Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Thầy giáo Hoàng Đạo Thúy

Đời tôi sung sướng nhất được làm học trò thầy Hoàng Đạo Thúy. Thầy sinh năm 1900 trong một gia đình trí thức truyền thống ở Hà Nội, ông thân sinh sớm từ quan về dạy học. Bước vào đời, thầy chọn nghề giáo. Sự nghiệp của thầy bắt đầu từ năm 1920, thầy sớm nổi tiếng về đức độ, trên kính dưới nhường, trí tuệ uyên thâm.
Thầy giáo, đại tá Hoàng Đạo Thúy (1900-1994)
Trong giờ học, thầy tìm cách giáo dục lòng yêu nước, nên cứ bị thuyên chuyển luôn; nay ở Nam Định, mai lại bị điều về huyện Phong Doanh vừa nghèo vừa hẻo lánh. Rồi Móng Cái, Cao Bằng, Bạch Hạc, Việt Trì, đến đầu thập kỷ 30 mới về Trường Hàng Than rồi Trường Sinh Từ Hà Nội.
Thầy coi trọng tính tự giác của học trò nên có buổi thầy bận đi vắng mà cả lớp bên, cả giám thị không hề biết vì lớp vẫn yên lặng học như vẫn có thầy.
Biết thanh thiếu niên thường hiếu động, hăng hái, ưa mạo hiểm, thầy áp dụng những phương pháp giáo dục mới mẻ, rèn luyện nên con người có nhân cách, tự trọng, mạnh dạn, hoạt bát, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên. Ở Quảng Yên – Cao Bằng là miền núi cao, thầy đào tạo cho các em học sinh dân tộc thiểu số trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin. Ở thành phố, thầy tổ chức cho học sinh cắm trại, về nông thôn, chơi trò chơi lớn mở rộng hiểu biết về thiên nhiên, đất nước, con người. Các cậu thiếu niên Hà Nội học được cách dựng lều nấu ăn, tìm đường trong rừng, biết tổ chức cuộc sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Từ tình yêu thiên nhiên, yêu đồng bào, yêu quê hương, thầy gây dựng cho thanh, thiếu niên lòng yêu nước. Thầy không truyền đạt kiến thức một cách “nhồi sọ” mà lo trang bị cho học sinh cách suy xét, để biết tự nhìn nhận, nghiên cứu mà giải quyết. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều học trò của thầy về sau trở thành những tướng lĩnh giỏi, những sĩ quan dũng cảm và nhanh nhẹn, những trí thức nổi tiếng của nước ta.
Cuối những năm hai mươi, chưa đầy 30 tuổi, thầy nghiên cứu về tổ chức Scout rồi viết quyển “Hướng đạo sinh” giới thiệu một phương pháp giáo dục mới xuất hiện trên thế giới từ đầu thế kỷ. Rồi thầy trở thành người Tổ chức ra hướng đạo Việt Nam, người Huynh trưởng đạo cao đức cả mà hàng vạn thanh niên kính mến và noi theo.
Quyển “Nghề thầy”, thầy viết để hướng dẫn giáo viên và cả các bậc cha mẹ cách giáo dục con em.
Năm 1943, thầy viết quyển sách nổi tiếng “Trai nước Nam làm gì?” hướng cho thanh niên rèn luyện và xây dựng chí hướng yêu nước. Kiểm duyệt của thực dân đã cắt đi một phần tư và mỗi lần tái bản lại cắt thêm lần nữa, nhưng chúng vẫn thấy lo sợ. Thực dân tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng đã đề nghị trao giải thưởng “Alexandre de Rhodes”. Thầy kiên quyết từ chối không nhận.
Thế rồi, chúng tôi không thấy thầy đến lớp nữa – Ngóng mãi. Anh em xì xào: Thầy đã lên chiến khu.
Sau Cách mạng tháng Tám, chính phủ cử thầy làm Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Bác Hồ gọi là Trường Huấn luyện Sĩ quan chính quy đầu tiên của ta. Thầy giáo Tiểu học mà lại trở thành nhà quân sự, thật đáng ngạc nhiên. Song ít ai biết ngày trước, khi vào thư viện, thầy cứ lẳng lặng đến lấy các cuốn sách về Quân sự rồi đem sang quầy sách thường mà đọc mê mải.
Hòa bình lập lại, sau mười bẩy năm xây dựng Binh chủng Thông tin, thầy xin chuyển ra ngành giáo dục. Các đồng chí lãnh đạo muốn giữ thầy ở lại quân đội để phong cấp tướng. Thầy nói: Tôi cả đời dạy học, nay xin cho trở lại nghề cũ. Hai năm làm Giám đốc trường cán bộ dân tộc Trung ương, thầy đem hết nhiệt tình, lòng thương yêu và kinh nghiệm để giáo dục con em các dân tộc Tây nguyên.
Thầy có phương pháp giáo dục hiệu quả lạ thường. Các cháu của thầy cứ khoảng 5 tuổi là được gửi lên nội trú ở nhà ông. Chậm thì mười ngày, nhanh thì một tuần lễ về là biết chữ rồi.
Đầu xuân năm nay, đáng lẽ lên mừng thọ thầy 95 tuổi, chúng tôi lại đến để khóc thầy. Nhìn thầy nằm đó, thanh thản và cao sang lạ thường, làm sao cầm được nước mắt.
Là một người suốt đời sống như lời mình nói, như điều mình dạy, thầy không chỉ là thầy trên bục giảng, mà là thầy suốt đời chúng tôi.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons