Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Nhớ... Tết xưa

Tết xưa, cái “xưa” của thế hệ tôi chỉ là những năm trước 90 của thế kỷ trước, ấy thế mà với những người trẻ bây giờ nó đã… xưa lắm rồi. Những cái Tết xưa đơn giản nhưng ấm cúng và được mong đợi từ cả tháng trước đó. Tết xưa mới đúng nghĩa là… chơi Tết, chỉ 3 ngày Tết thôi nhưng luôn là những kỷ niệm thật khó phai với bất cứ tuổi thơ nào.
Chuyện của trẻ con
Khi tôi ở cái tuổi 13, 14, với lũ bạn cùng trang lứa, chúng tôi đã phải vật lộn với đồng ruộng chứ không chỉ ăn và học như những đứa trẻ TP. Tết đến, chúng tôi chỉ quan tâm đến: quần áo Tết và tiền mừng tuổi. Hương “vị”, một thằng hàng xóm bằng tuổi tôi (nhưng được gắn cái đuôi “vị” phía sau vì 2 lẽ, bố nó tên là Vị và nó cực gấu) lên giọng: “Thằng nào có pháo nổ to nhất thằng ý là tướng. Áo đứa nào đẹp nhất đứa ý là vương, còn thằng nào nhiều tiền nhất thì làm vua. Hi hi, năm nào tao cũng vừa làm tướng vừa làm vua”?!
Không chỉ giỏi làm pháo và lắm tiền lì xì, Hương “vị” còn có biệt tài lôi kéo người khác. Cứ bắt đầu từ tối 23, sau khi tiễn ông Táo lên giời là Hương “vị” đến từng nhà kéo đám trẻ chúng tôi ra đường, vừa chạy vừa hô to “Tết đến bến đò rồi”, “Tết đến đầu làng rồi bà con ơi”… Tiếng hô của lũ chúng tôi cứ kéo dài từ 18g đến 20g hàng ngày cho đến tận đêm 30. Bà tôi bảo: “Tiên sư mấy thằng rửng mỡ, không sợ khản giọng, chết rét à mà cứ chạy nhông nhông ngoài đường”. Bà tôi chửi yêu thế thôi chứ tối nào chưa nghe chúng tôi hô là bà lại ra ngõ hỏi bà hàng xóm: “Chúng nó đi đâu mà chưa hô bà nhỉ?”.
Ngày xưa quê tôi nghèo lắm, ngày 2 bữa gọi là cơm nhưng thực ra toàn khoai với sắn. Nhà tôi lại thuộc diện nghèo nhất vùng nên bộ quần áo Tết chỉ về trong những dịp Tết. Các cụ có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo”. Quả đúng như vậy, tôi không thể quên năm 13 tuổi được bà may cho cả bộ quần áo mới. Bộ quần áo được cắt may từ trước 20 Tết và ngày nào tôi cũng mở hòm để sờ vào nó, hít hà nó như một báu vật trong các câu chuyện cổ tích. Hồi hộp nhất là đêm 30 Tết, đêm những đứa trẻ chúng tôi được mặc quần áo mới. Đêm đó hầu như tôi không ngủ để chờ đến giao thừa. Bà tôi để bộ quần áo ra giường từ chập tối. Bà nói: “Cháu đừng mặc trước giao thừa nhé, mất linh đấy. Mặc áo mới sau giao thừa để các Tết sau năm nào cũng có quần áo mới”.
Đúng 24g, bà tôi nhắc: “Giờ cháu mặc quần áo mới vào đi. Chúc cháu ngoan, học giỏi nhé. Cháu phải biết thương những bạn không có quần áo mới mặc Tết, đừng nhắc đến quần áo mới kẻo các bạn ấy buồn…”. Tôi lóng ngóng cài cúc áo mà nước mắt cứ chảy tràn xuống miệng. Tôi khóc vì xúc động, khóc vì thương bà đã nhịn ăn mặc để dành tiền mua cho cháu bộ quần áo mới… Năm nào bà cũng cho tôi một vài đồng “lì xì” mừng tuổi (giá trị tiền mua được cái bánh đa bây giờ). Đồng tiền ấy ít khi tôi dám tiêu ngay mà đều đút vào một ống tre đục lỗ rồi đặt dưới gầm giường để hy vọng sẽ có một ngày bổ ra để mua quần áo, sách vở…
Ba ngày tết tôi theo bà đi chúc tết họ hàng, làng xóm... Bà tôi bảo: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Sau cháu cứ thế mà làm cho phải phép…”.
Tết xưa mọi người không đi mua bánh chưng mà quây quần gói và luộc bánh chưng, xem như ngày hội của gia đình.
Và chuyện của người lớn
Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu,  tràng pháo, bánh chưng xanh
Khác với sự bận rộn của bọn trẻ chúng tôi, người lớn chuẩn bị những thứ lớn hơn cho cái Tết từ rất sớm, thường là khoảng 20 tháng chạp. Bà tôi bảo: “Nhà mình Tết nào cũng có thịt mỡ, dưa hành, tràng pháo, bánh chưng, chỉ thiếu cây nêu và câu đối đỏ. Thế là hơn các cụ ngày xưa rồi. Muốn có một cái Tết ra hồn thì có trăm thứ phải lo. Rõ khổ, làm cả năm mà không lo được cái Tết tử tế người ta cười cho”. Nói thế thôi chứ “trăm thứ phải lo” của bà tôi cũng chỉ là chuẩn bị gạo nếp, lá rong, đỗ xanh, thịt ba chỉ để gói bánh chưng; chân giò, mộc nhĩ để nấu thịt đông; chút miến, vài lạng măng khô để nấu canh măng… “Trăm thứ” của bà tôi ngày ấy bây giờ bà giúp việc chỉ ra chợ chục phút là xong.
Ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối năm ở quê tôi. Tôi theo bà ra chợ để mua những thứ cuối cùng cho những mâm cơm ba ngày Tết. Chỉ khâu chọn lá dong thôi tôi đã thấy cầu kỳ lắm. Bà tôi dặn: “Cháu nhớ nhé, lá dong không được to quá hay bé quá, màu lá phải còn xanh ngắt và lá không bị rách… Mua sớm thế này lá dong vừa rẻ vừa tha hồ chọn. Lá dong ngâm trong nước sạch để cả chục ngày vẫn tươi rói. Ruột bánh nhiều đỗ, nhiều thịt hay không chỉ mình bà cháu mình biết nhưng vỏ bánh không đẹp thì người ta cười cho, xấu hổ lắm…”.
“Công cuộc” gói bánh chưng Tết xưa thường diễn ra vào sáng 29 Tết. Nói là “công cuộc” vì việc gói và luộc bánh chưng diễn ra như một ngày hội nhỏ của gia đình. Buổi sáng hôm đó cả gia đình từ già đến trẻ đều tíu tít bên nồi bánh chưng, người rửa lá, người đồ đỗ, chẻ lạt, người ướp gia vị vào thịt để làm nhân bánh… Tết xưa người ta không đi mua bánh chưng và không dùng khuôn như bây giờ để chiếc bánh có sự mềm mại, nhờ sự khéo tay mà chú ruột tôi được bà con trong làng thường nhờ ông đến gói giúp vài cái để đặt lên bàn thờ gia tiên. Ông được bà con trong làng ưu ái gọi là nghệ nhân gói bánh. Bánh gói xong được ngâm nước từ trưa ngày 29. Đến sáng 30 Tết một bếp lửa lớn được nhóm lên để luộc bánh. Trong cái lạnh thấu xương của đêm 30 tối đen như mực những gia đình quê tôi đều ngồi bên bếp lửa trông bánh và ôn lại những chuyện vui buồn trong cả năm.
Ngày đó lũ trẻ chúng tôi hầu như không ngủ vào tối 30 Tết. Chúng tôi thức để trông bánh, sưởi lửa là lý do phụ, lý do quan trọng nhất để những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ thức được đến tận 0g chính là chiếc bánh mụn (một chiếc bánh nhỏ nhất và duy nhất) được người lớn bóc ra lúc giao thừa. Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 0g, mắt tôi sáng lên thèm thuồng nhìn bà tôi bóc bánh. Thấy tôi đưa đến 1/3 chiếc bánh vào miệng bà tôi mắng yêu: “Tiên sư cậu, có ai tranh đâu mà ăn thế, chết nghẹn bây giờ”.
Mâm cơm lễ giao thừa ngày ấy không chật cứng cao lương, mỹ vị như bây giờ. Nhà giàu có cỗ to cũng chỉ có thịt gà, bánh chưng, thịt đông, canh măng, nem rán. Những nhà nghèo như bà cháu tôi thì chỉ có bánh chưng và niêu thịt đông và nồi cơm không độn sắn, ngô… Với tôi thế là xôm lắm rồi vì chỉ có tết mới được thoải mái ăn những thứ xa xỉ này.
Sáng mùng 2, mùng 3 Tết, chỉ một số ít đứa trẻ khôn vặt, lẽo đẽo theo bố mẹ đi chúc Tết để hy vọng nhận tiền mừng tuổi còn đa số chúng tôi tập trung ở sân đình xem múa hát, xem các cụ đánh cờ người, xem các anh, chị văn công múa hát. Một nhóm những đứa con nhà giàu tập trung chơi đánh đáo (một hình thức đánh bạc bằng các đồng xu) ăn tiền…
Sáng mùng 4, lũ trẻ chúng tôi lại lam lũ theo người lớn ra đồng, thẫn thờ tiếc một cái Tết trôi qua, thẫn thờ tiếc 3 ngày không phải lao động, 3 ngày được nghe tiếng pháo, được ăn bánh chưng, được chén thịt đông thoải mái…
Tết bây giờ lũ trẻ không còn háo hức diện quần áo đẹp, cũng chẳng mặn mà gì với bánh chưng, thịt đông vì ngày thường chúng đã xơi đủ cả vi cá, bào ngư, yến sào... Thứ mà lũ trẻ ngày nay quan tâm nhất trong những ngày Tết là tiền lì xì và không phải học. Khi mà mọi thứ quá đủ đầy như bây giờ thì những ngày tết chỉ được coi như những ngày nghỉ xả hơi dài nhất trong năm. Có người bạn nói với tôi, Tết nay vẫn phải lo đấy chứ, nhưng không phải lo làm bánh chưng, thịt đông và mua pháo hồng như ngày xưa mà lo tiền mua… quà biếu.
Nhớ tết xưa….




 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons