Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Ðiện Biên Phủ và dấu ấn trong nghệ thuật

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu và mảnh đất Điện Biên nhiều chục năm qua đã trở thành đề tài, là chất liệu khơi nguồn cảm hứng để văn nghệ sĩ nước ta cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Vì lẽ đó, Điện Biên Phủ đã hiện diện trong hầu hết các tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật... nước nhà.
Oai hùng trong âm nhạc
Nhắc đến những ca khúc viết về Điện Biên một thời khói lửa và sau khi giành thắng lợi không thể không nhắc tới nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân… Trong đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng có 2 ca khúc viết về Điện Biên Phủ: Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên được nhiều thế hệ yêu mến và thuộc nằm lòng, 2 ca khúc này cũng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Ðiện Biên Phủ và dấu ấn trong nghệ thuật
Bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ca khúc Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra đời cuối năm 1953 khi ông hòa mình vào các đơn vị bộ đội hành quân lên Tây Bắc. Trong một lần kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng nói: “Khi tiếp tục hành quân, tôi vừa đi vừa cấu trúc bài hát. Hai câu đầu theo thể bảy chữ (song thất): Hành quân xa (dẫu) qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta (đã) đổ mồ hôi”. Bài này thể một đoạn, cấu trúc chân phương, hơi nhạc dân tộc đậm đà nên bộ đội dễ hát”. Sau khi Hành quân xa được phổ biến đã nhanh chóng lan truyền đi khắp các đơn vị bộ đội, dân công; thổi một nguồn sinh khí cho các chiến sĩ, động viên, cổ vũ tinh thần của quân và dân hăng hái ra trận để đánh đuổi kẻ thù.
Đối với Giải phóng Điện Biên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết nhạc phẩm này sau chiến thắng Điện Biên một ngày ở bản Mường Phăng, bên bếp lửa nhà sàn với tâm trạng “lúc thì ghi nhạc trước, lúc thì viết lời trước”. Để khi nhạc phẩm hoàn thành, kể từ đó cho đến nay, Giải phóng Điện Biên trở thành một trong những ca khúc ghi nhớ về chiến thắng oai hùng của dân tộc, hòa hợp trong dòng ca khúc cách mạng của đất nước ta.
Bên cạnh những ca khúc về Điện Biên Phủ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn có Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân với giai điệu hào hùng tái hiện hình ảnh những người chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc bám vào dây chão, dây mây, dây song để kéo pháo... thể hiện không khí náo nhiệt, khí thế quyết tâm làm vang động cả núi rừng Điện Biên. Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân vào năm 2000 cũng đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nguồn cảm hứng sáng tác văn học
Trong lĩnh vực văn học, vùng đất Điện Biên - Tây Bắc và chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ ở nước ta phóng bút sáng tác. Vào buổi chiều 7/5/1954, khi nghe tin thắng trận thuộc về ta, nhà thơ Tố Hữu đã lập tức sáng tác “bản anh hùng ca” nổi tiếng - bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Bài thơ này có khí thế tưng bừng, diễn tả lại những năm tháng gian lao mà anh hùng và niềm vui chiến thắng vô bờ bến của quân dân ta, những câu thơ ăm ắp sự gian lao, khổ cực của quân và dân nhưng trên hết là ý chí kiên cường, bất khuất: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!...
Một nhà văn tên tuổi khác cũng từng có tác phẩm xuất sắc, đó là Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân có nhiều ghi chép, tùy bút như: Tây trang, dọn nhà lên Điện Biên, Phố núi, Xòe, Nhật ký lên Mèo, Đường lên Tây Bắc… đã nói lên những trăn trở, suy tư trước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Để có được Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã trải qua thời gian khá dài tại Điện Biên. Ông đã sống, gần gũi với các gia đình quân nhân ở vùng Tây Bắc và cả nhân dân địa phương để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất để viết về Điện Biên, về Tây Bắc.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có Bốn năm sau - tiểu thuyết nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở chiến trường Điện Biên Phủ, được ông sáng tác vào năm 1959 sau chuyến đi thực tế trở lại Điện Biên cùng các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Văn Tý... Bốn năm sau của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã phác họa những nét hồi sinh tại vùng đất chiến trường xưa, đồng thời gợi lên những ước mơ và cả những tâm tư của bao người một thời cầm súng chiến đấu làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Và dấu ấn hội họa
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua những tác phẩm hội họa về đất và người, chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tiên phải kể đến một trong “tứ kiệt” nền hội họa hiện đại Việt Nam là danh họa Tô Ngọc Vân. Tháng 4/1954, khi chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt nhất, họa sĩ họ Tô đã lên đường ra mặt trận. Ông đã trực tiếp tham gia và ghi lại không khí ác liệt của chiến trường cũng như sinh hoạt thường nhật của bộ đội ta ở Điện Biên qua các tác phẩm: Giáo viên dân tộc Thái, Cho ngựa ăn, Qua đèo, Qua suối, Trú quân… Hy sinh vào trung tuần tháng 6/1954 trong trận đánh bom tàn ác của địch tại đèo Lũng Lô nhưng trong chiếc cặp vẽ của danh họa Tô Ngọc Vân mang theo bên mình vẫn có nhiều ký hoạ dọc đường rất đỗi ấn tượng: Trú quân, Hành quân qua suối, Lên đèo, Qua đèo Lũng Lô… Tất cả những tác phẩm hội họa nói trên cùng các tác phẩm khác nói chung của họa sĩ Tô Ngọc Vân đến nay đã được Nhà nước trưng thu và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Sáng (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996) có bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (ngày 30/12/2013). Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ khắc họa rõ nét không gian của buổi lễ là một góc chiến hào chật hẹp trong thời khắc cam go giữa hai trận đánh. Người lính được kết nạp Đảng (đầu quấn băng trắng) - nhân vật trung tâm của bức tranh tay cầm súng, mắt nhìn nghiêm nghị về phía lá cờ Đảng trên vách hào. Bên cạnh đó, các nhân vật khác trong bức tranh đều ở trạng thái chuyển động: có chiến sĩ đỡ đồng đội bị thương, chiến sĩ khác hối hả chạy ra trận, các nhân vật ở trung tâm bức tranh gắn kết với nhau bằng cái bắt tay đầy quyết tâm…
Trong hồ sơ di sản của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có đoạn nói về bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ: “Tác phẩm được rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị: giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa…”.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons