y, chàng đã giẫm lên ngàn vạn xác quân thù. Vượt biên thùy qua mấy dặm quan san, đưa thiếp ra khỏi nơi muôn trùng khói lửa…”.
NSND Bạch Tuyết nói: “Tùy theo giọng của nghệ sĩ mà soạn giả Viễn Châu viết bài cho phù hợp. Có vậy nghệ sĩ mới “bay” lên được. Nhà văn cũng vậy, đa số chỉ thành công khi viết về chính quê hương mình, về nơi mình thấu hiểu nhất, máu thịt nhất. Bài này tôi cũng ca đi ca lại rất nhiều lần, đi những nơi trang trọng hoặc những nơi bình dân, trong ruộng trong rẫy gì một hồi cũng thấy yêu cầu ca Dương Quý Phi. Cho nên tôi nghĩ sự thưởng ngoạn không phụ thuộc vào sự học cao hay bình dân, mà là sự xúc động từ trái tim. Trong bài Dương Quý Phi soạn giả Viễn Châu viết lời đẹp lắm, văn chương lắm, nhưng không hề khuôn sáo.
Thôi thì thiếp đành chịu cảnh vàng phai đá nát mộng tàn rồi tan tác cánh hoa xuân. Một cuộc ái ân ngàn đời cách biệt, đợi đến khi tàn cơn binh biến thì chàng đâu còn gặp mặt Thái Chân. Rồi tay nào chàng ấp ủ dung nhan, tay nào lau lệ anh hùng nghẹn chảy. Thiên trường hận ngàn năm còn tức tưởi khi cánh tàn hoa đã lịm dưới hoang mồ. Thôi hết rồi tiếng ái tiếng ân, thôi gởi lại mưa Tần gió Sở. Hoa xuân rã cánh bên đàng, chẳng biết ai còn nhớ thiếp hay chăng... Ngay cả khi ông viết bài vọng cổ Người mẹ Bàn Cờ với nội dung cách mạng mà ngôn ngữ vẫn vừa phải, không lên gân. Thực sự mỗi lần ca Dương Quý Phi tôi lại xử lý tinh tế hơn, khán giả cảm nhận được. Chính chỗ khán giả chăm chú nghe mình ca mà mình phấn khởi nên ca hay hơn, luyến láy tốt hơn. Tôi nói thật, tôi cảm ơn người nghe, bởi phải “nghe làm sao” thì người hát mới hát hay được. Sự giao lưu giữa người hát và người nghe hát như Bá Nha gặp Tử Kỳ vậy”.
Nhưng NSND Bạch Tuyết cũng thú thật: “Lúc đó mình còn nhỏ, soạn giả đưa bài gì mình hát bài đó, không có chọn lựa. Mình cảm ơn soạn giả vì đã viết đúng chất giọng của mình, đưa mình lên vinh quang. Nhưng sau này thì mình không thích nhân vật Dương Quý Phi nữa, mà thích những nhân vật mạnh mẽ trong sử hay dã sử Việt như Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, An Tư công chúa. Kiều Nguyệt Nga thì tứ đức tam tòng, lên thuyền sang Hồ quốc để giữ trọn chữ hiếu với cha, chữ trung với đất nước, nhưng cũng dám yêu và dám chết để giữ trọn chữ trinh với Lục Vân Tiên. Công dung ngôn hạnh vẹn toàn.
Còn Dương Vân Nga thì bản lĩnh vô cùng, dám thay cũ đổi mới, đổi cả một triều đại để tập trung sức mạnh chống ngoại xâm. Và An Tư công chúa là một phụ nữ tài sắc, dũng cảm, bị gả cho Thoát Hoan theo lệnh vua để cầu hòa, đem thanh bình cho đất nước. Nhưng vì giặc không thôi mưu đồ xâm chiếm nên bà đã trở thành một “gián điệp” thông minh cung cấp tài liệu cho quân ta chiến thắng. Khi thân phận bại lộ, bà dũng cảm đối mặt với cái chết chứ quyết không chịu đầu hàng. Tôi rất ngưỡng mộ ba nhân vật này. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa tôi phủ nhận Dương Quý Phi, mà bài ca đã in sâu vào tâm trí khán giả thì tôi vẫn ca, và phải ca thật hay cho đúng với lòng kỳ vọng của người ái mộ”.


Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 5: 'Lý Ngựa Ô' và đôi bạn vàng Minh Vương Lệ Thủy

Bài dân ca Nam bộ Lý Ngựa Ô đã nằm lòng trong tim khán giả, nhưng khi đến tay soạn giả Loan Thảo ông đã thêm vào 6 câu vọng cổ để biến nó thành một bài ca thật duyên dáng, tạo thêm một điểm nhấn nữa cho đôi bạn vàng Minh Vương - Lệ Thủy.

Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 5: Lý Ngựa Ô và đôi bạn vàng Minh Vương Lệ ThủyMinh Vương - Lệ Thủy - Ảnh: H.K
Bài Lý Ngựa Ô có lẽ đã được các trường phổ thông dạy cho học trò, vì đó là một bài dân ca rất hay về giai điệu lẫn ca từ. Nó lung linh một hình ảnh chiếc xe cưới cổ xưa, với con ngựa kéo chiếc kiệu vàng có lục lạc bằng đồng, có cán roi bịt đồng, có dây cương nhuộm màu đỏ thắm, và một nàng con gái ngồi trên đó ắt là đẹp, ắt là thơ... Tất cả gợi nhớ chuyện cổ tích nàng công chúa với chiếc xe bằng bí đỏ trang trí lộng lẫy bay qua giấc mơ của biết bao cô bé, cậu bé tuổi chớm xanh.
Khoác chiếc áo vọng cổ cho dân ca
Đến khi soạn giả Loan Thảo khoác thêm cho bài hát một chiếc áo nữa, chiếc áo của vọng cổ, và lời lẽ chân phương mộc mạc càng làm tăng nét đẹp của một tình yêu trai gái đã được nắm tay nhau bước vào cuộc hôn nhân mơ ước. Bắt con ngựa ô anh tra khớp bạc. Lục lạc đồng đen yên vàng cương gấm anh đi ngàn dặm vượt suối trèo non tìm đến đồi mơ anh rước... em... về.
Tận cổng làng xa hai họ ra chờ. Mấy cô gái nhà bên cũng thay áo mới, ra đứng bên đường nhìn xác pháo bay. Ngựa ô anh đã tới đây, kiệu vàng và lọng gấm thì theo sau. Bữa nay là lễ đón dâu, chiêng trống vang trời hai hàng pháo nổ...
Minh Vương - Lệ Thủy với giọng ca trong veo và hơi ca khỏe khoắn đầy đặn đã làm khán giả rung động suốt mấy chục năm nay. Cái giọng trong trẻo ấy dễ liên tưởng đến những tình yêu trong sáng, thủy chung, hồn nhiên, vui vẻ. Ngay cả khi chàng và nàng “tỉnh mộng” thì ra họ rất nghèo, đám cưới chỉ có miếng bánh chung trà, thì dư âm của bánh xe ngựa vẫn còn đâu đây để chở họ đi suốt đời trên con đường hạnh phúc... Tiếng pháo nổ đưa anh về thực tại, giấc mơ qua rồi giấc mơ đẹp biết bao nhiêu. Hai đứa chúng ta với mối tình nghèo, làm sao có kiệu vàng hay lọng tía. Ngày cưới tụi mình chắc buồn hơn trong mộng, vượt mấy công đất cày anh lội bộ rước dâu. Đám cưới nghèo chắc im lìm không tiếng pháo, cô bác chia vui miếng bánh chung trà. Sau lễ lên đèn đốt nhang bàn thờ tổ, hai đứa cúi đầu lạy cha mẹ hai bên. Mẹ kề tai cha mỉm cười nói nhỏ, hai đứa tụi nó nghèo mà hết dạ thương nhau.
“Cô dâu chú rể già vậy mà khán giả vẫn vỗ tay rần rần”
Minh Vương kể hồi ấy ông mới 20 tuổi và Lệ Thủy cũng chừng ấy mà thôi. Ông được mời lên hãng đĩa VN của cô Sáu Liên để thu âm bài vọng cổ. “Không ai đưa bài trước cho mình cả. Đến nơi rồi soạn giả mới đưa. Tôi với Lệ Thủy vô dợt đờn tại chỗ. Hồi đó thu âm khó lắm, chỉ cần sai một chữ là phải hát lại nguyên đoạn, chứ đâu có máy móc mà mix như bây giờ. May là tôi với Lệ Thủy từng hát với nhau nhiều rồi nên ăn ý, dợt cũng mau và thu không bị trật. Đâu có biết là sau này khán giả thích bài đó dữ vậy! Cho tới lúc tôi 40 - 50 tuổi rồi mà khán giả còn yêu cầu tôi với Lệ Thủy hát lại bài này. Mắc cười, hai đứa tôi đóng cô dâu chú rể già vậy mà khán giả vẫn vỗ tay rần rần”. Thì tại ông và Lệ Thủy hát vẫn hay. Đặc biệt, trong các dịp đám cưới có mời hai ông bà đến dự thì bài hát càng thêm phù hợp, dễ thương, nhắc người ta dù giàu dù nghèo nhưng cứ yêu nhau thật lòng thì sẽ có hạnh phúc.
Hỏi Minh Vương hồi đó khi thu âm ông có thích bài này không, ông cười: “Trời, hồi đó mới 20 tuổi, được người ta mời đi thu là mừng muốn chết rồi, đâu có dám nói là thích hay không thích, đâu có dám lựa chọn gì. Ai đưa bài nào thì hát bài nấy. Nhưng hồi đó nghệ sĩ tụi tôi tin tưởng tuyệt đối vào soạn giả, biết chắc là mấy chú đã đo ni đóng giày cho mình, cứ yên tâm để hồn vào bài hát, ca thật hay, thì chắc chắn chinh phục khán giả. Bụng dạ không có lăn tăn so đo gì hết, cũng không dám cãi soạn giả câu nào”. Bây giờ thì khác, khi nhận bài hát hoặc nhận vở thì ông cũng phải nhìn xem có hợp với mình hay không. Không phải là ông và các nghệ sĩ khác “đổi tánh”, mà do bây giờ khó tìm ra những soạn giả tài năng như Viễn Châu, Loan Thảo, Thu An... Minh Vương nói có khi nghệ sĩ cần góp ý với soạn giả để tác phẩm hoàn chỉnh hơn.
Và sau một tràng cười vui vẻ thì Minh Vương vẫn đủ sức cất giọng lại Lý Ngựa Ô như hồi còn trẻ. Thật lạ, gần 70 mà giọng ông vẫn trong veo như thời gian đã dừng lại tự bao giờ...

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons