Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Hoài niệm về truyền nhân Hùng kê quyền vang danh đất võ

Cố võ sư Ngô Bông được giới võ thuật cả nước biết đến là người duy nhất phục dựng bài võ Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ - người em út của nhà Tây Sơn.


Đây là bài võ đã góp phần không nhỏ trong những lần chinh Nam dẹp Bắc chống quân xâm lược của quân Tây Sơn, nhất là lần tiến quân ra Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, đại phá 29 vạn quân Thanh.
Nguồn gốc biệt danh "Lâm Hổ"
Chúng tôi tìm về thôn Điền Chánh (xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) để thăm gia đình cố võ sư Ngô Bông. Hiện, võ đường Ngô Bông do anh Lâm Sỹ con trai thứ của cố võ sư này tiếp quản. Trò chuyện về sự nghiệp võ thuật của chồng mình, bà Phạm Thị Mai (77 tuổi), vợ cố võ sư Bông cười hiền nói: "Chuyện võ thuật của ổng dài lắm, kể cả ngày cũng không hết".
   Hoài niệm về truyền nhân Hùng kê quyền vang danh đất võ - Ảnh 1
Bà Mai giới thiệu cho chúng tôi những vũ khí lúc sinh thời cố võ sư Ngô Bông sử dụng.
Cố võ sư Ngô Bông (còn có tên là Lâm Hổ, SN 1928) sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông bị quân Pháp sát hại. Từ nhỏ, do mẹ mất sớm nên ông phải về nhà ngoại ở nhờ. Tại đó, ông được hai người cậu ruột dạy võ Tây Sơn. Trong số những bài võ ấy có bài Hùng kê quyền, tuyệt kỹ do danh tướng Nguyễn Lữ thời Tây Sơn sáng tạo từ các thế đánh của gà chọi.
Ông bắt đầu theo nghiệp võ từ năm 11 tuổi. Suốt mấy chục năm tầm sư học đạo, khổ luyện những chiêu thức tinh hoa của võ nghệ, ông thông thạo được nhiều loại vũ khí như đao, thương, kiếm, côn... Thời đó, võ sư Bảo Truy Phong và Lâm Võ, hai người thầy của cố võ sư Ngô Bông đặt cho ông biệt danh Lâm Hổ. Bởi ông Ngô Bông đã nhiều năm khổ luyện thành công các bài Hắc hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm.
Để có bộ trảo lợi hại như hổ, cố võ sư Ngô Bông đã trải qua nhiều năm khổ công luyện Thiết sa chưởng với cát và sỏi. Tương truyền, những đòn trảo của ông có uy lực khủng khiếp, tới nỗi có thể chọc thủng tường gạch, phá tan đá, gỗ.
"Lớn lên trong cảnh côi cút và cùng cực nên ông muốn học võ cốt để giúp đời, để phụng sự Tổ quốc. Tâm niệm điều này, thời trai trẻ, ông sớm tham gia kháng chiến chống Pháp. Các địa danh Tu Bông, Dốc Mõ, Dốc Quýt, Xóm Cút đều lần lượt in dấu chân của chồng tôi. Nhiều tên giặc đã ngã gục dưới uy lực của ông ấy", bà Mai tự hào nói về người chồng quá cố.
Hồi sinh bài Hùng kê quyền
Theo võ sư Nguyễn Phi Hùng (hay còn gọi là Nguyễn Ninh), cố vấn trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ngãi, ủy viên Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, cố võ sư Ngô Bông được giới võ thuật cả nước biết đến với tư cách là võ sư duy nhất, phục dựng toàn bộ bài võ Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ, người em út của nhà Tây Sơn.
   Hoài niệm về truyền nhân Hùng kê quyền vang danh đất võ - Ảnh 2
Chân dung cố võ sư Ngô Bông.
"Đây là thế võ dựa vào các miếng đánh của gà chọi và nâng cấp lên thành một trường phái trong võ cổ truyền. Miếng đánh "song túc tề phi" (hai chân cùng bay) này đã góp phần không nhỏ trong những lần chinh Nam dẹp Bắc của quân Tây Sơn, nhất là lần tiến quân ra Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, đại phá 29 vạn quân Thanh. Tuy nhiên, thế võ độc đáo ấy đã thất truyền suốt mấy trăm năm qua", võ sư Phi Hùng cho biết.
Năm 1993, nhân giải võ cổ truyền toàn quốc tổ chức tại TP.HCM, cố võ sư Ngô Bông khi đó đã làm cho giới võ thuật cả nước kinh ngạc với miếng đánh Hùng kê quyền cùng bài giới thiệu về xuất xứ của nó.
Võ sư Nguyễn Sỹ (con trai thứ của cố võ sư Bông) kể: "Bài giới thiệu Hùng kê quyền của cha tôi mở đầu bằng hai câu: "Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/Song túc tề phi trảo thượng xung" (dịch nghĩa: Hai con gà chọi nhau để tranh hùng/Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên) được cha tôi học thuộc từ hai người cậu ruột của ông. Hai người cậu này thì học lại từ cha của mình vốn là nghĩa quân của nhà Tây Sơn".
Bài võ Hùng kê quyền ra đời trên đất Bình Định nhưng lại được một võ sư Quảng Ngãi làm sống dậy sau gần hơn 200 năm thất truyền. Và cố võ sư Ngô Bông trở thành truyền nhân của Hùng kê quyền được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam công nhận. Ông đã mang Hùng kê quyền đi khắp năm châu bốn bể để biểu diễn. Đến đâu biểu diễn Hùng kê quyền, giới võ thuật cũng hết lời khen ngợi và nể phục về thế võ độc nhất vô nhị.
"Bài Hùng kê quyền đã được đưa vào danh sách 10 bài quyền căn bản của võ cổ truyền Việt Nam. Anh Bông đã dành trọn đời mình cho võ thuật. Và chỉ có một tình yêu thủy chung như thế, Hùng kê quyền mới hồi sinh sau 200 năm quên lãng", võ sư Phi Hùng nói.
Gia đình cố võ sư Ngô Bông có 8 người con (4 trai, 4 gái), Ngô Lâm Em và Ngô Sỹ là hai con trai nối nghiệp võ của cha. Ngoài ra, ông còn có hàng ngàn môn sinh được truyền thụ võ thuật. Võ sư Ngô Sỹ kể lại: "Trước lúc qua đời, ông căn dặn các học trò và con cháu phải đem hết tâm lực để phụng sự cho võ cổ truyền dân tộc. Có như vậy, võ Việt mới sánh vai với các nước có nền võ học tiên tiến trên toàn thế giới".
Nghiên cứu và sưu tầm võ, sẵn sàng truyền dạy tất cả những gì đã học cho học trò để võ không bị thất truyền, đó là tính cách khiến cố võ sư Ngô Bông được giới võ nể trọng.
"Học trò đến học võ, cha tôi còn chú trọng dạy cho cách đối nhân xử thế ở đời, kể lại những chiến công của anh em Tây Sơn khiến các tướng sỹ nhà Thanh kinh hồn bạt vía. Một học trò từ phương xa, khăn gói đến bái sư phụ xin học võ, vài năm sau mới trở về đó tưởng như là câu chuyện chỉ có trong phim chưởng, kiếm hiệp. Nhưng với cha tôi thì không phải là chuyện lạ. Thỉnh thoảng lại có một học trò từ nơi xa đến xin cha tôi dạy võ, học đến khi thành công mới quay về quê hương để mở lò võ", võ sư Ngô Sỹ kể.
Bồi hồi nhìn lên bức ảnh của chồng treo trong phòng khách, bà Mai nhớ lại, lúc cố võ sư Ngô Bông còn sống, mỗi lần ông múa võ trước sân là bà con đến xem nhiều lắm. Học trò của chồng bà có cả người nước ngoài. Nhiều học trò ở các tỉnh thành khác đến đây học võ là ở lại gia đình, bà Mai đều lo cho ăn, ở và coi như con cháu trong nhà.
Theo võ sư Nguyễn Phi Hùng, cố võ sư Ngô Bông là một trong số ít những người đã chạm tới cảnh giới của võ thuật. Ông khiến cả làng võ cổ truyền đều thừa nhận là "xưa nay hiếm".
"Võ sư Bông là con người điềm đạm, tế nhị và sống tình nghĩa. Ấn tượng lớn nhất của tôi đối với anh Bông là sự chân tình. Người khác thì giấu nghề, còn anh, có gì là truyền hết, rút ruột ra để giúp đỡ học trò", võ sư Phi Hùng chia sẻ.
Với những đóng góp to lớn cho kho tàng võ cổ truyền, cố võ sư Ngô Bông đã được Ủy ban TDTT tặng Huy chương Vì sự nghiệp TDTT. Năm 2010, tại Milan (Italia), bộ phim Đời võ nói về cuộc đời của cố võ sư Ngô Bông đã vượt qua 400 phim cùng thể loại, đoạt giải quán quân tại Liên hoan Điện ảnh truyền hình thể thao quốc tế. Cố võ sư Ngô Bông mất năm 2011, hưởng thọ 83 tuổi. Thời khắc ông ra đi được coi như là một mất mát lớn của làng võ thuật cổ truyền.
Tượng đài võ thuật
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cố võ sư Ngô Bông được xem là một tượng đài của võ thuật dân tộc. Nhờ ông mà bài võ Hùng kê quyền đã được hồi sinh. Ông chính là tấm gương để thế hệ sau noi theo, dốc lòng tìm kiếm, phục dựng lại những bài võ quý hiếm của Việt Nam đã thất truyền.
Dương Kha



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons