Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Buổi kể chuyện khó quên

Bác cùng với các lưu học sinh tại Đức
Bác cùng với các lưu học sinh tại Đức

Năm 1969, sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến cả thế giới trong đó có nhân dân các nước Ả rập vô cùng bàng hoàng và tiếc thương. Người không chỉ được coi là một anh hùng lỗi lạc của nhân dân Việt Nam đã viết nên những trang sử chói lọi cho dân tộc mình, mà còn là lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc thế giới. Vì vậy nhân dân thế giới đã gửi những lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam.
Cùng các nước khác, chính phủ và nhân dân Syria và Palestine đã lần lượt tới đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Damascus. Những người dân bình thường từ các địa phương như Allepo, Hama… đã gửi điện thư chia buồn, kèm theo những vần thơ ca ngợi Hồ Chí Minh. Sau tuần tang lễ, Đại sứ quán CHND Đức nay là CHLB Đức đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam cử cán bộ đến nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội thiếu niên tiền phong Ten-lơ-man (Ernst Thailmann: Nhà hoạt động chính trị lỗi lạc - Bí thư Đảng Cộng sản Đức ở thế kỷ XX) trong sứ quán bạn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Syria lúc đó là ông Phạm Ngọc Quế - nguyên đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề nghị tôi đại diện đến nói chuyện. Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi bắt tay vào tìm tư liệu chuẩn bị cho buổi nói chuyện cho phù hợp với đối tượng thiếu nhi.
Đến ngày hẹn, cán bộ Đại sứ quán Đức dẫn tôi vào. Tôi bước đi giữa hai hàng thiếu nhi Đức trang phục gọn gàng, giơ tay chào nghi thức đội, rồi cùng nhau tiến vào hội trường sứ quán.
Tôi giơ tay chào các bạn nhỏ và bắt đầu câu chuyện: Thiếu nhi và cả nhân dân Việt Nam đều gọi vị Chủ tịch nước mình là Bác Hồ, vì Người sống rất giản dị, khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, đặc biệt là với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Dù bận việc nước, Bác vẫn dành một phần thời gian quý báu của mình để gặp mặt và nói chuyện với các em nhỏ. Các em quây quần để nghe Bác kể chuyện, để cùng Bác múa ca. Bác hỏi chuyện học hành, khích lệ các em học thật giỏi và chia kẹo đều cho từng cháu.
Các bạn nhỏ người Đức nghe đến đây thì tỏ ra thích thú lắm, mắt cháu nào cũng sáng long lanh.
Rồi tôi kể tiếp: Năm 1946, Bác Hồ với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên đã chính thức sang thăm Cộng hòa Pháp. Hôm ấy, tòa thị chính Paris mở tiệc lớn đón mừng Bác. Tiệc tan, mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy Bác cầm theo một quả táo. Khi Bác ra đến ngoài cửa, đã có rất nhiều bà con Việt kiều và cả người dân Pháp đang đứng đón Bác. Bác giơ tay chào mọi người. Khi Bác trông thấy một bà mẹ bế một cháu nhỏ đang cố lách đám đông tiến lại gần, Bác liền đưa tay bế em bé nhỏ và đưa cháu quả táo.
Mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ và rất cảm động trước tình cảm của Bác dành cho các em thiếu nhi. Cử tọa Pháp đã lặng đi trước cử chỉ tuy nhỏ bé nhưng mang đậm tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi tôi ngừng lời, các em nhỏ đã vỗ tay hoan hô rất lâu. Hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn giữ trong tim hình ảnh cảm động của Bác và những đôi mắt xanh biếc của các bạn nhỏ thiếu nhi Đức. Theo dõi chuyên mục "Học Bác mỗi ngày" của kênh truyền hình thông tấn, tôi thấy vô cùng tự hào vì đã từng một lần được kể chuyện cho những người bạn quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tôi cũng luôn tâm niệm là phải luôn học tập cách ứng xử giản dị và chân tình của Bác trong đời thường cũng như trong hoạt động ngoại giao đầy gian nan nhưng vô cùng vẻ vang của mình.
Theo Nguyễn Trí Quang (Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Syria 1986 -1972)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons