Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Tác giả sách vạch trần “Nạn đói lớn” thời Mao bị cấm đi Mỹ

Cụ Dương Kế Thằng, tác giả cuốn sách vạch trẩn "Nạn đói lớn", hậu quả của chính sách "Đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông, bị cấm đi Mỹ nhận giải thưởng của Đại học Harvard.

Cụ Dương Kế Thằng, 76 tuổi, cựu nhà báo của Tân Hoa Xã, bị chính hãng thông tấn Trung Quốc cấm đi Mỹ nhận giải thưởng Nieman Fellows của Đại học Harvard vì cụ là tác giả cuốn sách vạch trần hậu quả "Đại nhảy vọt" - một chủ trương của Mao Trạch Đông khiến hàng chục triệu người TQ chết đói từ năm 1958 - 1961.
Cuối năm 2015, ban tổ chức giải thưởng Nieman Fellows trao giải cho cuốn sách “Mộ bia” dày 1.200 trang, trong đó cụ Dương kể rằng “Nạn đói lớn” đã cướp mạng sống của ít nhất 36 triệu dân TQ. Cuốn sách viết năm 2008 của cụ Dương bị cấm lưu hành ở TQ.  
Theo hãng tin AP ngày 16/2, từ hàng chục năm qua, chính phủ TQ đang cố gắng minh oan cho một trong những thảm họa kinh hoàng do “nhân tai” tạo ra. Dù gần đây lãnh đạo TQ cho phép, đôi khi khuyến khích xét lại các chủ trương thời ông Mao Trạch Đông, nhưng bất kỳ sự bàn tán nào về những thảm họa tầm cỡ quốc gia như vụ “Nạn đói lớn” đều thuộc diện “nhạy cảm”.
Sinh viên TQ ngày nay được học đó là “Ba năm khó khăn” chứ không được nghe nói đến “Nạn đói lớn”. Sách giáo khoa lịch sử TQ không cho biết có bao nhiêu người chết đói, cũng không giải thích nguyên nhân tại sao.
Cụ Dương cho AP biết qua điện thoại rằng Tân Hoa Xã cấm cụ đi Mỹ nhưng không nói nguyên nhân vì sao cấm và không cho biết cụ có bị tịch thu hộ chiếu hay không.
Hồi tháng 11/2015, cụ Dương xuất cảnh khỏi TQ và không báo trước với chính quyền. Lúc đó, cụ đi Thụy Điển nhận giải Stieg Larsson. Cụ cho biết cụ nhận giải trong sự thương tiếc 36 triệu đồng bào chết đói: “Tôi đau xót vì “nhân tai” xảy ra 50 năm trước đến nay vẫn bị che giấu trong khi những người vạch trần “nhân tai” này bị o ép, bị tấn công và bị bêu riếu”. Nhưng lần này, cụ báo trước với chính quyền, nên “đó là lý do vì sao tôi không thể đi Mỹ” - cụ Dương nói.
Cụ không cho biết gì hơn vì lý do bị cấm tiếp xúc giới truyền thông nước ngoài. Hiện cụ Dương sống hưu trí, sau thời gian làm việc cho Biên niên sử các hoàng đế Trung Hoa, một tạp chí sử học có tư tưởng thoáng nhưng năm ngoái cụ phải thôi việc do bị đảng ủy Tân Hoa Xã cấm.  
Tân Hoa Xã không trả lời đề nghị bình luận của AP.
Chính quyền địa phương sợ mất thi đua, "tô hồng" thành tích
Theo New York Times, các nhà sử học phương Tây nói ít nhất 30 triệu người chết đói trên toàn TQ trong thời “Nạn đói lớn”, khi hoạt động nông nghiệp tư nhân bị cấm hoàn toàn. Còn theo báo Wall Street Journal đăng tải hồi tháng 8/2014, khoảng từ 15 triệu đến 76 triệu người TQ chết đói trong "Nạn đói lớn". Tuy nhiên trong các báo cáo chính thức, Bắc Kinh không đề cập đến con số này và chỉ gọi đó là “3 năm khó khăn” trong khi cộng đồng quốc tế gọi đó là “Nạn đói lớn”.
Sau cuộc cách mạng năm 1949, ông Mao Trạch Đông hứa sẽ đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân TQ. Năm 1958, ông đưa ra chương trình “Đại nhảy vọt”, một kế hoạch hiện đại hóa nền kinh tế TQ đầy tham vọng đến độ điên rồ.
Theo báo The Guardian năm 2013, nhiều người tin rằng đấy là một tham vọng của riêng ông Mao, người không thỏa mãn với vai trò lãnh đạo quyền lực nhất TQ.
“Đại nhảy vọt” chủ trương tăng sản lượng công - nông nghiệp bằng hình thức hợp tác xã (HTX) kết hợp ý chí cách mạng. Nhưng ngay từ đầu nó đã thất bại. Cán bộ địa phương mới có chức quyền vì sợ “cấp trên” và hám thành tích nên đã thổi phồng, “báo cáo láo” về số lúa gặt được, khiến số nông sản rất cần thiết ở nông thôn bị đưa lên thành thị, thậm chí còn được đem đi xuất khẩu.
Ở các HTX, mỗi nông dân chỉ được phát hai khẩu phần nhỏ mỗi ngày. Trẻ con 1 tuổi chỉ nhận chút cháo ngô vào mỗi bữa ăn trưa và tối, trong khi thiếu niên 13 tuổi chỉ được phát một nửa khẩu phần này. Người lớn chỉ có một khẩu phần cháo có chút rau/ngày. Họ nhường phần cho con cái nên xác người lớn thường trương lên khi đói, da tay tróc lở.
Cán bộ địa phương còn đánh đập nông dân, giam giữ và giết những người "tố cáo" họ với cấp lãnh đạo cao hơn hoặc những người ăn cắp lương thực để không bị chết đói.
Đó là một “định hướng” sai lầm của “trung ương”, cụ thể là từ những mệnh lệnh “quá đáng” của ông Mao, mà cho đến ngày nay không nhiều người TQ dám nói công khai.
Dai nhay vot, Mao Trach Dong, Nan doi lon, chinh sach, cai cach, Trung Quoc
Phụ nữ TQ đập đá thời "Đại nhảy vọt" 
Hậu quả khủng khiếp trong chủ trương của ông Mao 
Theo "Mộ bia" của cụ Dương, lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh từ năm 1958 đã biết chuyện người chết đói. Năm 1959, ông Mao cảnh báo: “Tái phân phối nguồn lực sẽ dẫn công cuộc Đại nhảy vọt đến thất bại. Khi không đủ ăn, người dân đói đến chết. Nhưng thà để một nửa số dân chết đói để những người khác có thể ăn khẩu phần của họ”.  
Hậu quả của quyết định này rất khủng khiếp. “Mộ bia” ra đời năm 2008 ở Hồng Kông, trong đó nói rằng chỉ riêng tại một thành phố vô danh ở tỉnh Hồ Nam, trong vòng 3 năm có hơn 1 triệu người chết đói, và tại một vùng nọ, chỉ trong 9 tháng có 12.000 người chết đói.
Người sống sót bị tập hợp, bị đánh đập ở nơi giam giữ và cũng chết vì đói. Công an truy bắt những người viết thư nặc danh báo động việc bị hành hạ. Cán bộ lãnh đạo thì nhận được nhiều lúa hơn nông dân trồng lúa. Hay chuyện nhiều người bị tra tấn, đánh đập, bị chôn sống vì khai báo vụ thu hoạch yếu kém, từ chối nộp số lương thực ít ỏi họ kiếm được và bị buộc tội ăn cắp chút đồ ăn thừa, hoặc đơn giản chỉ vì làm cán bộ bực tức. 
Còn có câu chuyện 13 đứa trẻ xin cán bộ cho ăn, nhưng các em lại bị lùa vào vùng núi, nơi các em phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và chết đói. Hoặc chuyện một trẻ mồ côi phải giết đứa em trai 4 tuổi để ăn sống. Tại một làng nọ có 45 người thì 44 người chết, người còn sống là một phụ nữ trong độ tuổi 60 thì hóa điên...



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons